Phá lấu
Phá lấu có thành phần chính là nội tạng bò, được sơ chế kĩ, tẩm ướp và nấu với gia vị đặc trưng gồm ngũ vị hương, màu điều, bột cà ri… Tuy nhiên, tùy vào bí quyết riêng mà mỗi hàng quán có sự gia giảm gia vị. Sức hấp dẫn của món phá lấu là mùi thơm và có độ mềm vừa phải nhưng vẫn giữ được cái dai dai sần sật vui miệng.
Phá lấu là một trong những món ăn vặt được người Sài Gòn ưa thích.
Một chén phá lấu ăn vặt đúng điệu không được quá to, chỉ bé hơn chén ăn cơm để ăn xong còn thòm thèm, không bị ngán. Lòng bò không cứng, không hôi, bánh mì chấm kèm phải giòn vừa đủ. Đặc biệt, món phá lấu phải dọn kèm nước chấm pha bằng nước mắm và nước me với tí ớt bột.
Bánh tráng trộn
Có nguồn gốc từ Tây Ninh, món bánh tráng trộn khi vừa du nhập vào TP.HCM chỉ đơn giản là bánh tráng mềm với muối tôm, hành phi được đóng gói trong bịch bán tại các cổng trường học. Đơn giản vậy thôi, nhưng càng ngày, bánh tráng trộn càng được ưa chuộng và trở thành món quà nhâm nhi không thể thiếu của mỗi buổi tụ họp bạn bè.
Bánh tráng trộn Sài Gòn được bán ở nhiều nơi.
Một phần bánh tráng trộn Sài Gòn là sự hòa quyện của dầu điều, muối tôm, khô bò, khô mực, mỡ hành, đậu phộng rang, hành phi, rau răm, trứng cút… Một gói bánh tráng trộn có giá rất rẻ, khoảng 10.000 - 20.000 đồng/một phần.
Khi tìm các món ăn đường phố ở Sài Gòn, không khó để bắt gặp các bà, các cô gánh trên vai những nguyên liệu làm bánh tráng. Thậm chí, có thể coi món ăn này là nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực Sài Gòn.
Gỏi cuốn
Nếu chưa biết ăn gì ở Sài Gòn, gỏi cuốn là món ngon được lòng thực khách đáng để bạn thử bởi ngon, dễ ăn, vừa có thể ăn vặt mà lại vừa chắc bụng. Gỏi cuốn ngon phải dùng bánh tráng gạo mỏng, bún và rau sống phải tươi, mới. Thịt nạc hay tôm cũng phải tươi, luộc vừa chín tới, ăn có vị ngọt.
Nếu chưa biết ăn gì ở Sài Gòn, bạn hãy nghĩ ngay đến gỏi cuốn.
Gỏi cuốn là món ăn no, khi ăn chấm với mắm nêm pha hoặc tương, chỉ khoảng 3 - 5 cuốn là người ăn đã cảm thấy chắc bụng. Một cuốn gỏi có giá từ 5.000 đồng trở lên tuỳ các nguyên liệu bên trong. Gỏi cuốn dễ ăn trong khí hậu đỏng đảnh nóng nực của thành phố phương Nam này, dùng để ăn trưa những ngày oi nồng hay ăn xế lót dạ sau khi tan sở đều hợp.
Bò bía
Món ăn vặt này nổi tiếng ở Sài thành ngay từ những năm 1945. Dù không phải món ăn ngon xuất sắc, nhưng nó đã trở thành một phần tuổi thơ của những người con miền Nam. Bò bía gồm lớp bánh tráng mỏng, cuốn bên trong là củ cải trắng hay củ sắn hấp mềm, con ruốc được rang mặn ngọt, một ít rau xà lách, rau thơm và vài lát lạp xưởng.
Bò bía là món ăn đường phố Sài Gòn nổi tiếng.
Bò bía được dọn ăn kèm với tương ngọt, đậu phộng rang và đồ chua. Cuốn bò bía nhỏ, nhờ thế mà ăn vui miệng, lại chẳng nhiều thịt nên là món ăn vặt vô cùng thích hợp.
Súp cua
Món ăn Sài Gòn hấp dẫn bất kỳ thực khách nào.
Ở Sài Gòn, súp cua là món quà chiều phổ biến và được lòng rất nhiều người, từ học sinh, sinh viên cho đến người đi làm. Tuy là món ăn đường phố nhưng súp cua ở Sài Gòn rất chất lượng, có cua, có gà xé, thậm chí còn có cả chả cua và trứng bắc thảo. Thêm vào đó, giá súp cũng rất rẻ, trung bình chỉ 15.000 - 20.000 đồng một phần ăn.
Bột chiên
Bột chiên là món ngon vốn có nguồn gốc từ người Hoa ở khu quận 5, quận 11. Dần dần, sức hấp dẫn của bột chiên đã “phủ sóng” khắp thành phố và trở thành một trong những món ăn đặc trưng của Sài thành. Bột chiên thật ra chỉ là những khối bột gạo được xắt vuông vừa ăn, xóc qua xì dầu, nước tương, chiên trên chảo cho vàng giòn mặt ngoài, nóng bên trong, cùng với trứng, hành lá.
Bột chiên là món ăn đường phố nên thử ở Sài Gòn.
Đĩa bột chiên thơm nức mũi, bên ngoài giòn rụm, bên trong mềm lại có trứng bùi béo được ăn kèm với đồ chua và chấm với nước tương dấm có vị chua ngọt khiến ai nếm cũng phải mê. Du khách ai đã đã nếm một lần rồi thì chắc chắn sẽ phải thèm, phải nhớ.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]