Trong quý vừa qua, trái phiếu niêm yết bằng đồng USD của Việt Nam đã có diễn biến tốt nhất trong khu vực châu Á. Nhà đầu tư toàn cầu dự đoán đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sẽ lấn át những ảnh hưởng từ diễn biến gần đây trên biển Đông.
Theo các chỉ số theo dõi thị trường trái phiếu của ngân hàng Bank of America Merrill Lynch, lợi suất trái phiếu Việt Nam niêm yết bằng đồng USD ở mức 4,2%, đánh bại 14 quốc gia châu Á khác.
Quý II vừa qua, lợi suất trái phiếu đáo hạn vào năm 2018 của Vingroup JSC giảm 81 điểm cơ bản, xuống còn 8,213%. Lợi suất trái phiếu của Ngân hàng Công thương Việt Nam đáo hạn vào năm 2017 giảm 63 điểm cơ bản, xuống còn 5,315%. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng đưa ra nhận định chi phí giảm sẽ hỗ trợ cho kế hoạch bán trái phiếu của ngân hàng này.
Nền kinh tế đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong giai đoạn 2016 – 2020 với những bước đi nhằm thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Các nhà quản lý tiền tệ cho rằng những căng thẳng gần đây trên biển Đông chỉ là ngắn hạn và sự khan hiếm nguồn cung trái phiếu sẽ khiến lực cầu tăng lên.
“Những vấn đề trong quan hệ với Trung Quốc không phải là tiêu chí chính để nhà đầu tư đưa ra quyết định. Ở châu Á, Pakistan, Sri Lanka và Việt Nam là những nước có lợi suất tốt tại thời điểm này. Nhà đầu tư cũng đã khai thác điều này trong quý vừa qua”, Sergey Dergachev – chuyên gia đến từ Union Investment Privatfonds GmbH (Đức) – nhận định.
Theo HSBC, 12 tháng qua, trái phiếu niêm yết bằng đồng USD do chính phủ Việt Nam phát hành đã mang lại lợi suất 15,49% - cao nhất ở châu Á. Trái phiếu của Sri Lanka có lợi suất là 15,45%, của Singapore là 7,46%, Indonesia là 14,27%, của Thái Lan là 8,9% và của Philippines là 11,8%.
BIDV, ngân hàng lớn thứ hai ở Việt Nam xét về tổng tài sản, trước đây chưa từng đi vay ở bên ngoài thị trường nợ niêm yết bằng VND. Hồi tháng 3, NHNN đã cắt giảm lãi suất tái chiết khấu từ 5% xuống còn 4,5% và lãi suất tái cấp vốn từ 7% xuống 6,5%. Tuy nhiên, mức lãi suất gần 0 ở châu Âu, Mỹ và Nhật Bản vẫn khiến thị trường nợ quốc tế trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều.
Trả lời phỏng vấn của Bloomberg, ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Giám đốc Ban Kinh doanh Vốn và Tiền Tệ của BIDV – cho biết xu hướng hiện nay trên thị trường là một nhân tố tích cực hỗ trợ kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế của BIDV.
Về tiền đồng, một nghiên cứu được công bố ngày 19/6 bởi Ngân hàng ANZ cho thấy từ nay đến cuối năm, NHNN có thể giảm giá VND thêm 1% nữa.
Vì triển vọng của nền kinh tế được cải thiện, chi phí bảo hiểm cho khoản vay cũng giảm xuống. Ngày 11/6, hợp đồng hoán đổi vỡ nợ tín dụng bảo vệ trái phiếu chính phủ giảm xuống còn 189,5 điểm cơ bản, thấp nhất kể từ tháng 5/2013.
Rajeev de Mello - người đang quản lý 10 tỷ USD với vai trò phụ trách tài sản mang lại thu nhập cố định ở châu Á của Schroder Investment Management Ltd. - nhận định tất cả các thị trường sơ khai châu Á đều đã có diễn biến tốt. Các nước này được hưởng lợi rất lớn từ điều kiện ổn định hơn của kinh tế toàn cầu.
Số liệu của EPFR Global cho thấy thị trường trái phiếu của các nước mới nổi đã lập kỷ lục vượt 2 tỷ USD trong tuần đầu tiên của tháng 6, bởi nhà đầu tư hướng ra thị trường nước ngoài để tìm kiếm lợi suất cao hơn.
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]