Trước sự mong chờ của những nhà đầu tư và những người theo dõi ngành công nghiệp, vào thứ Tư (22/2), Elon Musk đã công bố kết quả tài chính quý 4 của Tesla. Trong 3 tháng cuối năm, cổ phiếu của Tesla Inc. đã tăng hơn 40%. Có thời điểm, giá trị của công ty đạt khoảng 45 tỷ đôla, trị giá hơn cả Nissan Motor Co., và chỉ ít hơn một vài tỷ so với ngôi thống trị của "Nữ hoàng Detroit" Ford Motor Company.
Giá trị vốn hóa thị trường đáng kinh ngạc của Tesla cần một lời giải thích.
Về cơ bản, giá cổ phiếu của một công ty thể hiện giá trị hiện tại thuần của tất cả các khoản lợi nhuận trong tương lai. Các khoản lợi nhuận này chỉ có thể được ước tính bởi các nhà phân tích, và để ước tính một cách hợp lý, thì họ phải dựa vào các dữ liệu trong quá khứ của công ty. Ngoại trừ sáp nhập và mua lại, không ai có thể nghĩ rằng một công ty từng phải đối mặt với bờ vực phá sản có thể bất ngờ đạt 1 tỷ đôla lợi nhuận thuần.
Tính đến tháng 11 năm 2016, thị phần của Tesla trong thị trường xe hơi và xe tải nhẹ chỉ là 0,3%. Trong năm 2016, khoảng 76.000 xe Tesla đã được xuất xưởng, trong khi chỉ riêng dòng F-Series của Ford đã bán được 780.000 chiếc trong năm 2015.
Mặc dù kết quả kinh doanh không được khả quan, nhưng các nhà đầu tư tiếp tục niềm tin vào Tesla. Vậy đâu là nguyên nhân của sự tin tưởng này?
“Tự cung tự cấp”
Không giống như những đối thủ của mình, Elon Musk là một người thích tự xây dựng mọi thứ. Trong khi Uber và Lyft tự hào về việc tránh các đầu tư thâm dụng vốn vào các nhà máy hay các cơ sở hạ tầng vật lý khác, thì Tesla lại rất hứng thú với các dự án này.
SpaceX của Musk thiết kế, sản xuất và ra mắt tên lửa và tàu vũ trụ. Gigafactory của Tesla với nhiệm vụ chính là sản xuất pin lithium-ion dự kiến sẽ đưa vào hoạt động hết công suất năm 2018. Và nó sẽ trở thành nhà máy lớn thứ 2 thế giới, sau nhà máy của Boeing. SolarCity, được sáp nhập vào Tesla tháng 11 năm ngoái, là nhà cung cấp dịch vụ năng lượng mặt trời lớn nhất ở Mỹ.
Sự kết hợp hoàn hảo của một công ty sản xuất ô tô và một nhà cung cấp dịch vụ năng lượng
Ngày nay, hầu như không có công ty sản xuất ô tô nào tự sản xuất kính chắn gió, da bọc nội thất ô tô, hay kính chiếu hậu. Tuy nhiên, Tesla vẫn tiếp tục sản xuất những phụ tùng mà chuỗi cung ứng hiện tại của chúng đang hoạt động kém hiệu quả, và biến việc sản xuất nội bộ những phụ tùng này thành một lợi thế thực sự.
Nhìn theo phương diện này, mô hình mà Musk đang xây dựng không chỉ là một công ty ô tô. Nó cũng không hẳn là một công ty dịch vụ năng lượng. Có thể nói rằng, sự thông thạo về dự trữ năng lượng trong ắc-quy ô tô hay trong các hộ gia đình, về cung cấp năng lượng bằng pin mặt trời, và hệ thống phân phối năng lượng thông qua những “siêu thiết bị sạc pin” (supercharger) là những yếu tố quyết định cho việc nâng cấp hệ thống di chuyển hiện tại của chúng ta. Chỉ có sự kết hợp giữa những yếu tố này thì chúng ta mới có thể mở ra hy vọng cho một tương lai với một hệ thống giao thông bền vững trong thế kỷ 21.
Đổi mới mang tính đột phá thường đòi hỏi sự tích hợp của nhiều lĩnh vực. Elon Musk coi sự phụ thuộc vào các nhà cung ứng nước ngoài là một điểm yếu và không phải là một cách kiểm soát chi phí thông minh.
Thay vì giữ bí mật thương mại và sở hữu trí tuệ, Tesla cho không bằng sáng chế của mình, thậm chí họ còn không hề tính lệ phí giấy phép, sẵn sàng phát triển công nghệ xe điện với các bên thứ ba có thiện chí.
Tầm nhìn dài hạn của thị trường tài chính
Để tiếp tục thu hút các cổ đông, các nhà quản lý phải làm một việc gì đó mà các nhà đầu tư chưa tính đến. Nói một cách khác, cách duy nhất để tăng giá cổ phiếu của một công ty về lâu dài thì cần phải liên tục cung cấp những yếu tố bất ngờ bằng cách liên tục phát triển theo một hướng mà thị trường không lường trước được.
Tuy nhiên, để tạo ra những yếu tố bất ngờ này, một công ty phải xâm nhập vào những lĩnh vực mới với những rủi ro như sự thiếu vắng của những nhà cung ứng. Trong trường hợp của Tesla, công ty đã phải phối hợp tất cả các hoạt động kinh doanh lại, qua đó những rủi ro sẽ được giảm bớt. Nghịch lý là cùng lúc đó, công ty phải cho đi những bí quyết của nó và liên kết với các công ty khác để củng cố các tiêu chuẩn của ngành công nghiệp mới.
Ngoài Amazon, Tesla có lẽ là công ty duy nhất vẫn đầu tư vào cơ sở vật chất vật lý trong thời đại Internet. Amazon thì đầu tư vào nhà kho, còn Tesla đầu tư vào các nhà máy sản xuất ô tô. Cả hai đang theo đuổi một cách tiếp cận mở trong khi thương mại hóa công nghệ của họ. Những chiến lược của họ có thể khác thường, và đôi khi, hết sức nguy hiểm.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư không chỉ thưởng cho những chiến lược thận trọng dẫn đến tăng trưởng thu nhập ổn định, mà cả những chiến lược vô cùng mới mẻ, miễn là kết quả mang lại vẫn đáp ứng được kỳ vọng của họ. Trong thời đại dồi dào tiền mặt và nguồn vốn, khi lợi nhuận của những doanh nghiệp Mỹ đang ở mức cao nhất mọi thời đại, thì những chiến lược táo bạo quan trọng bằng hoặc hơn những chiến lược thận trọng.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]