Mất ngủ có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, bất cứ nghề nghiệp nào và bất cứ giới tính nào. Ngày nay, mất ngủ kéo dài càng phổ biến hơn trong xã hội hiện đại, để lại những hậu quả nghiêm trọng như giảm trí nhớ, kém tập trung và giảm sút hiệu quả lao động, dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống. Tình trạng mất ngủ kéo dài được đặc trưng bời các rối loạn như khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc và khi bị tỉnh giấc thì khó quay lại giấc ngủ, ngủ hay mộng mị, hoảng hốt, mê sảng và tỉnh dậy nhiều lần trong khi ngủ. Điều quan trọng là chất lượng giấc ngủ không đảm bảo dẫn đến tinh thần bị kiệt quệ và cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, bồn chồn, bất an khi tỉnh giấc.
Y học cổ truyền dùng các thuật ngữ như “bất mị”, “thất miên”, “bất đắc miên” để chỉ chứng mất ngủ. Cốt lõi của việc mất ngủ là do chức năng các tạng tâm, tỳ, can, thận bị suy giảm do tinh khí của các tạng suy giảm, dẫn đến thần khí không được ổn định. Một nguyên nhân khác là do tà khí bên ngoài gây nhiễu động cũng sinh ra mất ngủ.
Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất ngủ:
• Tâm tỳ lưỡng hư
• Âm hư hỏa vượng
• Đàm nhiệt nội nhiễu
Những nguyên nhân khác như đột nhiên bị kinh sợ hay cuộc sống có nhiều lo toan, căng thẳng kéo dài cũng đều dẫn đến mất ngủ. Tương ứng với mỗi nguyên nhân, người bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau và từ đó phương pháp điều trị cũng khác nhau.
Mất ngủ thể tâm tỳ lưỡng hư
Theo học thuyết tạng tượng, tâm chủ thần minh và huyết mạch còn tỳ thông huyết. Khi công năng của 2 tạng này được kiện toàn thì khí huyết thịnh vượng, sắc mặt hồng nhuận sáng bóng có thần. Tâm chủ thần minh, lại như huyết mạch, thần nhờ huyết khí mà tươi sáng, huyết khí mà bất hoà thì thần minh thường cũng mất bình thường. Cho nên tâm khí hư thì thần sút kém mà buồn bã. Người bị mất ngủ thể tâm tỳ lưỡng hư khi ngủ thường hay mê, dễ tỉnh giấc. Tâm phiền hay quên, cơ thể và tinh thần có cảm giác mỏi mệt, ăn uống giảm sút, sắc mặt kém tươi tỉnh, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng, mạch tế nhược.
Phép điều trị tập trung vào dưỡng tâm, kiện tỳ, an thần. Có thể trị liệu bằng châm cứu bổ các huyệt Thần môn, Tam âm giao, Nội quan, Huyết hải, Phục lưu, Túc tam lý kết hợp sử dụng bài thuốc cổ phương Quy tỳ thang. Bài thuốc này ngoài tác dụng bổ dưỡng tâm tỳ để sinh khí huyết, còn có Phục thần, Toan táo nhân, Viễn trí, Đại táo để an tâm thân, ngoài ra có thể gia thêm Dạ giao đằng để trợ giúp an thần dưỡng tâm.
Mất ngủ thể âm hư hỏa vượng
Ở những người cơ thể bẩm sinh hư nhược, hay mắc bệnh lâu ngày…làm cho thận âm bị hao tổn không giao hòa được với tâm dẫn đến chứng tâm thận bất giao, hậu quả là tâm âm hư tâm hỏa vượng mà dẫn đến mất ngủ. Đây là do tâm thận bất giao mà gốc là thận thủy không đủ làm cho âm bất thăng lên, dẫn đến tâm hỏa vượng mà sinh ra mất ngủ. Người bệnh biểu hiện tâm phiền mất ngủ, bốc hỏa, ù tai, miệng khô. Có thể xuất hiện tâm phiền nhiệt. Chất lưỡi đỏ, mạch tế sác… thể hiện những triệu chứng của âm hư sinh nội nhiệt.
Phép điều trị kết hợp tư bổ thận âm, thanh tâm giáng hỏa, an thần. Có thể trị liệu bằng châm cứu bổ các huyệt Thận du, Tam âm giao, Thái khê, Phục lưu và châm tả các huyệt: Thần môn, Bách hội, Thái xung, Nội quan kết hợp sử dụng bài thuốc cổ phương “Thiên vương bổ tâm đan”. Trong bài thuốc này Sinh địa, Đan sâm, Đương quy có tác dụng dưỡng âm, bổ huyết. Toan táo nhân, Viễn trí, Bá tử nhân có tác dụng an thần. Có thể gia thêm Hoàng liên để thanh tâm hỏa, Trân châu mẫu để bình can dương.
Mất ngủ thể đàm nhiệt nội nhiễu
Do ăn uống không điều độ, dẫn đến thức ăn ngưng trở lại ở trung tiêu, lâu ngày thành đàm hóa nhiệt nhiễu động lên trên dẫn đến mất ngủ. Triệu chứng thực thể là người bệnh mất ngủ, tức ngực, đầu có cảm giác nặng, tâm phiền, miệng đắng, hoa mắt, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch hoạt sác.
Pháp điều trị tập trung vào hóa đàm, thanh nhiệt, an thần. Châm tả các huyệt Phong long, Túc tam lý, Thái xung, Thiếu hải và châm bổ các huyệt Túc tam lý, Tỳ du, Nội quan, Thần môn, Tam âm giao. Kết hợp sử dụng bài thuốc cổ phương Ôn đởm thang (Thiên kim phương). Trong bài này gồm có Nhị trần thang kết hợp với Chỉ thực để lý khí hóa đàm. Có thể gia thêm Hoàng liên, Chi tử kết hợp với Trúc như trong bài để thanh tâm, giáng hỏa. Nếu đại tiện táo kết sẽ gia thêm Đại hoàng, Trúc diệp để táo nhiệt, thông phủ.
Chú ý: Để điều trị chứng mất ngủ có hiệu quả, ngoài phương pháp sử dụng thuốc và châm cứu còn phải chú ý loại bỏ các stress âm tính, các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu… và tạo cho mình một thói quen làm việc và rèn luyện thể lực khoa học, hợp lý.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]