Các nhà tim mạch hàng đầu thế giới đã khẳng định rằng: chế độ dinh dưỡng và thể dục, rèn luyện sức khỏe là một trong những phương pháp điều trị cao huyết áp hữu hiệu không dùng thuốc. Việc tập thể dục thường xuyên giúp điều hòa lượng cholesterol máu, kìm chế xơ vữa động mạch, làm giãn và tăng tính đàn hồi của mạch máu, giảm sức cản máu ngoại biên - kết quả là hỗ trợ giảm huyết áp.
Trước tiên, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bước vào quá trình tập luyện, liệu rằng sức khỏe của bạn có phù hợp với những chế độ luyện tập đấy không. Nếu bác sĩ khuyến khích bạn thực hiện, hãy bắt đầu ngay để cải thiện tình trạng sức khỏe của bạn càng sớm càng tốt. Sau đây là một số thông tin hữu ích cho bệnh nhân có huyết áp cao.
Bài tập thể dục tăng cường sức khỏe cho bệnh nhân cao huyết áp
1. Những loại hình thể dục nào là tốt nhất?
Có thể tham khảo 3 loại cơ bản sau đây :
- Tập aerobic có thể giúp bạn giảm huyết áp và có một trái tim khỏe mạnh hơn. Ví dụ như các môn đi bộ, chạy bộ, nhảy dây, đạp xe (đứng yên hoặc ngoài trời), trượt tuyết, trượt băng, chèo thuyền, thể dục nhịp điệu, bơi lội...
- Tăng cường luyện tập cơ bắp. Điều này sẽ giúp bạn đốt cháy nhiều năng lượng hơn trong suốt cả ngày. Đồng thời, nó cũng tốt cho khớp và xương, đặc biệt ở người cao tuổi.
- Duỗi cơ hay còn gọi là giãn cơ sẽ làm cho cơ thể linh hoạt hơn, giúp bạn di chuyển tốt hơn, và giúp ngăn ngừa những tai nạn không đáng có.
2. Nên tập thể dục vào lúc nào và bao lâu là đủ?
Phương pháp đi bộ: Đi bộ hoặc đi bộ nhanh ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày một tuần, bạn có thể đi bộ vào buổi sáng hay chiều. Đối với người già, tránh đi thể dục vào lúc quá sớm để tránh sương mù, là gió lạnh ( đặc biệt vào mùa đông) vì người già nên thận trọng với hệ hô hấp.
Đầu tiên, hãy thực hiện các động tác khởi động các khớp tay, chân, khuỷu tay, khớp gối...Thời gian khởi động từ 5 đến 10 phút. Nó sẽ giúp cơ thể bạn làm quen với việc di chuyển và giúp ngăn ngừa thương tích.
Sau đó tăng dần đều cường độ. Tuy nhiên, bạn cũng chỉ nên tập ở một cường độ vừa phải. Để tránh sự nhàm chán, bạn có thể tìm thêm một vài người đồng hành và cùng nhau trò chuyện trong khi tập thể dục.
Cuối cùng, bạn giảm dần cường độ và kết thúc buổi tập. Trong quá trình tập luyện, tuyệt đối không được dừng lại đột ngột. Nên giảm dần các động tác từ mạnh đến nhẹ cho đến khi dừng lại hẳn. Điều này đặc biệt quan trọng đối với người có huyết áp cao.
Tùy theo tình trạng sức khỏe mà có thể đi bộ nhanh với tốc độ khác nhau, có thể đạt 5-6km/giờ. Với tốc độ đi bộ 5-6km/giờ, tần số tim có thể đạt khoảng 100 - 110 nhịp/phút. Do cường độ vận động trong đi bộ nhanh thấp hơn so với chạy nên số buổi tập có thể 5-7 buổi trong một tuần, nghĩa là tập hằng ngày, thời gian mỗi buổi tập nên 30-60 phút sẽ giúp đạt hiệu quả tốt. Khi đi bộ nhanh đã trở thành quen thuộc và không khó nhọc nữa thì bận nên tăng dần cường độ vận động bằng cách chuyển sang chạy chậm, chạy bước nhỏ để đạt được sức căng nhất định về thể lực và duy trì được hiệu quả tập luyện.
Chạy bộ buổi sáng rèn luyện sức khỏe ở người cao tuổi
Phương pháp chạy: Đối với bệnh nhân cao huyết áp khi mới bắt đầu tập chạy, những buổi đầu tiên cần chạy với cường độ (tốc độ) thấp để cơ thể có thời gian thích ứng dần. Giai đoạn này thường kéo dài khoảng 8-12 tuần. Trong thời gian này có thể áp dụng phương pháp tập luân phiên giữa đi bộ nhanh và chạy. Ví dụ, 50m đi bộ nhanh + 50m chạy, buổi tập sau 100m đi bộ nhanh + 100m chạy... cho đến khi cơ thể có thể duy trì được chạy liên tục.
Chú ý, những bệnh nhân có huyết áp tăng quá 160/90mmHg thì tập luyện phải kết hợp với dùng thuốc hạ huyết áp (uống thuốc trước khi tập ít nhất 15 - 30 phút)
3. Ba việc đơn giản giúp bạn tập thể dục đều đặn.
- Hãy làm cho việc tập thể dục trở nên thú vị, bạn sẽ không thấy nhàm chán và không bỏ cuộc.
- Lên lịch tập thể dục hằng ngày.
- Tìm một người bạn thân thiết để cùng thực hiện. Điều này sẽ giúp người bệnh có thêm động lực hơn và thích thú hơn với việc tập luyện này.
4. Việc vận động thể lực này có an toàn không?
Vận động là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm để giảm huyết áp.
Khi bạn tập thể dục, hãy chú ý cảm nhận cơ thể. Có thể mất một thời gian để cơ thể của bạn làm quen với chế độ tập luyện. Việc tập luyện làm cho bạn thấy hít thở khó khăn hơn và đổ mồ hôi là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn đang cảm thấy rất khó thở, hoặc nếu bạn cảm thấy như trái tim của bạn đập quá nhanh hoặc không đều, hãy tập chậm dần lại và nghỉ ngơi.
Ngừng tập thể dục nếu bạn cảm thấy đau ngực, chóng mặt, choáng váng, và áp lực hoặc đau ở cổ của bạn, cánh tay, quai hàm, hay vai... Hãy gọi cho bác sĩ của bạn hoặc điều trị cấp cứu ngay lập tức nếu các triệu chứng không biến mất một cách nhanh chóng hay lặp lại.
Việc rèn luyên thể dục hằng ngày vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả, an toàn đối với bệnh nhân cao huyết áp. Song song với việc tập luyện thể dục hằng ngày bạn hãy tuân theo một chế độ dinh dưỡng khoa học kết hợp với dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp cho việc điều trị trở nên dễ dàng và đạt kết quả cao hơn.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]