Mì Quảng
Thành phần cơ bản của mì Quảng gồm: mì, thịt (heo, bò, gà, vịt…), tôm, cá ( lóc, thu, nhám…), trứng (gà, vịt, cút), đậu phộng rang, bánh tráng (đa), ớt, chanh, hành, tỏi… và đặc biệt không thể thiếu các loại rau ăn kèm (xà lách, cải con, giá sống, bắp hoặc thân chuối sứ…). Tất cả các thành phần này thường có đầy đủ trong một quán mì Quảng “bậc trung” và tùy theo sở thích khách ăn sẽ được phục vụ nhiều hay ít các thứ món trong cùng một tô mì.
Ba điểm độc đáo của mì Quảng: một là chỉ dùng nước mắm nguyên không pha thêm chanh, tỏi, đường…hai là dùng ớt xanh nguyên trái không dùng ớt chín đỏ và không thái lát và ba là dung dầu phộng “phi”, “khử” vừa chín để vừa có độ béo bùi vừa thơm nhưng không có mùi “hăng” sống.
Các nhà dinh dưỡng học đã phân tích nghiêm túc và kết luận: tô mì Quảng đúng là cả một “khẩu phần” ăn hợp lý được thu nhỏ lại. Tô mì đầy đủ bốn thành tố của bữa ăn tốt : chất bột (mì, bánh tráng), chất đạm (thịt, cá) chất béo (dầu, mỡ, trứng) chất khoáng và vitamin (các loại rau ăn kèm)
Về tính tiện dụng, mì Quảng đúng là một thức ăn nhanh, fast food, đúng nghĩa: mì, thịt, cá, trứng, nước nhân, rau rán, gia vị ….đều có sẵn, người ăn tự chọn và lấy sử dụng theo nhu cầu. Ở Quảng Nam, Đà Nẵng, người địa phương dùng mì Quảng làm thực phẩm chính cho các lễ cúng, giỗ, liên hoan, nhậu nhẹt…
Về khẩu vị và nghệ thuật, thì mì Quảng cũng thuộc loại “xuất sắc”. Giáo sư Trần Văn Khê, tuy là chuyên gia âm nhạc cổ truyền, nhưng cụ cũng có nhận định hóm hỉnh rằng chúng ta sẽ thưởng thức món mì Quảng bằng cả ngũ quan (1) mắt nhìn nhiều màu sắc: trắng của mì, đỏ của ớt, cà chua, xanh tươi của rau rán (2) mũi ngửi được hương thơm: của thịt, của đậu phộng rang…(3) lưỡi nếm lắm mùi vị: ngọt, bùi, béo, cay, chua…. (4) miệng nhai thấy mềm, cứng, dai, dẻo và (5) tai nghe nhiều âm điệu vui: tiếng bánh tráng, bánh phồng tôm gãy dòn, tiếng vỡ sào sạo của đậu phộng.
Ba ưu điểm lớn của mì Quảng: một là tính phổ biến và dân dã của nó, hầu như tất cả mọi nơi, tất cả các bà nội trợ vùng Quảng Nam Đà Nẵng đều biết và đã từng nấu được món mì Quảng này cho bữa ăn gia đình, hai là mì Quảng là tính “linh hoạt”, “đa hệ”. Nghe đâu, món mì Quảng là sang kiến “tiết kiệm” của người địa phương. Họ đã linh hoạt có gì dùng nấy nên đã cho ra đời lắm thứ mì và lắm thứ rau, để chế biến ra nhiều loại mì khác nhau: mì Quảng gà, mì Quảng bò, mì Quảng tôm, mì Quảng cá, mì Quảng sứa….và cả mì Quảng chay dùng cho ngày rằm, đầu tháng cho những đạo hữu, phật tử và ba là tính tiện dụng, kinh tế mì Quảng là thức ăn “đứng”, buffet “Vietnamese”, rất nhiều tiệc vui, giỗ kỵ ở xứ Quảng dọn món mì Quảng và khách dự tự chọn số lượng, loại thức ăn kèm cho tô mỳ của mình một cách tự do.
Nếu bạn có dịp thăm viếng hay công tác đến Đà Nẵng đừng quên thưởng thức món mì Quảng đặc sản này. Và hầu như mọi đường phố ở Đà Nẵng đều có quán mì Quảng đặc hữu địa phương.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]