Evan Spiegel - CEO, nhà đồng sáng lập Snap. Nguồn: Getty Images
Năm 2016, doanh thu của Snap là 404,5 triệu USD, tăng 600% so với năm 2015 - theo hồ sơ IPO của Công ty, dù khoản lỗ lại lên đến 515 triệu USD. Tương tự, năm 2015, doanh thu của Snap là 59 triệu USD trong bối cảnh phải chịu lỗ 382 triệu USD.
Kỳ vọng mức định giá quá cao?
Một số nguồn tin nói với Reuters rằng, các nhà đồng sáng lập Snapchat đặt mục tiêu giá trị thị trường ít nhất là 25 tỷ USD cho công ty truyền thông xã hội của mình. Nếu đạt được mục tiêu đó sẽ đắt hơn cả Facebook, Alibaba và thậm chí là Google tại thời điểm những đại gia công nghệ này IPO.
Sau khi tìm kiếm và đối chiếu số liệu từ các đợt IPO được mong đợi của các công ty công nghệ khác, Fortune cho biết Snap vẫn thuộc dạng đắt hàng đầu.
Cụ thể, nó đắt gấp đôi so với Facebook và gần gấp 4 lần Google. Do Snap vẫn chưa kiếm được lợi nhuận nên không thể tính được chỉ số P/E (chỉ số giá trên lợi nhuận), vì vậy, Fortune đã thực hiện các phép so sánh độ đắt rẻ của giá trị thị trường được kỳ vọng tại thời điểm IPO dựa vào chỉ số giá trên doanh thu (chỉ số P/S). Nghĩa là tính toán xem các công ty này nghĩ rằng nhà đầu tư sẵn sàng chi bao nhiêu tiền cho mỗi USD doanh thu.
Chẳng hạn như trường hợp IPO của hãng công nghệ gần đây nhất là Công ty Truyền thông xã hội Twitter. Khi IPO vào năm 2013, Twitter kỳ vọng mức định giá 14,2 tỷ USD trong bối cảnh doanh thu của năm trước đó ở vào khoảng 316,9 triệu USD. Nghĩa là các nhà đồng sáng lập Twitter mong đợi đạt được mức định giá gấp 45 lần doanh thu.
Trong khi đó, con số 25 tỷ USD cho thấy các nhà lãnh đạo Snap đang kỳ vọng mức giá "trên trời": gấp 62 lần doanh thu. Cũng giống như Snap, ở thời điểm IPO, Twitter chưa đạt được lợi nhuận, nhưng Twitter chỉ chịu khoản lỗ 79 triệu USD.
Một hãng công nghệ khác là Facebook có doanh thu 3,7 tỷ USD và lợi nhuận 1 tỷ USD trong năm trước khi IPO, nhưng kỳ vọng giá trị thị trường của Facebook lúc đó cũng ở mức gấp 28 lần doanh thu.
Dù khá khiêm tốn khi IPO nhưng Facebook và Twitter vẫn gặp không ít khó khăn khi đã trở thành công ty đại chúng, nên sự tự tin thái quá của Snapchat đang được cho rằng có thể mang đến nhiều rủi ro hơn các "đàn anh" đi trước.
Snap đã chọn Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) để IPO, tuy nhiên NYSE từ chối đưa ra bình luận - Nguồn: Getty Images
Tự tin về hiệu quả của quảng cáo
Sự tự tin về giá trị thị trường của Snap có thể xuất phát từ sự tự tin về hiệu quả của quảng cáo trên Snapchat. Trong hồ sơ IPO, Snap cho rằng hình thức quảng cáo video trên Snapchat mang đến hiệu quả cao hơn các đối thủ cùng cung cấp dịch vụ video kỹ thuật số khác, và thậm chí còn cao hơn cả quảng cáo trên tivi.
Theo đó, Snap nhận định, các hình thức quảng cáo video hiện tại có tính hiệu quả thấp. Cụ thể, hai hình thức quảng cáo video phổ biến nhất hiện nay là quảng cáo chen ngang và quảng cáo cùng lúc với hiển thị nội dung chính.
Ở hình thức thứ nhất, người dùng sẽ có cảm giác thất vọng vì bị chặn lại bởi một quảng cáo trước khi được xem nội dung đã lựa chọn trước đó. Ở hình thức thứ hai, cảm giác của người dùng đỡ tệ hơn nhưng quảng cáo dạng này chỉ ở trong một khung nhỏ chứ không hiển thị toàn màn hình nên người dùng dễ dàng bấm bỏ qua, giống như bỏ qua một banner quảng cáo thông thường.
Snap kết luận, cả hai hình thức trên đều chưa tối ưu, nên Công ty đã tìm ra một giải pháp hiệu quả hơn nhiều, đó là tận dụng quảng cáo truyền hình.
Snap muốn làm cho quảng cáo hiệu quả hơn cả trên tivi bằng cách "sử dụng một số tính năng độc đáo của điện thoại thông minh và Snapchat". Trong tài liệu IPO vừa được nộp lên, Snap nêu hai giải pháp chính nhằm cải thiện hiệu quả quảng cáo.
Một là người dùng có thể vuốt lên quảng cáo để mua sản phẩm ngay lập tức từ nhà quảng cáo mà không cần phải rời khỏi ứng dụng Snapchat. Hai là Snap sẽ nâng cao tính cá nhân bằng cách đưa ra những quảng cáo có liên quan mật thiết nhất đến từng người dùng cụ thể.
Thêm nữa, Snap cho rằng đã đến thời điểm chín muồi cho quảng cáo truyền hình trên điện thoại di động. "Chi tiêu quảng cáo toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 652 tỷ USD vào năm 2016 lên 767 tỷ USD vào năm 2020. Trong đó, phân khúc phát triển nhanh nhất là quảng cáo trên thiết bị di động, vốn được kỳ vọng tăng trưởng gần gấp 3 lần, từ 66 tỷ USD năm 2016 lên 196 tỷ USD vào năm 2020. Chúng tôi tin rằng một trong những lý do chủ yếu thúc đẩy sự tăng trưởng này là vì người dùng đã chuyển sự chú ý của họ từ tivi sang thiết bị di động" - Business Insider trích dẫn nội dung hồ sơ IPO của Snap.
Do đó, nếu ngân sách quảng cáo "rời khỏi" tivi và hướng đến điện thoại di động, người dùng có khả năng sẽ thích quảng cáo trên điện thoại di động hơn nếu nó có thể đem đến cảm giác quen thuộc như trải nghiệm trên tivi.
Snap không phải là hãng công nghệ duy nhất tập trung ngân sách để đẩy mạnh kinh doanh quảng cáo video. Facebook cũng đã làm điều tương tự để nâng cao trải nghiệm cho các sản phẩm video. Vì vậy, điều đáng được mong chờ sắp tới là các nhà quảng cáo truyền hình sẽ "bắt tay" với ai? Snapchat, Facebook, YouTube hay một hãng nào khác có thể chứng minh rằng giải pháp quảng cáo của mình mới là tối ưu nhất?
Nhưng có lẽ điều đáng được mong chờ hơn hết hiện nay là liệu sự tự tin của các nhà điều hành Snapchat có tạo ra sự tự tin tương tự cho các nhà đầu tư để họ hào hứng "rút hầu bao" mua cổ phần khi hãng công nghệ này lên sàn hay không.
Kiếm được 2,4 triệu USD vào năm ngoái (đã bao gồm khoản tiền lương cơ bản là 500.000 USD), Evan Spiegel - CEO của Snap cho biết sẽ cắt giảm mức lương của mình xuống còn 1USD mỗi năm sau khi IPO. Tuy nhiên, cổ phần của Spiegel tại Snap có thể trị giá đến 5,5 tỷ USD. Nhận lương 1USD/năm hiện khá phổ biến của CEO các công ty ở Mỹ, nhưng thường thì họ vẫn được trả bù bằng cổ phiếu và tài trợ. Đây là cách làm tượng trưng nhằm chứng tỏ tiền lương của họ gắn liền với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]