Tuy nhiên, hình thức chi trả cổ tức này không mấy hấp dẫn NĐT so với việc được nhận “tiền tươi, thóc thật”.
Doanh nghiệp mạnh tay
Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng (DIG) vừa công bố thông tin về việc phát hành CP tăng vốn cổ phần từ nguồn thặng dư vốn. Theo đó, DIG sẽ phát hành 35,7 triệu CP với tỷ lệ 25% (cổ đông sở hữu 1.000 CP tại ngày chốt danh sách sẽ được chia thêm 250 CP). Ngày chốt danh sách cổ đông là 22-8. Như vậy, nếu tính theo mệnh giá, số lượng CP dự kiến phát hành của DIG có giá trị 357 tỷ đồng. Cũng với mục đích tăng vốn, CTCP Cơ khí điện Lữ Gia (LGC) vừa có thông báo phát hành CP để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo kế hoạch, LGC sẽ phát hành thêm 7,3 triệu CP cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 50%.
Ngày chốt danh sách cổ đông là 20-8. Mới nhất là trường hợp của CTCP Than Vàng Danh - Vinacomin (TVD). Theo thông báo của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, ngày 20-8 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận CP phát hành thêm của TVD với tỷ lệ 29:10 (cổ đông sở hữu 29 CP tại ngày chốt danh sách sẽ được chia thêm 10 CP).
Theo VAFI, NĐT cần tính toán lợi nhuận tương lai của doanh nghiệp để xác định chỉ số P/E, EPS tương lai cao hay thấp. Nếu các chỉ số tài chính hiện tại và tương lai cao thì không nên mua.
Tính đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp phát hành CP thưởng khủng nhất là CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC). Theo UBCKNN, cơ quan quản lý này vừa nhận được tài liệu báo cáo về việc phát hành CP trả cổ tức của VIC. Theo kế hoạch, VIC sẽ phát hành thêm khoảng 452,7 triệu CP, tương đương giá trị 4.527 tỷ đồng tính theo mệnh giá để chi trả cổ tức cho cổ đông đợt này. Phương án phát hành được thực hiện theo Nghị quyết ĐHCĐ của VIC với tỷ lệ lên đến 48,7%. Thời gian thực hiện dự kiến vào quý III-2014.
Bên cạnh những trường hợp phát hành này, TTCK thời gian gần đây còn đón nhận một lượng lớn CP được doanh nghiệp phát hành trước đó nay chính thức được giao dịch. Điển hình là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), đưa vào giao dịch hơn 347 triệu CP mới từ đợt phát hành CP để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.
CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIC) đưa vào giao dịch gần 7 triệu CP. Đây là số CP được phát hành để trả cổ tức cho cổ đông trong tháng 6. Tương tự, CTCP Tập đoàn FLC (FLC) cũng sẽ đưa vào giao dịch 6,2 triệu CP trong những ngày sắp tới. Đây là số CP được FLC phát hành thêm nhằm thực hiện chi trả cổ tức 2013 cho cổ đông trong tháng 7 (tỷ lệ 4%).
Rủi ro pha loãng
So với hình thức chi trả cổ tức bằng tiền mặt, hình thức phát hành CP thưởng không được NĐT nhiệt tình đón nhận. Điều này được thể hiện qua hiệu ứng của thị trường ngay khi thông tin này được công bố. Thực tế, những thông tin này đã không thể tạo sóng lớn cho các doanh nghiệp so với thông tin doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt. Thậm chí, có mã còn suy giảm sau thông tin doanh nghiệp in thêm giấy.
Nguyên nhân chính dẫn dến tình trạng này do NĐT lo ngại hiện tượng pha loãng CP. Ngoài ra, tỷ lệ chia tách quá lớn được cho là không phù hợp với tỷ lệ tăng trưởng của lợi nhuận trong tương lai. Chẳng hạn, tỷ suất lợi nhuận sau thuế của một doanh nghiệp là 50%, giá CP là 80.000 đồng, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ theo tỷ lệ 1:1. Sau khi tăng vốn, nếu doanh nghiệp không bứt phá tương đương thì lợi nhuận trong tương lai chỉ ở mức 25%/vốn điều lệ.
Do đó, nếu giá CP sau khi chia tách vẫn chỉ được giao dịch trong khoảng từ 40.000-50.000 đồng/CP, NĐT chắc chắn bị thiệt. Trên thực tế, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp lại suy giảm sau khi tăng vốn khiến cho tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ mới rất thấp, đi kèm với đó là mức chia cổ tức trên vốn điều lệ mới cũng giảm theo. Thậm chí, có trường hợp doanh nghiệp thua lỗ nặng, làm giảm vốn điều lệ đã sử dụng hết các khoản thặng dư vốn và lợi nhuận để lại để tăng vốn điều lệ.
Có thể nói, doanh nghiệp chạy đua phát hành CP thưởng đã được các chuyên gia khuyến cáo từ lâu. Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), khi HĐQT quyết định tăng vốn điều lệ bằng hình thức trả cổ tức bằng CP hay chia CP thưởng, doanh nghiệp đó phải thực sự còn nhiều tiềm năng phát triển ở những ngành nghề kinh doanh cốt lõi.
Hình thức phát hành CP chỉ đúng khi doanh nghiệp đảm bảo rằng việc trả cổ tức năm sau sẽ tăng lên tương ứng, NĐT nắm giữ CP lâu dài sẽ được gia tăng nguồn lợi nhuận cổ tức. Hơn hết, doanh nghiệp phải có dự phòng nguồn lợi nhuận và thặng dư vốn để lại ở mức hợp lý để đề phòng những rủi ro kinh doanh trong tương lai. Không nên lấy tất cả nguồn lợi nhuận giữ lại hay lấy tất cả nguồn thặng dư vốn để tăng vốn điều lệ.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]