Một thời thị trường chứng khoán chứng kiến hàng loạt kế hoạch tăng vốn lớn và thất bại. Một thời, tỷ lệ thành công trong mỗi lần huy động vốn của thị trường chứng khoán chỉ tính bằng con số dưới hai chục phần trăm. Một thời, người ta quen với cụm từ xé giấy lấy tiền hơn là cụm từ huy động vốn của doanh nghiệp.
Đó là thực trạng của những năm 2011- 2013.
Doanh nghiệp “khôn” hơn sau những thất bại thảm hại. Năm 2014, phát hành riêng lẻ cổ phiếu thành trào lưu. Lúc này nổi lên 2 trường phái: Phát hành riêng lẻ trực tiếp (nói nôm na là doanh nghiệp tìm được người sẵn sàng bỏ tiền mua cổ phiếu phát hành thêm và nhắm đến đối tượng đó) và Phát hành riêng lẻ…ẩn danh. Để cổ đông dễ dàng thông qua phương án tăng vốn, doanh nghiệp lên phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và nếu bất thành thì…đối tác riêng lẻ sẽ mua. Một cách lách thời gian hạn chế chuyển nhượng-theo quan điểm của một số người! Bớt đi một chút thất bại so với những năm 2011-2013.
Và đến bây giờ. Cũng là tăng vốn. "Mốt" của năm 2015 có đôi chút khác!
Dường như, doanh nghiệp đang “điên” với cơn sốt vốn. Tìm đủ mọi cách để tăng vốn. Và, tăng không phải một đồng, hai đồng, tăng ít là nhân đôi, tăng nhiều là nhân năm, nhân sáu…
Phải thừa nhận rằng, không ai có quyền phán xét doanh nghiệp nên tăng vốn hay không. Đó là nhu cầu của doanh nghiệp. Họ cần và họ có quyền! Thị trường chứng khoán là môi trường cho họ thực hiện cái họ muốn.
“Tôi cần tiền để M&A, đây là cách duy nhất để chúng tôi to lên một cách nhanh chóng. Cơ hội bây giờ rất tốt và điều này có lợi cho cổ đông”-một doanh nghiệp có kế hoạch tăng vốn lớn năm 2015 chia sẻ.
"Tôi có quỹ đất khá tốt thời gian trước nhưng chưa có vốn để triển khai. Bất động sản ấm lên rồi. Tôi huy động vốn làm dự án. Tôi có gì sai đâu?"-một doanh nghiệp ngành bất động sản chia sẻ.
“Tăng vốn cấp số nhân thế thì chỉ có thể là xé giấy lấy tiền, thị trường nào hấp thụ cho nổi lượng vốn đó!”-một nhà đầu tư trải nghiệm thị trường nhiều năm nhận xét.
“Chúng tôi là đơn vị tư vấn phát hành tăng vốn cho một doanh nghiệp niêm yết năm nay. Chúng tôi cảm thấy khá áp lực. Có lẽ, doanh nghiệp kỳ vọng hơi thái quá về kinh tế vĩ mô nói chung nên vạch ra phương án tăng vốn lớn”-đại diện một công ty chứng khoán đang tham gia tư vấn phát hành cho 1 doanh nghiệp niêm yết trên sàn Hà Nội chia sẻ.
Điểm sơ qua kế hoạch tăng vốn của doanh nghiệp trong năm 2015, những phương án tăng vốn lớn phải kể đến như:
-Cặp TSC- FIT sẽ tăng thêm trên dưới 3 nghìn tỷ đồng thời gian tới.
-Hội đồng quản trị Viettel Global đã trình Đại hội cổ đông thường niên năm 2015 phương án tăng vốn điều lệ thêm 10.000 tỷ đồng thông qua việc chào bán riêng lẻ cổ phiếu cho Tập đoàn Viettel. Vốn điều lệ hiện đạt 12.438 tỷ đồng.
-ThangLong Invest Group (TIG) kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 265 tỷ đồng lên 680 tỷ đồng đã được ĐHCĐ thông qua cùng kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận gấp 5 lần mức 36 tỷ đồng đạt được năm 2014.
-Maserco (MAC) được đại hội thông qua việc tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1 với mệnh giá 10.000đ/cp và tổng số cổ phần dự kiến của công ty sau khi phát hành và chia cổ tức là 13,11 triệu đơn vị.
Đó là chưa kể đến những công ty chứng khoán có kế hoạch tăng vốn lớn với tham vọng bước chân vào thị trường chứng khoán phái sinh khi thị trường-đến nay vẫn chưa kịp thành hình-đi vào hoạt động...
Kỳ vọng hơi thái quá vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Có lẽ, đó là mấu chốt.
Và, giả sử, những kế hoạch tăng vốn này thành công, quy mô thị trường chứng khoán Việt- xét về vốn- sẽ bất ngờ phình to gấp đôi, gấp ba chỉ trong một thời gian ngắn. Có lẽ, không một thị trường chứng khoán nào trên thế giới "làm được" như thế!
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]