Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, GDP của nước này trong ba tháng đầu năm nay đã suy giảm 1%, mức giảm mạnh hơn nhiều so với dự báo ban đầu chỉ là -0,1%. Đây là lần đầu tiên kể từ quý I/2011, kinh tế Mỹ không tăng trưởng mà lại suy giảm. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với mức tăng 2,6% trong quý 4/2013 trước đó.
Nhà kinh tế trưởng Paul Ashworth thuộc công ty Capital Economics cho biết có nhiều nguyên nhân làm chậm đà phát triển của nền kinh tế Mỹ trong những tháng đầu năm nay, trong đó phải kể đến hai tháng mùa Đông lạnh giá bất thường và kim ngạch xuất khẩu giảm. Các chuyên gia cho rằng một mùa Đông lạnh chưa từng có vừa qua đã làm giảm ít nhất 1,5% GDP của Mỹ.
Tuy nhiên, thị trường dường như "dửng dưng" với tin xấu trên và các chuyên gia vẫn đưa ra các nhận định đầy lạc quan vào viễn cảnh của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo ông Ashworth, tốc độ tăng GDP của Mỹ trong quý 2 năm nay có thể sẽ đạt mức 3,5% trước khi ổn định ở mức 3,0% trong các quý còn lại. Trong cuộc họp định kỳ mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng có những đánh giá khả quan về triển vọng của nền kinh tế và đã quyết định tiếp tục cắt giảm gói nới lỏng định lượng thứ ba (QE3).
Củng cố cho tâm lý lạc quan của thị trường còn là báo cáo công bố cùng ngày của Bộ Lao động Mỹ, theo đó cho biết trong tuần kết thúc ngày 25/5, số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở nước này đã giảm 27.000 người xuống còn khoảng 300.000 người -mức thấp nhất trong gần bảy năm qua, dấu hiệu cho thấy thị trường lao động vẫn đang tiếp tục được cải thiện.
Đóng cửa phiên 29/5, Dow Jones Industrial Average chốt phiên tăng 0,39% lên 16.698,74 điểm; S&P 500 tăng 0,54% lên 1.911,51 điểm - mức cao kỷ lục mới và Nasdaq Composite cũng tăng 0,54% lên 4.232,75 điểm.
Cùng ngày tại châu Âu, chứng khoán khu vực biến động trái chiều trong bối cảnh thị trường đón nhận những thông tin tốt xấu đan từ nền kinh tế Mỹ cùng tâm lý chờ đợi của nhà đầu tư về khả năng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ sớm công bố các giải pháp kích thích tăng trưởng mới nhằm đẩy lui tình trạng thiểu phát.
Đóng cửa phiên 29/5, FTSE 100 của Anh tăng 0,29% lên 6.871,29 điểm, không còn cách xa mốc 6.900 điểm; CAC 40 của Pháp giảm không đáng kể 1,12 điểm (0,02%) xuống 4.530,51 điểm, và DAX 30 của Đức không đổi, vẫn giữ nguyên ở mức chốt phiên trước đó là 9.938,90 điểm.
Sang phiên 30/5 tại châu Á, các thị trường trong khu vực hiện đang phần lớn đỏ điểm, trong đó chứng khoán Nhật Bản bị sức ép trước việc đồng yen tăng giá cùng số liệu cho biết chi tiêu hộ gia đình tại nước này trong tháng Tư đã sụt giảm do tác động của việc tăng thuế tiêu dùng (bắt đầu từ 1/4 vừa qua).
Ngay trước phiên giao dịch buổi sáng, Nhật Bản công bố số liệu cho biết chi tiêu hộ gia đình trong tháng Tư đã giảm mạnh 13,3% so với tháng Ba, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2011 khi nước này phải hứng chịu thảm họa động đất và sóng thần. Cũng trong tháng Tư, lạm phát tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 1,3% của hồi tháng Ba.
Sau sáu phiên đi lên liên tiếp, chứng khoán Tokyo hiện đang tạm giảm 0,55%; Sydney mất 0,25%; Seoul lùi 0,10%; Thượng Hải (Trung Quốc) đi ngang. Chỉ có Hang Seng của Hong Kong là đang tăng nhẹ 0,4%./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]