Trong khi đó, dòng tiền đầu cơ vào nhanh, nên thoát ra rất nhanh, khiến thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, thời điểm trước và sau những dịp nghỉ lễ kéo dài, chứng khoán đã không tăng mà lại giảm rất mạnh.
Mọi kỳ vọng thị trường sẽ tăng trở lại trong phiên ngày 5/5 đã tan thành mây khói. Thị trường chính thức lao dốc cực mạnh khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) thoát hàng bằng mọi giá. Trong khi nền kinh tế có dấu hiệu tốt lên thì chứng khoán lại đi ngược chiều là giảm điểm liên tục mà không cần lý do.
Điều chỉnh về mức hợp lý?
Thị trường điều chỉnh giảm mạnh làm cho nhiều cổ phiếu nóng tiếp tục giảm sâu. Một số cổ phiếu chứng khoán dù có báo cáo lãi lớn, nhưng khi thị trường giảm, mọi thứ đều bị bán ra. Có lẽ, những cổ phiếu này đã tăng quá nóng, nên giờ sẽ điều chỉnh quá đà? Đâu là điểm dừng với mức giá hợp lý đó là dấu hỏi mà nhiều NĐT quan tâm.
Một số NĐT nhận định đúng là kiếm tiền trên TTCK chẳng dễ chút nào, mặc dù họ đã cố gắng bắt đáy, mua vào mạnh hơn, nhưng chẳng khác nào bắt phải dao rơi. Sau khi đánh sóng tăng lên kiếm được vài chục phần trăm, giờ thành quả ấy đã bay sạch trong vài phiên, thậm chí còn bị âm cả vào tài khoản nếu sử dụng đòn bẩy quá đà và bị CTCK ép bán.
Đối với những NĐT cá nhân thường xuyên bị cháy tài khoản là khi thị trường tăng thì reo mừng, phấn khởi, lúc thị trường giảm thì nhăn nhó, nhưng họ vẫn không dám sửa sai, cắt lỗ ở mức hợp lý mà cứ mong chờ thị trường hồi phục.
Các chuyên gia cho rằng thị trường thường hay tạo đáy với thanh khoản cạn kiệt. Điều đó được lý giải từ việc áp lực bán ra đã không còn nhiều, khó thể giảm sâu, thị trường luôn chứng minh điều ngược lại. Điều mà nhiều NĐT lo ngại nhất là lao dốc không phanh.
Thực tế, trong phiên ngày 5/5, hiện tượng bán tháo bằng mọi giá đã xuất hiện, nhiều cổ phiếu nóng bị bán sàn như AGR, DLG, SHS… Lực bắt đáy dù nhiều, nhưng không chịu nổi cú sốc xả hàng.
Đây là điều vô cùng tiêu cực cho cổ phiếu mà NĐT đang nắm giữ bị thua lỗ nặng. Mọi người vẫn kỳ vọng bằng một phép màu nào đó, thị trường sẽ bật tăng trở lại thì những cổ phiếu bị nén mạnh sẽ tăng về mức giá hợp lý, đúng với giá trị của chúng.
Như vậy, thị trường chỉ có một lo ngại duy nhất là yếu tố thanh khoản, liên quan đến dòng tiền lớn, nóng để phục hồi trở lại. So với thời điểm thị trường đạt đỉnh 609 điểm của VN-Index, thanh khoản đã giảm tới 62%.
Nhiều NĐT lớn đã rút ra khỏi thị trường
Thị trường đã chứng kiến những phiên giao dịch đầy ám ảnh với những phiên bán tháo cường độ lớn và hoạt động giải chấp xuất hiện. Do đó, áp lực bán tháo vẫn còn là dấu hiệu tiêu cực. Ai muốn cắt lỗ, thoát khỏi, chấp nhận giảm vài chục phần trăm thì sẽ bán bằng mọi giá.
Thị trường vẫn còn hoảng loạn chưa thể cân bằng như nhiều dự đoán nên khả năng sụt giảm sâu có thể vẫn còn. Một số nhà đầu tư bắt đáy sớm có thể đã phải trả giá, chấp nhận thua lỗ, gây sức ép lớn lên thị trường.
Chờ đợi dòng tiền
Thông thường, giá tăng trước kỳ nghỉ lễ trong điều kiện thanh khoản thấp là không đáng tin cậy vì nó thể hiện một sự nghi ngại lớn từ phía NĐT. Xu hướng của thị trường bao giờ liên quan mật thiết đến dòng tiền.
Tiền vào nhiều, cổ phiếu tăng, tiền sụt giảm, cổ phiếu xuống giá. Với lực bán giảm ở vùng giá thấp, sức cầu yếu cũng đủ để tạo cân bằng giá. Có những phiên không còn lực giải chấp hàng loạt nữa, mức giao dịch trên dưới 1.500 tỷ đồng cũng đủ tạo giá tăng khá mạnh. Tuy vậy, nếu ít tiền thì khả năng tăng sẽ không bền vững.
Trong bài phân tích của mình, chứng khoán IVS cho rằng NĐT cần kiên định, bởi nền kinh tế ổn định theo xu hướng đi lên, nhiều công ty có lợi nhuận tốt hơn so với những năm trước thì chắc chắn cổ phiếu cũng sẽ tăng giá trở lại.
Có những khi thanh khoản thấp, chỉ số giảm điểm chẳng phải là vấn đề lớn, nhiều cổ phiếu vẫn tăng ngược với xu hướng của thị trường. Tuy nhiên, với thị trường sụt giảm thì càng kiên định, tài khoản càng vơi đi, bốc hơi nhanh chóng.
Nhà đầu tư đã bắt đầu mua vào cổ phiếu cơ bản tốt hay những cổ phiếu đầu cơ, thị giá thấp… thì đều thua lỗ. Đây có thể vừa là cơ hội và cả thách thức đối với cổ phiếu này, có thể chúng sẽ quay vòng tăng điểm cũng có thể bị giảm sâu hơn nữa, đó là những điều khó mà đoán biết được.
NĐT sau khi thắng với đòn bẩy tài chính, thì ngay lập tức họ bị kéo xuống mặt đất với thiệt hại không hề nhỏ. Những cú giảm giá nhanh và mạnh khiến nhiều người không dám đánh đu với thị trường.
Các chuyên gia cũng nhận định, NĐT lớn đã rút ra khỏi thị trường. Tuy nhiên, với sức mua cố gắng duy trì bền bỉ trong xu hướng lình xình thì cần lực cầu từ khối ngoại hay dòng tiền tiềm năng được kích hoạt, thị trường mới có thể phục hồi trở lại được.
Thị trường vẫn cần thêm thời gian để cân bằng, đem đến sự an tâm cho NĐT khi quay lại với thị trường. Chứng khoán đã không thể tăng luân phiên, dòng tiền tìm kiếm lợi nhuận ở cổ phiếu lớn hay nhỏ thì đều bị thua lỗ là điều khó tránh khỏi.
Ai đủ kiên nhẫn chờ đợi thị trường hồi phục thì cứ nắm giữ cổ phiếu. Ai muốn thoát hàng thì chấp nhận bán tháo bằng mọi giá. Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào dòng tiền.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]