Cao huyết áp là một bệnh lý tim mạch khá phổ biến ngày nay và đang gia tăng chóng mặt theo từng ngày. Bệnh diễn biến khá thầm lặng, thường không có triệu chứng xuất hiện rõ rệt nên người bệnh dễ dàng bỏ qua. Theo thời gian bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác nhau tại các cơ quan, bộ phận có tính sinh mạng như tim, mạch máu, não, thận...
Các biến chứng của bệnh cao huyết áp và mức độ nguy hiểm của nó
Xơ Vữa động mạch: Bệnh cao huyết áp lâu ngày không được điều trị sẽ dẫn đến hình thành các mảng xơ vữa động mạch. Chính yếu tố huyết áp cao đã tạo điều kiện thuận lợi để các mảng xơ vữa xuất hiện và ngày một lan rộng ra. Khi đó, mạch máu của bệnh nhân sẽ bị thu hẹp dần, đặc biệt đối với động mạch vành. Mạch vành bị thu hẹp, bệnh nhân có thể cảm thấy tức ngực, nghẹn ở ngực khi gắng sức. Một khi mảng xơ vữa này bị nứt hoặc vỡ thì hình thành nên các cục máu đông. Nếu điều này xảy ra ở động mạch vành sẽ gây nên nhồi máu cơ tim.
Biến chứng của bệnh huyết áp cao
Biến chứng tim: Có hai biến chứng tim chủ yếu trong cao huyết áp là suy tim và thiếu máu cục bộ cơ tim ( thiếu máu tại một số vị trí ở tim, tim không được tưới máu đầy đủ).
Suy tim do tăng huyết áp là một quá trình diễn biến âm thầm. Ban đầu, huyết áp cao làm cho tim bơm máu đi nuôi cơ thể khó khăn hơn, cơ tim phải làm việc nhiều hơn. Tình trạng này nếu kéo dài dẫn đến hậu quả là: cơ tim phát triển dày lên. Thường bệnh nhân thường sẽ bị dày thất trái, hở van hai lá. Bệnh nhân sẽ thấy khó chịu vùng ngực và có thể phát hiện trình trạng này khi siêu âm tim.
Thiếu máu cục bộ cơ tim xảy ra khi dòng máu qua một hoặc nhiều mạch máu dẫn đến tim giảm, kéo theo đó là giảm lượng oxy cơ tim nhận được. Thiếu máu cục bộ cơ tim là nguyên nhân dẫn đến các biến chứng như nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực, loạn nhịp tim...
Biến chứng não
- Xuất huyết não: Khi huyết áp lên quá cao, mạch máu não không chịu nổi áp lực cao có thể bị vỡ, lúc đó bệnh nhân bị xuất huyết não, gây liệt nửa người, liệt hoàn toàn, nặng thì có thể tử vong (triệu chứng của bệnh nhân tùy vùng xuất huyết lớn hay nhỏ và tùy vị trí vùng xuất huyết).
- Nhũn não: Sự xuất hiện các mảng xơ vữa trong cao huyết áp làm hẹp mạch máu nuôi não. Nếu các mãng xơ vữa bị nứt, vỡ ...hình thành cục máu đông gây tắc mạch máu não làm chết 1 vùng não hay còn gọi là nhũn não.
- Thiếu máu não: Cao huyết áp làm hẹp động mạch cảnh, động mạch não, làm máu bơm lên não không đủ gây thiếu máu não. Bệnh nhân thấy đau đầu chóng mặt, hoa mắt, có khi bất tỉnh...
Biến chứng thận
Bệnh cao huyết áp có thể gây biến chứng thận bao gồm vữa xơ động mạch thận, xơ thận, hoại tử tiểu động mạch thận...
Tình trạng tăng huyết áp cao và kéo dài sẽ làm tổn thương và phá hủy các mạch máu trong cơ thể - làm giảm lượng máu cung cấp đến thận và các cơ quan khác. Huyết áp tăng cao còn phá hủy bộ lọc ở cầu thận gây suy thận mạn. Chức năng thận suy giảm không thể loại bỏ những chất cặn bã độc hại cũng như nước dư thừa ra ngoài. Ứ nước trong hệ mạch máu ngày càng nhiều làm huyết áp lại càng tăng cao hơn gây ra vòng luẩn quẩn.
Cao huyết áp ảnh hưởng tới thận
Biến chứng mắt
Khi bị cao huyết áp, thành mạch máu bị tổn thương khiến các thành phần của máu thoát ra khỏi mạch máu. Xuất huyết, dịch thoát ra trên võng mạc gây phù võng mạc, xuất hiện các vết máu trong mắt. Đồng thời, mạch máu co lại gây thiếu máu ở võng mạc, thần kinh thị giác. Tất cả những tổn thương này dần dần làm cho bệnh nhân dần nhìn mờ. Khi bị cao huyết áp bệnh nhân nên định kỳ khám mắt chỉ bằng cách đơn giản là soi đáy mắt bạn sẽ dễ dàng biếu những dấu hiệu nêu trên.
Biến chứng mạch máu
- Cao huyết áp làm động mạch chủ phình to, có thể bóc tách và vỡ thành động mạch chủ dẫn đến nguy cơ chết người.
- Cao huyết áp làm hẹp động mạch chậu, động mạch đùi, động mạch chân. Khi động mạch chân bị hẹp nhiều, bệnh nhân đi một đoạn đường thì đau chân, phải đứng lại nghỉ (đau cách hồi).
Bệnh nhân nên làm gì để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm này?
Kiểm soát huyết áp tốt và chủ động chính là cách để có sức khoẻ và ngừa biến chứng cao huyết áp. Để kiểm soát tốt huyết áp, người bệnh có thể kết hợp biện pháp không dùng thuốc và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Cụ thể như sau:
- Phải từ bỏ thuốc lá và rượu bia vì chúng là nguy cơ gây tăng huyết áp
- Thực hiện chế độ ăn nhạt, giảm muối (không quá 6g một ngày)
- Rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên ít nhất 30 phút mỗi ngày. Chọn những môn thể thao phù hợp.
- Giữ cân nặng ở mức ổn định. Giảm cân ở người thừa cân hoặc béo phì.
- Sử dụng thuốc hạ huyết áp đều đặn đúng giờ theo chỉ định của bác sĩ
- Điều trị đái tháo đường: Những người bị tăng huyết áp có kèm theo đái tháo đường nếu không kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp thì nguy cơ bị bệnh tim mạch rất cao. Vì vậy cần phải điều trị tốt bệnh đái tháo đường.
- Điều trị rối loạn lipid máu: Người bị tăng huyết áp có kèm rối loạn chuyển hóa lipid nếu không được điều trị tốt cả 2 bệnh này thì nguy cơ biến chứng tim mạch tăng rất cao.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]