"Nghiện" khi nào?
Tuổi càng cao thì sức khỏe càng yếu dần và nhiều chức năng cơ thể bị suy giảm, trong đó có hệ thống miễn dịch. Ở những người cao tuổi thì khả năng mắc bệnh càng cao và bệnh mãn tính thường hay tái phát. Bởi, trong vô số các chức năng sinh lý của người cao tuổi bị suy giảm thì chức năng đề kháng của cơ thể cũng bị suy giảm, các loại bệnh cũng theo đó mà phát sinh.
Đối với người cao tuổi thì việc thăm khám thường xuyên là điều “tất yếu” khi ở độ tuổi này luôn gặp nhiều rắc rối về bệnh tật. Tuy nhiên, siêng viếng bác sĩ sẽ không phải là vấn đề khi chính các cụ quá “lạm dụng” đi khám. Tình trạng “sính bác sĩ” đã thành “cơn nghiện” khi con số các cuộc hẹn không thực sự cần thiết lên đến mức đáng ngại. Bằng chứng là chỉ những căn bệnh nhẹ, thông thường thì nhiều người già vẫn cố gắng bằng mọi cách để tìm gặp bác sĩ khám bệnh.
Bác Nguyễn Thị Thơm (67 tuổi) Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Già rồi nên cái gì cũng lo, bệnh tật lúc nào không biết nên cứ phải đi khám cho nó yên tâm. Tháng nào tôi cũng cố đi khám đều đặn ở bệnh viện Bạch Mai dù sức khỏe vẫn không có gì quá nghiêm trọng”.
Sự suy giảm trí nhớ ở nhiều người cao tuổi cũng dẫn đến tình trạng chưa đến ngày tái khám đã đến để được kê thêm thuốc, dù họ đã uống đủ liều mà cứ ngỡ chưa. Chứng “hay quên” vô tình khiến cho các cuộc hẹn thăm khám bác sĩ của người cao tuổi trở nên “thừa thãi”. Nhiều bệnh nhân lớn tuổi khác lại có tâm lý lo sợ, không tin tưởng ở liều thuốc mình được kê đơn nên tiếp tục đi khám bệnh thêm ở một số bệnh viện, phòng khám khác,…
Để có được cảm giác “an toàn” thì không chỉ bản thân những người cao tuổi mà chính gia đình họ đều trở thành những “con bệnh nghiện bác sĩ”.
Hệ lụy và giải pháp “cai nghiện”
Chầu chực, xếp hàng chờ khám hay lui tới phòng khám quá nhặt sẽ lấy đi của các cụ không ít sức lực, thời gian. Trong khi đó, nhiều căn bệnh thường gặp ở người già như: Cao huyết áp, rối loạn tiền đình, thoái hóa khớp, đau nửa đầu...hầu hết đều cần kiêng kị đi lại quá nhiều. Đặc biệt, những chỉ dẫn của bác sĩ đối với các trường hợp bệnh nhân này đều cần phải “nghỉ ngơi, tránh lo nghĩ”. Chính việc nóng lòng tìm đến bệnh viện thường xuyên lại khiến các cụ đi ngược lại y lệnh của bác sĩ.
Ngoài ra, trong quá trình đi lại đến các phòng khám, bệnh viện thì người già lại chịu tác động của môi trường xung quanh có hại cho sức khỏe như: khói bụi, tiếng ồn lớn, giao thông…Đã đến khám thì phải nhận toa mang về, có toa tất phải uống thuốc. Những chẩn đoán “không có gì nghiêm trọng” với các toa thuốc cốt giúp yên lòng các cụ sẽ vô tình gây ra hiện tượng “lờn thuốc”, mất cảnh giác cho các cụ và người chăm sóc.
Bác sĩ gia đình là giải pháp giúp các cụ bớt di chuyển quá nhiều khi không thực sự cần thiết
Tìm đến các bệnh viện lớn để thăm khám cho yên tâm vẫn là tâm lý chung của nhiều người bệnh. Đặc biệt, người cao tuổi lại càng coi trọng việc khám, chữa bệnh ở những nơi được coi là uy tín. Trong khi đó, tình trạng quá tải ở các bệnh viện luôn là vấn đề bất cập hiện nay. Nó trở thành vấn đề lớn đối với người cao tuổi khi sức khỏe không đủ đảm bảo cho các cụ có thể đứng chờ.
Không ít người già “được” nhập viện ngay sau đó khi mới chỉ đứng chờ để khám. Kết luận các bác sĩ cho những trường hợp này là do đứng chờ quá lâu và căng thẳng, nên nhiều cụ già bị chóng mặt, tụt huyết áp đột ngột. Bác sĩ gia đình là giải pháp giúp các cụ bớt di chuyển quá nhiều khi không thực sự cần thiết. Một cuộc gọi “khám bệnh từ xa” của chính bác sĩ điều trị trực tiếp cho các cụ vẫn có thể nắm rõ tình trạng sức khỏe thông thường của cụ thông qua việc thăm hỏi và tư vấn.
Tuy nhiên, việc khám định kì đối với bất kì ai ở độ tuổi nào đều có lợi nhằm phát hiện bệnh sớm để có hướng điều trị hiệu quả hơn. Nhưng khám thế nào là đủ và đúng? Đó là một câu hỏi khó trong tình trạng tâm lý chung của nhiều người bệnh hiện nay đều quá dựa dẫm vào bác sĩ. Dựa vào đặc tính bệnh lý của những bệnh thường gặp, việc khám sức khỏe định kì nên được thực hiện hàng năm, trừ khi có chỉ định đặc biệt của bác sĩ cần theo dõi sát hơn.
Dù là khách quan hay chủ quan thì tình trạng “nghiện bác sĩ” của nhiều người cao tuổi sẽ trở nên đáng lo ngại khi bản thân người cao tuổi và người thân không thể kiểm soát được sức ảnh hưởng của nó.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]