Những chỉ số buồn
Thời hoàng kim của cổ phiếu địa ốc bắt đầu từ năm 2010, trước khi xảy ra cú vỡ bong bóng làm doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư điêu đứng. Bất động sản thành kênh đầu tư nóng, sắc xanh tràn ngập sàn giao dịch. Tuy nhiên, sau cú đổ vỡ của thị trường, một loạt các mã cổ phiếu bắt đầu lao dốc và lâm vào tình cảnh “sống mòn”.
Niêm yết vào tháng 10.2010, cổ phiếu Địa ốc Hoàng Quân (HOSE: HQC) từng là “mã hot” của thị trường với mệnh giá 31.000 đồng/cp. Chỉ một năm sau, thời điểm đích thân chủ tịch HĐQT Trần Quốc Tuấn bán 2 triệu cổ phiếu, giá HQC rơi xuống 12.000 đồng/cp.
Sau nhiều năm cổ phiếu DN rớt thê thảm. Tới mức mỗi kỳ ĐHCĐ, cổ đông đều thở dài khi doanh nghiệp công bố trả cổ tức bằng cổ phiếu. Tháng 4.2016, thời điểm ĐHCĐ, cổ phiếu HQC găm ở mức 5.700 đồng/cp, chủ tịch Tuấn trình bày tham vọng kéo giá về mức 10.000 đồng/cp trong ngắn hạn. Đến nay, cổ phiếu tiếp tục lùi vào “mắc cạn” ở mức 5.000 đồng/cp.
Khang Điền đang “đánh bạc” với cuộc giải cứu quỹ đất BCI
Chung một “hành trình buồn” có Địa ốc Phát Đạt (HOSE: PDR), niêm yết vào tháng 7.2010 với mệnh giá 39.500 đồng/cp, trở thành một mã được săn đón cùng với hàng loạt dự án ấn tượng trên thực tế. Tuy nhiên, cú vấp ngã từ dự án The Everich khiến cổ phiếu mất dần sức sống. Trong một thời gian dài nỗ lực vực dậy giá cổ phiếu, những bài toán tạo tài sản của ông chủ không hấp dẫn được các nhà đầu tư. Cổ phiếu PDR trong một thời gian dài, quẩn quanh ở mức dưới 13.000 đồng/cp.
“Con đường đau khổ” nhất thuộc về Quốc Cường Gia Lai (HOSE: QCG). Phát hành tháng 8.2010 với giá niêm yết 45.500 đồng/cp. Trong vòng 6 năm cổ phiếu doanh nghiệp của mẹ Cường đô la hiện đang “sa lầy” ở mức giá chỉ hơn 4.000 đồng/cp. Quốc Cường Gia Lai là DN đa ngành, tuy nhiên sự lụn bại nằm chính ở cuộc chơi địa ốc khi doanh nghiệp này luôn nằm trong top tồn kho lớn. Kết thúc năm 2015, khoản mục tồn kho các dự án của QCG lên đến 5,444 tỷ đồng, tăng 32% so với đầu năm và chiếm gần 91% tài sản ngắn hạn.
Ôm một “cục máu đông” lớn và không thể triển khai. Cổ phiếu sắp thành “giấy lộn”.Cổ đông sốt ruột gây sức ép vay vốn giải cứu địa ốc, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Như Loan lắc đầu cho biết không thể vay thêm. “Nếu cổ đông tiếp tục gây sức ép, GCG sẽ hủy niêm yết trên sàn”- bà chủ tịch than thở.
Những canh bạc
Trong thị trường địa ốc, Đất Xanh (HOSE: DXG) là doanh nghiệp tiên phong tích hợp mô hình chủ đầu tư kiêm sàn giao dịch. Lên sàn vào cuối năm 2009 với mệnh giá 48.000 đồng/cp. Giá cổ phiếu hiện tại của DXG “loay hoay” ở mức 14.000 đồng/cp.
Hoạt động của Đất Xanh im ắng thời gian dài, doanh nghiệp này trở lại với chuỗi dự án Opal với nhiều dấu hỏi lớn về pháp lý. Trước đó, pháp nhân này mất quyền phân phối dự án của Khải Vy sau khi khi đã ký hợp đồng ghi nhớ. Có vẻ như cái tên Đất Xanh đang dần mất uy trên thị trường. Bên trong Đất Xanh, hai pháp nhân mới là Link House và Viethome được thành lập do thành viên của Đất Xanh nắm giữ, cùng “gánh vác” sứ mệnh phân phối các dự án.
Với kế hoạch phát hành phát hành tối đa hơn 117,2 cổ phiếu và tăng vốn điều lệ lên gấp đôi. Đất Xanh đang có “bước đi nóng” khi mà doanh thu năm 2015 chỉ đạt 1.394 tỷ đồng trong khi tổng nợ ngắn hạn lên đến hơn 1.249 tỷ đồng, theo cáo bạch của doanh nghiệp.
Một ông lớn khác là địa ốc Khang Điền (HOSE: KDH) từng rất thành công khi niêm yết đạị chúng đầu năm 2010, đỉnh cao của thị trường địa ốc. Với việc thu hút được dòng vốn từ quỹ ngoại trong đó có Vinacapital, Khang Điền vươn lên thành “bá chủ” khu Đông và thống lĩnh cuộc chơi biệt thự.
Năm 2015, Khang Điền thực hiện một nước cờ lớn khi thâu tóm BCI với quỹ đất khủng tại khu Tây. Trả lời về nguồn vốn phát triển quỹ đất BCI, thành viên HĐQT Khang Điền, ông Nguyễn Đình Bảo từng chia sẻ, cổ phiếu sẽ là một trong hai kênh chính yếu để huy động vốn, ngoài sản phẩm biệt thự hiện hữu.
Tuy nhiên, ngay đầu năm 2016, “sứ mệnh” của Khang Điền đã gặp trắc trở lớn khi 3 quỹ ngoại trực thuộc Vinacapital lần lượt thoái toàn bộ vốn khỏi doanh nghiệp bằng việc bán toàn bộ cổ phiếu nắm giữ.
Cổ phiếu KDH thời gian gần đây giao động ở mức 26-27.000 đồng/cp, lùi sâu so với mức 48.000 đồng/cp thời điểm niêm yết. Mất đi “sự quyến rũ” trên sàn giao dịch, việc Khang Điền tìm kiếm nguồn vốn ở đâu để “giải cứu” quỹ đất BCI là một câu hỏi khó.
Diễn biến mới nhất, Khang Điền vừa “hất cẳng” một nhà đầu tư thuộc dự án IDICO Tân Phú sau khi thâu tóm xong BCI. Dự án công bố hơn một năm nay, hiện tại im lìm, chưa có dấu hiệu khởi động. Chỉ riêng dự án này, Khang Điền đã cần đến gần 500 tỷ đồng. Với quỹ đất lên đến 400 ha của BCI, đây là một bài toán nan giải. Nếu Khang Điền sử dụng vốn vay ngân hàng trong bối cảnh hiện tại, khả năng lớn là quỹ đất khủng này sẽ thành “cục máu đông” không chỉ mang đến nhiều nguy cơ cho doanh nghiệp mà còn có khả năng gây tổn thương lớn cho thị trường bất động sản.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]