Kết quả kinh doanh quý 1.2017 thuận lợi, cùng với thông tin nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đang kiến nghị Bộ Công thương áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm phân bón nhập khẩu khiến nhiều mã cổ phiếu phân bón đồng loạt tăng trần...
Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay (19.4), cổ phiếu DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí đã tăng trần lên 24.700 đồng/CP, tăng 1.600 đồng/CP (6,9%) với khối lượng giao dịch khớp lệnh lệnh hơn 2,7 triệu cổ phiếu (gấp đôi phiên ngày hôm trước). Tương tự, cổ phiếu DCM của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau cũng tăng trần lên 11.050 đồng/CP, tăng 700 đồng/CP (6,8%) so với phiên giao dịch ngày hôm qua với khối lượng khớp lệnh hơn gần 3,4 triệu cổ phiếu.
Cổ phiếu SFG của Công ty Phân bón miền Nam sau 4 phiên liên tục “đỏ sàn” thì đóng cửa phiên giao dịch hôm nay cũng đã tăng trần với mức giá 13.400 đồng/CP, tăng 800 đồng/CP (6,3%). Đặc biệt, cổ phiếu PSW của Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ sau 7 phiên đứng giá ở mức 12.600 đồng/CP thì đóng cửa phiên hôm nay cũng tăng trần lên 13.800 đồng/CP, tăng 1.200 đồng/CP so với phiên trước (9,5%).
Trong khi đó, dù không tăng trần nhưng mã cổ phiếu BFC của Công ty Phân bón Bình Điền sau 3 phiên liên tục “đỏ sàn” thì kết thúc phiên giao dịch hôm nay, BFC đã quay đầu tăng trở lại về mức giá 36.000 đồng/CP, tăng 1.900 đồng/CP (5,6%) so với phiên giao dịch hôm qua.
Còn với cổ phiếu LAS của Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, sau 4 phiên liên tục giảm giá và 1 phiên đứng giá, hôm nay LAS cũng tăng trần lên 13.600 đồng/CP, tăng 1.200 đồng/CP (9,7%), tuy nhiên khối lượng giao dịch chỉ gần 350 nghìn cổ phiếu được khớp lệnh.
Đánh giá về phiên tăng bất trần bất ngờ của đồng loạt các cổ phiếu ngành phân bón, đại diện Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, đà tăng của nhóm cổ phiếu ngành phân bón có phiên “hưng phấn” là vì những kỳ vọng vào Bộ Công thương sẽ áp thuế tự vệ với các mặt hàng phân bón nhập khẩu.
Cụ thể, ngày 31.3.2017, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) đã tiếp nhận hồ sơ của một số doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm phân bón nhập khẩu có mã HS: 3105.10.10, 3105.10.20, 3105.10.90, 3105.20.00, 3105.30.00, 3105.40.00, 3105.51.00, 3105.59.00, 3105.90.00.
Theo đó, những mã phân bón này các loại phân bón vô cơ phức hợp hoặc hỗn hợp với thành phần chính là Đạm (Ni-tơ) và Lân (P2O5) trong đó lượng Ni-tơ chiếm ít nhất 7% và lượng P2O5 chiếm ít nhất 30%. Việc bổ sung hoặc trộn thêm các nguyên tố khác như Ma-giê (Mg), Can-xi (Ca), Lưu huỳnh (S), Ka-li (K)... hoặc các nguyên tố vi lượng khác không làm thay đổi về bản chất đặc điểm lý và hóa học cũng như mục đích và đối tượng sử dụng của sản phẩm.
“Mặc dù chưa có quyết định cuối cùng từ Bộ Công Thương, tuy nhiên nếu được thông qua việc áp thuế tự vệ với phân bón nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội hồi phục mạnh mẽ cho ngành phân bón trong nước và đây cũng là những tín hiệu tích cực cho đà tăng của các mã cổ phiếu phân bón ngoài những thông tin thuận lợi về tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý 1.2017”, đại diện HSC lý giải.
Được biết, ngoài thông tin về việc có thể sẽ áp thuế tự vệ với các mặt hàng phân bón nhập khẩu, hiện một chính sách khác mà các doanh nghiệp và người nông dân rất mong chờ là là việc điều chỉnh luật thuế 71 đưa phân bón từ mặt hàng không chịu thuế VAT (tức không được hoàn thuế VAT) sang chịu thuế 0% (được hoàn thuế VAT), kỳ vọng sẽ tạo nên sự bức phá mạnh mẽ cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]