Đầu bếp Justin Croft với kinh nghiệm 15 năm đứng bếp và John Kolka hơn 10 năm kinh nghiệm đã tiết lộ những điều thật sự diễn ra bên trong gian bếp của nhà hàng:
Chủ nhà hàng sẵn sàng làm mọi thứ để tiết kiệm tiền
"Món thịt om hết hạn có thể trở thành bữa ăn của nhân viên nhà hàng. Tôi từng làm việc ở một nhà hàng tại London và người chủ kêu tôi lấy những miếng hamburger bị mốc hàng tuần liền và chế biến cho nhân viên ăn. Tại Anh, các nhân viên thường ký hợp đồng làm việc không ràng buộc. Hợp đồng này có điều khoản mỗi ngày sẽ khấu trừ từ tiền lương của bạn 2,5 bảng Anh (khoảng 3,7 USD) cho khẩu phần ăn. Vậy nên để tiết kiệm tiền, chủ nhà hàng thà để nhân viên vào bệnh viện" - đầu bếp Justin Croft cho biết.
Bánh mì mốc có thể vẫn được sử dụng để tiết kiệm chi phí. Ảnh: jkowners
Tùy món ăn và thời điểm gọi món, bạn sẽ được phục vụ đồ tươi hay hỏng
Justin Croft cho biết thêm: "Trong quyển sách Kitchen Confidential, tác giả Anthony Bourdain đã khuyên mọi người đừng bao giờ gọi món cá vào những ngày thứ 2. Thực đơn món cá được phục vụ vào ngày này đa phần đều là những con cá để qua cả tuần, tương tự với món súp cá hay khai vị. Ngoài ra, những ai thường thích ăn chín cũng dễ bị mắc bẫy, đơn giản vì khi nấu kỹ bạn sẽ không phát hiện được món ăn có vấn đề.
Các đầu bếp được dạy cách làm thế nào để che giấu sự hư hỏng. Chẳng hạn, món hải sản bắt đầu có mùi thì họ sẽ rửa chúng bằng muối và nước chanh, do đó khách hàng sẽ không bao giờ biết sự thật".
Tùy thời điểm mà bạn nên gọi món một cách thông minh khi ăn nhà hàng. Ảnh: Pinterest
Có rất nhiều thuốc, ma túy trong nhà hàng
"Một số người trong chúng tôi từng bị kết án và cần một công việc ổn định nhưng chẳng thể kiếm nổi cơ hội thứ hai, trong khi các nhà hàng lại thường không kiểm tra lý lịch kỹ lưỡng và chúng tôi vào đó để làm. Chúng tôi làm việc chăm chỉ và chơi hết mình. Dĩ nhiên, nhà hàng cũng không kiểm tra tình trạng nghiện rượu hay nghiện thuốc" - Justin nói.
"Ma túy và người nghiện rượu tràn lan trong nhà hàng. Tôi cũng đã gặp một vài người từng phạm tội, tuy nhiên đây không phải là điều xấu vì họ xứng đáng với cơ hội mới. Tuy nhiên, rõ ràng cũng có một số người sử dụng nhà hàng như một nơi thực hiện hành vi phạm tội. Nơi tôi ở có đến 3 nhà hàng bị đóng cửa vì bán thuốc và ma túy" - đầu bếp John Kolka cho biết
Món ăn của bạn ngon dở tùy thuộc quan hệ của đầu bếp và nhân viên
"Phục vụ thì không biết nấu ăn nhưng lại thường chỉ đầu bếp cách nấu. Từng có một nhân viên phục vụ ra nói với tôi rằng món thịt bò của tôi chưa chín tới. Tôi hỏi cô ấy có biết nhiệt độ để thịt chín không, cô ấy bảo: 'Tôi biết chúng trông như thế nào vì đã làm ở đây 9 tháng rồi'. Tôi bỏ món bò đó vào lò vi sóng 3 phút, kết quả là nó trở nên dai nhách. Không cần phải nói, cô ấy không được nhận tiền boa vì món ăn đó. Vậy đó, phục vụ không nên làm ảnh hưởng đến đầu bếp" - đầu bếp John Kolka khuyến cáo với người phục vụ.
Món ăn đem ra cho khách ngon hay dở phụ thuộc vào quan hệ của đầu bếp và nhân viên. Ảnh: blogspot
Nhà bếp là nơi đầy căng thẳng và tổn thương
"Công việc này thật sự rất tàn bạo. Trước hết, bạn chắc chắn sẽ cắt phải tay mình và trừ khi bạn bị thương nặng, bạn sẽ không có thời gian băng bó. Tôi từng băng bó ngón tay của mình bằng tỏi. Tôi còn từng làm rớt một con dao và nó nhảy bật lên lại đâm vào tay tôi. Cơ thể nhiều lúc bị cháy xém vì lửa, từ cổ trở xuống đầy những vết sẹo. Không chỉ thể lực bị ảnh hưởng mà tinh thần cũng căng thẳng không kém. Tôi từng làm việc cho khu nghỉ dưỡng và phải phục vụ cho khoảng 200 khách trong phòng ăn. Công việc thì quá nhiều mà lượng người lại ít ỏi. Bạn có thể tưởng tượng mọi việc diễn ra thế nào" - John Kolka kể lại công việc của mình.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]