Tăng acid uric máu thường hay gặp nhất trong bệnh gút, sỏi thận, suy thận mạn, đa u tủy xương... Acid uric tăng gây lắng đọng ở tim, mạch dẫn đến viêm mạch máu, xơ vữa động mạch, ở vùng đầu gây viêm tuyến mang tai, viêm mống mắt... Có nhiều nguyên nhân gây tăng acid uric máu, trong đó có nguyên nhân là do thuốc chữa bệnh.
Một số nguyên nhân gây tăng acid uric máu
Nguyên nhân hay gặp nhất gây tăng acid uric máu là do bệnh gút. Tăng acid uric máu trong bệnh gút có thể do dùng các loại thức ăn có chứa nhiều purin, đặc biệt là thịt đỏ (thịt trâu, bò, thịt chó), hải sản, tôm, rượu, bia. Rượu (ethanol) làm tăng sản xuất axit lactic dẫn đến cạnh tranh đào thải với acid uric tại thận, làm tăng quá trình suy thoái của adenine nucleotide dẫn đến tăng sản xuất acid uric. Rượu cũng làm giảm bài tiết acid uric qua đường thận do gây mất nước nhanh. Còn bia là sản phẩm phụ của quá trình lên men, góp phần bổ sung một nguồn purin làm tăng sản xuất acid uric. Hoặc do tăng giáng hóa nucleoprotein tế bào, tăng tổng hợp purin nội sinh. Hoặc do giảm đào thải acid uric qua đường niệu (giảm độ lọc cầu thận, giảm bài tiết của ống thận) hoặc có thể giảm phân hủy acid uric do vi khuẩn trong phân.
Tăng acid uric máu còn có thể do một số nguyên nhân khác tuy ít gặp hơn như do mô, tổ chức bị phá hủy sau hóa trị, xạ trị trong điều trị ung thư, do gia tăng chuyển hóa tế bào (bệnh đa hồng cầu, đa u tủy xương, bệnh lơ-xê-mi cấp, u lympho), béo phì hoặc nhịn đói. Việc nhịn đói kéo dài buộc cơ thể phải huy động các mô (purin) để biến thành năng lượng cũng tương tự như một chế độ ăn uống giàu purin dẫn đến tăng acid uric máu. Ngoài ra, nhịn đói cũng làm suy yếu khả năng bài tiết acid uric của thận dẫn đến tăng acid uric.
Một số bệnh có thể thấy tăng acid uric máu như bệnh tăng huyết áp, bệnh đái đường (kháng insulin). Ngoài ra, tăng acid uric máu còn do dùng một số thuốc điều trị bệnh khác nhưng lại làm tăng acid uric máu.
Một số thuốc làm tăng acid uric máu
Thuốc thường gặp nhất là nhóm corticoid (uống và tiêm) được sử dụng trong điều trị bệnh gút và một số bệnh khác. Với bệnh gút, corticoid có tác dụng chống viêm, giảm đau nhưng khi hết thuốc, bệnh gút dễ tái phát, mặt khác thuốc có tác dụng làm gia tăng acid uric máu. Vì vậy, khi xét nghiệm máu thấy acid uric vẫn tăng cho dù vừa điều trị hết đau, hết sưng nề khớp bởi corticoid.
Tiếp đến là nhóm thuốc lợi tiểu được dùng trong điều trị phù ở bệnh nhân suy tim, xơ gan, bệnh thận (cấp hay mạn tính, hội chứng thận hư...). Hầu hết các thuốc trong nhóm lợi tiểu, khi dùng kéo dài đều có thể gây tăng acid uric máu. Lý do là các thuốc lợi tiểu này làm giảm bài tiết acid uric qua thận dẫn đến tăng nồng độ chất này trong máu.
Một số thuốc chống đau, giảm viêm, hạ sốt có thể dùng trong điều trị bệnh gút nhưng lại làm tăng acid uric máu như phenylbutazon hoặc aspirin. Aspirin có tác dụng trên quá trình thải trừ acid uric nhưng tùy thuộc vào liều sử dụng, nếu liều 1 - 2g/ngày hoặc thấp hơn có tác dụng giảm thải trừ acid uric qua thận dẫn đến tăng acid uric máu, nhưng nếu dùng liều cao trên 2g/ngày lại tăng thải acid uric qua thận dẫn đến giảm acid uric máu. Tuy nhiên, aspirin liều cao không được dùng làm thuốc điều trị hạ acid uric máu trong bệnh gút do nó làm giảm tác dụng của các thuốc điều trị gút khác và làm tăng tác dụng phụ trên dạ dày ruột.
Một số thuốc sử dụng trong điều trị bệnh lao có thể làm tăng acid uric máu như ethambutol hoặc pyrazinamid. Vì vậy, nếu một người đang mắc bệnh lao phải dùng các thuốc đó, kèm theo bị gút cấp, nên tránh dùng chúng. Ngoài ra, một số thuốc sử dụng trong điều trị bệnh ác tính (u lympho ác tính Hodgkin và không Hodgkin, u lympho Burkitt, bệnh đa u tủy xương) như vincristin, cisplatin... có khả năng làm tăng acid uric máu hoặc nhóm thuốc chẹn beta giao cảm timonol sử dụng trong điều trị bệnh tăng huyết áp hoặc thuốc theophylin sử dụng trong bệnh hen suyễn (làm giãn phế quản) có thể làm gia tăng acid uric máu.
Cần thận trọng khi sử dụng thuốc
Khi bị acid uric tăng cao có thể do bệnh gút hoặc không phải do gút, vì vậy, việc điều trị hoàn toàn khác nhau. Người bệnh cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ.
Khi sử dụng một số thuốc có khả năng làm tăng acid uric máu, cần thận trọng với bệnh nhân bị bệnh gút, nếu không, bệnh gút sẽ tái phát hoặc tăng nặng. Trong trường hợp không thể không dùng, nên cân nhắc xem có thể thay thế thuốc khác hoặc giảm liều và luôn lưu ý kiểm tra acid uric máu.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]