Không những vậy, rất nhiều người dân phản ánh cuộc sống thường nhật của họ thời gian giáp Tết gần như bị đảo lộn bởi tràn ngập thông tin chào bán, chào mời qua điện thoại cá nhân. Tuy nhiên, điều phiền phức nhất mà người dân hiện đang gặp phải là các "cò" nhà đất không phải gọi điện thoại trực tiếp mà đã sử dụng một tổng đài chung để thực hiện việc quảng bá.
Trong đó, có những khu đất được chào bán với giá rất "rẻ bèo" vì lý do người bán đang cần tiền gấp để trả nợ ngân hàng hoặc dọn đi nơi khác sinh sông...
Trong vai khách hàng, chúng tôi liên hệ hỏi mua một thửa đất được giới thiệu ở phường Phước Long A, Q.9. Một nhân viên kinh doanh giới thiệu đang làm một công ty bất động sản trên địa bàn Q.2, khẳng định đây là tài sản nhà băng thanh lý. Thế nhưng khi chúng tôi hỏi ngân hàng nào thanh lý thì nhân viên này "né tránh" trả lời.
Vấn đề này không quan trọng. Quan trọng là khi anh mua sẽ được ngân hàng ACB hỗ trợ vay vốn lên đến 25 năm". Rồi nhân viên này giới thiệu giá bán từ 12 - 15 triệu/m2. Khách hàng chỉ cần thanh toán khoảng 80%, chờ đến khi pháp lý hoàn chỉnh sẽ thanh toán tiếp.
Tương tự, dạo quanh một số khu vực thuộc Đảo Kim Cương (quận 2), chúng tôi bắt gặp rất nhiều tờ rơi rao bán nhà đất giá rẻ để thu hồi vốn nhanh trả nợ. "Vì lỡ vay vốn ngân hàng làm ăn cả năm nay, trả tiền lãi không nổi nữa và muốn thu hồi vốn để có tiền về quê ăn Tết nên tôi phải chấp nhận bán lại lô đất này giá chỉ 6 triệu đồng/m2", anh Tâm, nhân viên môi giới cho biết.
Khi được chúng tôi hỏi về tính pháp lý của lô đất này, cũng như các loại giấy tờ liên quan thì anh Tâm nói rằng nếu chịu thanh toán 95% giá trị thửa đất sẽ được làm thủ tục cấp giấy chủ quyền ngay, và luôn khuyên khách hàng nên yên tâm vì dự án hoàn toàn đảm bảo pháp lý.
Tại khu Đông TP.HCM, đặc biệt nhất khu vực quận 2 và quận 9. Thị trường hiện đang chứng kiến cảnh "cò" nhà đất xuất hiện tại các tuyến đường như Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển, Đồng Văn Cống... chèo kéo khách hàng mua nền đất thanh lý giá rẻ. Theo quan sát, giá một nền đất được cho là "thanh lý" chào bán rẻ hơn giá thực tế thị trường từ 300-700 triệu đồng/nền. Với căn hộ, giá chào bán được nhiều nhân viên môi giới cho rằng đang rẻ hơn giá thị trường khoảng 200-500 triệu/căn.
Song song đó, tình trạng bán hoàn vốn, bán lỗ nhà đất cũng đua nhau nở rộ trên các trang mạng xã hội, các website tự lập vào những ngày cuối năm. "Bán lỗ căn hộ Khang Gia Tân Hương, Q.Tân Phú, diện tích 80 m2, giá chỉ 700 triệu đồng", anh T. rao trên mạng internet. Theo anh T., với giá này, tính ra anh bán lỗ gần 100 triệu đồng. Nguyên nhân, do gia đình anh đi định cư nước ngoài nên cần bán gấp.
Thậm chí tại dự án The Park Rsidence (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) nhiều người còn rao bán cắt lỗ gần 300 triệu căn hộ dự án này. Anh V., người rao bán lỗ trên mạng internet cho biết, căn hộ có diện tích 106 m2, giá 2,8 tỷ đồng có hồ bơi, siêu thị, nhà hàng, trường học, quán cà phê... đầy đủ". Theo anh V., do kẹt vốn làm ăn nên cần bán gấp để thu hồi vốn. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, không riêng anh T. và anh V., hiện có rất nhiều người cũng đua nhau rao bán hoàn vốn, bán lỗ căn hộ tại hai dự án này.
Theo lãnh đạo một công ty BĐS, hiện trên thị trường có hai trường hợp bán lỗ: lỗ thật và lỗ ảo. Trong đó những dự án lỗ thật là dự án đang tranh chấp, vướng pháp lý, bán cắt lỗ để tránh ôm hàng hoặc một vài người khó khăn đột xuất về tài chính... khách hàng muốn "bỏ của chạy lấy người". Lỗ ảo là giá chênh lệch giữa lần mở bán đầu với lần mở bán sau. Người mua đầu tư có thể lời từ khoảng 10% - 20% so với người mua những đợt sau.
Vì vậy, dù có bán lỗ 5% - 10% họ vẫn còn lợi nhuận. Nhưng họ rao vậy để tạo sự hấp dẫn thu hút người mua. Ngoài ra, thị trường BĐS hiện nay thanh khoản khá tốt. Do đó một dự án có một số căn hộ rao bán lỗ là bình thường, nhưng một dự án có nhiều căn hộ đồng loạt bán lỗ thì người mua cần thận trọng kiểm tra pháp lý, năng lực, uy tín chủ đầu tư trước khi mua.
Trao đổi với chúng tôi liên quan đến việc nhiều thông tin rao bán đất ngân hàng thanh lý, lãnh đạo một ngân hàng cho biết, việc thanh lý tài sản của ngân hàng luôn được đăng tải công khai trên website của ngân hàng và các phương tiện truyền thông, không có chuyện thông tin qua các tờ rơi, pano treo, dán ngoài đường.
Bên cạnh đó, đối với tài sản thanh lý của ngân hàng thì khi mua bán phải thông qua ngân hàng. Còn nếu tài sản đã giải chấp thì không còn là tài sản của ngân hàng thanh lý.
Ông Phan Công Chánh, chuyên gia BĐS cá nhân, cho rằng phần lớn những lời quảng bá kiểu cắt lỗ, thanh lý, thu hồi nợ gấp đều là "kỹ thuật" bán hàng, chiêu trò marketing để thu hút khách hàng.
Theo vị chuyên gia này, thứ nhất một số quảng cáo mượn danh ngân hàng thanh lý nhà đất nhưng khách hàng gọi đến số hotline thì lại được các cò đất "chiêu dụ"; thứ hai, khi một ngân hàng muốn thanh lý nhà đất để thu hồi nợ thì không bao giờ sử dụng các kênh mạng xã hội hoặc gọi điện thoại chào mời mà họ đều thông qua việc niêm yết công khai trên trang web của ngân hàng này hoặc bộ phận xử lý tài sản sẽ đảm trách các công việc quảng bá một cách chuyên nghiệp hơn.
"Ở góc độ khách hàng, chúng ta đừng vội hám giá rẻ mà vung tiền ra mua những loại hình nhà đất giảm giá một cách đặc biệt này. Để tránh tiền mất tật mang, khách hàng cần phải hết sức tỉnh táo tìm hiểu thật kỹ nguồn gốc đất, căn hộ bằng nhiều kênh khác nhau để ra quyết định mua một cách sáng suốt hơn", vị chuyên gia này nói thêm.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]