1. Bánh canh Nam Phổ, Huế
Bánh canh Nam Phổ là món hàng rong gia truyền của làng Nam Phổ (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên- Huế), cách trung tâm thành phố chừng 10 km. Bánh canh Nam Phổ được nấu từ bột gạo và bột lọc theo tỉ lệ 3 gạo - 1 lọc. Nước dùng nấu cháo là nước hầm xương và nước luộc tôm và có độ sánh. Nhân bánh canh được chế biến từ thịt ba chỉ và tôm.
Nhiều du khách thích thú với cảm giác xà vào gánh hàng rong, thưởng thức những món ăn dân dã của xứ Huế.
Khi ăn, trộn lẫn các thứ lại với nhau, thêm chút ớt xanh thì ngon đúng điệu. Bánh canh Nam Phổ là món quà chiều ưa thích của người Huế. Chiều về, trừ ngày rằm, mồng 1, bạn dễ dàng bắt gặp những gánh bánh canh Nam Phổ ở các ngõ hẻm cố đô.
Tôi chậm rãi đưa miếng bánh canh vào miệng. Chu cha, mạ ơi sao mà ngọt lịm tới vậy? Sợi bánh giòn, gạch cua thì béo ngậy, nhưng ngon nhất là nước chan bánh ngọt từ đầu lưỡi đến cuống họng người ăn. Chỉ trong nháy mắt, bát bánh canh đã cạn.
2. Bánh canh cá, Nha Trang
Bánh canh Nha Trang ngon đặc biệt nhờ nước dùng được nấu từ các loại cá biển nên ngọt đậm đà, chả cá cũng được quết từ cá tươi nên dai mịn, mềm và ngọt vị cá. Thêm vào đó, bánh canh Nha Trang còn ăn kèm với cá dầm. Ăn một tô bánh canh chả cá với cá ngừ hoặc cá thu dầm, thêm một tí mắm ớt cay Nha Trang, bạn mới cảm nhận hết hương vị ẩm thực miền biển.
Điểm khác của tô bánh canh Nha Trang nằm ở phần bột bánh, bột bánh canh ở Nha Trang cọng nhỏ mềm dễ ăn. Khi ăn thấm vị nước dùng, rất ngon.
3. Bánh canh Trảng Bàng, Tây Ninh
Món bánh canh này gắn liền với tên của nơi làm ra món ăn ngon nổi tiếng này. Để có bánh canh Trảng Bàng phải qua công đoạn làm bánh canh rất công phu. Đầu tiên bánh canh phải được làm bằng một loại gạo ngon để có độ mềm dẻo đặc trưng.
Đặc biệt là những lát thịt heo mỏng được cắt khéo léo có cả da, gân thịt, giò heo, cùng nước lèo thơm ngọt, trong vắt đã làm nên sức hấp dẫn khó có thể cưỡng lại của bánh canh Trảng Bàng. Tô bánh canh bốc khói với vị cay của ớt, tiêu, sau khi đã dùng qua, ắt hẳn khó ai có thể quên được vị béo ngọt của thịt, vị thơm, dai nhưng mềm của bánh.
4. Bánh canh bột xắt, Miền Tây
Bánh canh được làm từ gạo ngâm qua đêm sau đó được xay nhuyễn thành bột nước rồi cho vào túi vải đăng cho thật ráo nước. Kế đến người ta cho bột ra mâm và nhồi bột thật đều tay sao cho không quá khô cũng không quá nhão.
Bánh canh bột xắt không được nấu cùng giò heo, thịt heo hay cua, tôm mà lại được nấu cùng thịt vịt và huyết vịt. Món bánh canh bột xắt được ăn cùng nước mắm gừng tạo nên mùi vị hấp dẫn, nức lòng khách gần xa.
5. Bánh canh ghẹ Vũng Tàu
Là món bánh canh được biến tấu từ bánh canh cua, nhưng để chế biến bánh canh ghẹ thì vô cùng cầu kì, đòi hỏi rất nhiều sự tỉ mỉ, đặc biệt phải chọn được ghẹ tươi, thịt nhiều và chắc. Một tô bánh canh ghẹ phải có ghẹ được luộc nguyên con, chả tôm, tiết heo, nấm và sợi bánh canh bột lọc.
Nước lèo bánh canh ghẹ được nấu rất sánh, có vị đậm đà của ghẹ và ngọt thanh của nước ghẹ. Thịt ghẹ khi ăn vào có vị thơm của hành tỏi, đậm đà của gia vị đã ướp rất công phu. Để có nồi nước lèo thơm trong vắt, ta phải chọn ghẹ tươi mới cho ra được mùi vị đặc trưng, vốn có của bánh canh ghẹ Vũng Tàu.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]