1. Bầu Kiên – Ông Bầu đầy quyền lực của bóng đá Việt
Nguyễn Đức Kiên là ông Bầu ấn tượng nhất trong làng bóng đá Việt. (Nguồn Internet)
Trước khi chưa bị xét xử, Bầu Kiên là phó chủ tịch Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và là chủ tịch của Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội. Nguyễn Đức Kiên luôn là ông bầu ấn tượng nhất từng có trong làng bóng Việt mà đến giờ, đôi khi fan túc cầu vẫn mong trở lại với những phát ngôn từ gay gắt, chỉ trích tại lễ tổng kết mùa giải năm 2011. Có lẽ ông là người đầu tiên dám thẳng thắn đến thế, tung hê hết mọi góc khuất của làng túc cầu Việt lên trước truyền thông đại chúng.
Ông là người khởi xướng sự thành lập của Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF, sau đó thuyết phục các ông bầu khác như bầu Thắng (ĐTLA), bầu Đức (HAGL)… gia nhập.
Khi quản lý CLB bóng đá Hà Nội, bầu Kiên cũng khiến cả nước phải ngước nhìn khi chiêu mộ Công Vinh. Thời điểm cuối năm 2011, Công Vinh đã hứa sẽ ở lại Hà Nội T&T của bầu Hiển. Song rất bất ngờ, anh nhận lời đến với CLB bóng đá Hà Nội, nhận khoản tiền lót tay 13 tỷ. Bầu Hiển đã phải ngậm ngùi thừa nhận có lẽ Công Vinh đến với bầu Kiên vì tiền!
2. Bầu Hiển - Ông Bầu chịu chơi, đầu tư không biết mệt mỏi
Với nhiều phi vụ đầu tư mạnh tay cho bóng đá, nhiều chuyên gia dự đoán ông Hiển sẽ trở thành một tài phiệt bóng đá ở Việt Nam. (Nguồn Internet)
Đến với bóng đá khá muộn so với nhiều "bầu" khác nhưng ông Đỗ Quang Hiển đầu tư âm thầm không biết mệt mỏi và đã trở thành một 'ông trùm' thực sự trong lĩnh vực này. Bầu Hiển là người liên quan đến nhiều đội bóng nhất Việt Nam, gồm Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng, SHB Chămpasak, QNK Quảng Nam và Hà Nội đang thi đấu ở giải hạng Nhất.
"Ôm" rất nhiều đội bóng và trên nhiều mặt trận nhưng dường như chưa bao giờ bầu Hiển "nổ" về số tiền đầu tư cũng như đóng góp của mình cho bóng đá và cũng không dùng chiêu trò để có thành tích trước mắt. Ông xây dựng T&T từ một đội bóng sinh sau đẻ muộn đi lên một cách rất vững vàng.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều đại gia bỏ cuộc như thời gian vừa qua, việc bầu Hiển và các DN của ông vẫn duy trì tài trợ cho nhiều đội bóng là một điều đáng mừng. Các đội bóng không những không bị bỏ rơi giữa đường mà còn đang được đầu tư rất đều đặn và bài bản.
Có thể thấy, nhờ đầu tư lớn cho các đội bóng, bầu Hiển đã gặt hái rất nhiều thành công với bóng đá. Ông được danh tiếng, được thỏa mãn niềm đam mê, được tôn vinh bởi người Hà Nội giờ đây chỉ có T&T và dân Đà Nẵng đặt niềm tin vào SHB Đà Nẵng.
Ông từng gây sửng sốt khi đưa T&T Hà Nội 3 năm thăng 3 hạng và phá kỷ lục thị trường chuyển nhượng nội địa với việc qua mặt tất cả để có được chữ ký của chân sút Lê Công Vinh, đồng thời sở hữu 3 đội bóng tại Việt Nam (trong đó 2 ở Vleague là T&T Hà Nội và SHB Đà Nẵng). Với sự đầu tư mạnh tay cho bóng đá như thế này, nhiều chuyên gia dự đoán ông Hiển sẽ trở thành một tài phiệt bóng đá ở Việt Nam.
3. Bầu Đức – Ông Bầu tiên phong với mô hình làm bóng đá chuyên nghiệp
Bầu Đức được coi là người đi tiên phong với mô hình làm bóng đá chuyên nghiệp. (Nguồn Internet)
Bầu Đức được coi là người đi tiên phong với mô hình làm bóng đá chuyên nghiệp khi ông bỏ tiền mua lại HA.GL trên cơ sở là đội hạng Nhất Gia Lai rồi đổ tiền mua cầu thủ ngôi sao Kiatisuk về khoác áo HA.GL để nâng cấp đội bóng thành “đại gia” trong thời gian cực ngắn nhằm giành những danh hiệu trước mắt.
10 năm sau, bầu Đức lại tiếp tục sắm vai trò đi tiên phong khi cùng những doanh nhân làm bóng đá cùng chí hướng như bầu Kiên, bầu Thắng khởi xướng việc thành lập VPF, mà thực chất là giành lại quyền tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp từ tay VFF, và từ chỗ là một ông bầu bóng đá, bầu Đức đã trở thành một quan chức bóng đá thực thụ khi tham gia bộ máy lãnh đạo cao cấp của cả VPF cũng như VFF.
Và trong khoảng 2 năm trở lại đây, bầu Đức lại nổi như cồn nhờ lứa cầu thủ khoá 1 của Học viện HA.GL Arsenal JMG mà người hâm mộ vẫn quen gọi là U19 Việt Nam. Học viện bóng đá mà ông đổ tiền xây dựng cách đây chừng 10 năm đã đem lại quả ngọt khi lứa cầu thủ khoá 1 của Học viện đang được xem là những tài năng trẻ hứa hẹn của bóng đá Việt Nam, còn bầu Đức được xem là điển hình cho ông bầu biết cách làm bóng đá từ gốc, trở về với những giá trị truyền thống.
4. Bầu Thắng – Ông Bầu với quan điểm “làm bóng đá là phải đầu tư hiệu quả”
Bầu Thắng nổi tiếng với quan điểm "làm bóng đá là phải đầu tư hiệu quả". (Nguồn Internet)
Với quan điểm “làm bóng đá là phải đầu tư hiệu quả, thành công của đội bóng đem lại những lợi nhuận về thương hiệu trong kinh doanh”. Ngay cả bây giờ, khi đang làm Chủ tịch VPF, thì lợi nhuận từ V-League vẫn là điều mà bầu Thắng đang hướng tới.
Bầu Thắng bắt đầu được công chúng biết đến khi chi tiền để có được sự phục vụ của HLV Calisto, giúp ĐTLA hồi đó trở thành một tên tuổi lẫy lừng trong làng bóng đá Việt suốt nhiều năm liền. Cũng như các ông bầu khác, việc đầu tư vào bóng đá những năm mới lên chuyên nghiệp, giúp các doanh nghiệp thu lợi nhuận lớn từ giá trị thương hiệu. Đó chính là cái lãi nhất, chứ không phải trông vào vài đồng bán quảng cáo trên sân, bản quyền truyền hình, vé…
Bóng đá là kênh quảng cáo hiệu quả để ông Thắng tung ra thị trường sản phẩm của Đồng Tâm. Nói một cách dễ hiểu, bóng đá là sản phẩm vô hình được bầu Thắng nhắm đến để đầu tư, mua bán.
Bầu Thắng luôn giữ chặt quan điểm của mình về mua sắm lực lượng. Theo ông, nếu tốn kém mà chơi không thành công thì sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu. Việc đội bóng xuống hạng cũng là chuyện bình thường và giá trị thương hiệu sẽ không bị mất đi nhiều nếu như hình ảnh thi đấu của các cầu thủ được thể hiện.
Làm ông bầu bóng đá như vậy, nên khi đóng vai Chủ tịch VPF - công ty điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, bầu Thắng cũng đặt mục tiêu kinh doanh song hành với việc nâng chất giải đấu số 1 Việt Nam.
Theo DanViet
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]