Phát hiện măng tươi chứa chất vàng ô tại Đà Nẵng
TP Đà Nẵng đã phát hiện chất vàng ô trong măng và dưa đang được bán ở chợ và cơ sở chế biến thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Theo kết quả phân tích, 7/9 mẫu măng tươi màu vàng có tồn dư chất Auramine O (còn gọi là chất vàng ô), là chất màu tổng hợp, gây độc cho con người nên chỉ được phép sử dụng trong công nghiệp, cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm.
Qua vụ việc này, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản TP Đà Nẵng khuyến cáo, người dân khi mua cần để ý đến màu sắc của măng. Theo đó, măng nhuộm màu công nghiệp có màu vàng đậm hơn măng tự nhiên.
Theo cơ quan chức năng, chất vàng ô là chất màu tổng hợp chỉ được sử dụng trong công nghiệp để nhuộm vải, giấy, gỗ… và làm màu sơn quét tường, gây độc cho con người nên cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm. Chất này đã được Bộ NNPTNT liệt vào danh mục cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam. Chất này cũng bị tổ chức Ung thư Thế giới (IARC) liệt vào danh sách chất gây ung thư nhóm 3, có khả năng gây ung thư cao.
Tưới nhớt thải lên rau muống ở TP.HCM
Nông dân xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi) cho biết họ tưới nhớt thải lên rau muống diệt sâu rầy vì giá khoảng vài nghìn đồng/ha, còn dùng thuốc bảo vệ thực vật thì lên đến 100.000 đồng.
Ngày 9/1, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP HCM bắt quả tang bà Chu Thị Lam (người trồng rau muống tại ấp 8 xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi) đang đổ nhớt thải xuống ruộng rau.
Theo người phụ nữ này, bà mua nhớt thải với giá 12.000 đồng/lít, phun lên ruộng rau với tỉ lệ 300 ml/1.000 m2 với mục đích diệt rầy. "Tôi nghe nhiều người chỉ cách này để diệt sâu nên làm theo chứ không biết nó có nguy hiểm hay không. Ở đây nhiều người cũng làm như vậy", bà Lam nói.
Ông Dương Đức Trọng - Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật TP HCM cho biết, một số nông dân truyền tai nhau dùng nhớt thải như phương pháp rẻ và hiệu quả nhất trong việc trừ rầy. Sau khi thu hoạch, rau muống non mọc lên sẽ bị rầy tấn công nên họ đưa nước vào ruộng cho ngập gốc rồi đổ nhớt xuống.
Khi nhớt lan đều ra xung quanh, nông dân dùng sào nhấn rau non ngập xuống nước cho rầy rơi ra, dính nhớt và chết đi. Khoảng vài giờ sau khi diệt rầy, nông dân phải tháo nước nhiễm nhớt ra khỏi ruộng để rau không bị cháy. Vị Chi cục trưởng phủ nhận chuyện tưới nhớt thải là để rau muống tăng trưởng mạnh.
"Tắm rau" bằng nước ô nhiễm ở Hưng Yên
Nhận được thông tin từ bạn đọc là rau xanh được người dân ở hai xã Yên Phú và Yên Hòa huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên “xử lý” trong các ao, hồ nước đen kịt và bốc mùi hôi thối, PV báo ĐS&PL đã đến hiện trường để “mục sở thị”.
Sau khi đi khảo sát một vòng địa bàn xã Yên Phú, chúng tôi dừng lại ở khu chợ Bình Phú. Tại đây, có rất nhiều hộ dân đang tập trung rửa hành ở hồ nước cạnh khu chợ.
Theo quan sát, hồ nước này bị ô nhiễm nặng bởi hàng loạt con mương nhỏ dẫn nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp vào.
Hồ nước này đã ô nhiễm nên người dân đã nảy ra một “sáng kiến”. Họ dùng một loại lưới hoặc đặt các cây gỗ, ống tre quây thành một vòng quanh hồ. Các ô được quây lại tạo thành khoảng trống cách mép bờ chỉ khoảng vài mét để ngăn không cho rác ở trong bờ trôi.
Sau đó hành, rau được xe tải chở từ ngoài ruộng về tập kết ở đây còn cả đất, phân lem luốc. Nhưng sau khi được “tắm rửa”, phần rễ và gốc trắng lên trông thấy. Sau công đoạn này, rau được các thương lái đóng gói và tập kết lên xe tải chở đi phân phối khắp nơi.
Phù phép thịt heo nái thành thịt bò, tẩm hóa chất Metabisulfite ở TP.HCM
Ngày 3-2, Chi cục thú y TP.HCM phối hợp với cơ quan chức năng "đột kích" vào cơ sở sản xuất hàng giả của Công ty TNHH Bính Hạnh tại 209/14 Lê Văn Sỹ, phường 13, Q.3, TP.HCM phát hiện ông Nguyễn Xuân Bính làm giám đốc đang tổ chức chế biến thịt heo thành thịt bò.
Thời điểm kiểm tra, đoàn liên ngành phát hiện ngoài nhà, kho lạnh và các tủ đá chứa gần 2.044kg thịt heo nái.
Trong đó có 1.179kg thịt heo chưa ngâm, 110kg thịt đang ngâm và hơn 750kg thịt đã được "phù phép" chia thành từng túi nhỏ để bán ra thị trường. Số lượng thịt này đang được chia ra từng thau đựng nằm ngổn ngang giữa nền nhà. Ngoài ra, đoàn cũng thu được hai túi bột trắng được cho là hóa chất Metabisulfite.
Cơ sở dùng axít và nước lã để sản xuất dấm gạo tại Nghệ An
11h ngày 7/4, chiếc xe nghi vấn đi vào đường Thái Phiên, TP.Vinh, Nghệ An ngay lập tức lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra thì phát hiện trên xe có 30 thùng dán nhãn mác dấm gạo Kim Quỳnh.
Tại thời điểm kiểm tra chủ xe không xuất trình được những giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng trên.
Người này khai nhận đã mua số hàng trên từ cơ sở sản xuất của bà Nguyễn Thị Kim trú tại phường Vinh Tân, TP.Vinh.
Ngay sau đó lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất của bà Nguyễn Thị Kim.
Tại đây lực lượng chức năng phát hiện 146 thùng dấm gạo đang được bảo quản trong kho, 1 thùng lớn chứa dung dịch được ghi là acid acetic nghi có nguồn gốc từ Trung Quốc, ngoài ra còn có hàng trăm chai nhựa loại 500 ml và 1,5 l và hàng ngày nhãn dán dấm gạo Kim Quỳnh.
Chủ cơ sở khai nhận đã sản xuất dấm gạo từ tháng 9/2015, công thức pha chế dấm gạo này rất đơn giản, chỉ cần dùng acid acetic pha với nước lã là sẽ cho ra "dấm gạo".
Tỷ lệ pha chế là dùng 1 lít acid acetic pha với 100 lít nước lã, đánh đều rồi đóng ra chai. Mỗi thùng (25 chai) được bà Kim bán chỉ với giá 25.000 đồng.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ./.
Hà Nội: Bắt và tiêu hủy gần 1 tấn gà nhập lậu từ Trung Quốc
Cụ thể, theo thông tin từ Đội Quản lý thị trường số 30, Công an huyện Thường Tín, Trạm Thú y Thường Tín, trong quá trình ra quân đã bắt quả tang bà Phạm Thị Phượng đang buôn bán 860kg gà thịt thải loại nhập lậu từ Trung Quốc tại Chợ gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín).
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín cũng đã ra Quyết định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại và yêu cầu tiêu hủy toàn bộ lô hàng gia cầm (gà thịt) nhập lậu của bà Phạm Thị Phượng, sinh năm 1978 ở xã Tân Hương, Ninh Giang, Hải Dương.
Sau khi các đơn vị chức năng lập biên bản vi phạm hành chính, Uỷ ban nhân dân huyện Thường Tín đã ra Quyết định xử phạt bà Phạm Thị Phượng 30 triệu đồng và tiến hành tổ chức tiêu hủy gia cầm nhập lậu theo quy định.
Hà Nội: Thu giữ nhiều phụ gia thực phẩm không rõ xuất xứ tại chợ Đồng Xuân
Ngày 6/4, tại khu vực chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Đội Quản lý Thị trường số 2 (Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) đã phối hợp với Đội Cảnh sát môi trường CAQ Hoàn Kiếm tiến hành kiểm tra kho hàng tại khu vực cửa số 2 chợ Đồng Xuân.
Tại đây cơ quan chức năng phát hiện rất nhiều thùng các tông, bao tải, bên trong chứa số lượng lớn các loại hàng hóa thực phẩm. Vào thời điểm kiểm tra, chủ hàng không xuất trình được bất cứ chứng từ, hoá đơn nào liên quan đến lô hàng trên.
Ông Nguyễn Hải Đăng - Phó đội trường đội Quản lý thị trường số 2 (Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) cho biết: Lô hàng trên bao gồm bột trà sữa, nước cốt dừa, mứt bí, đu đủ, chanh muối, ô mai, hạnh nhân... với khối lượng khoảng 550kg. Tất cả lô hàng đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Sáng 1/04, tại TP.HCM, Trung tâm Tin tức VTV 24 đã chính thức ra mắt chương trình “Nói không với thực phẩm bẩn”. Không chỉ phản ánh về những vấn đề nhức nhối liên quan đến thực phẩm bẩn, chương trình lần này sẽ giúp người dân có cơ hội tiếp cận, sử dụng thực phẩm sạch, tẩy chay thực phẩm kém chất lượng.
Mục đích của chương trình nhằm kêu gọi cộng đồng quan tâm nhiều hơn đến an toàn vệ sinh thực phẩm, nói không với thực phẩm ô nhiễm. Bên cạnh đó là nâng cao trách nhiệm, vai trò của cơ quan nhà nước trong việc kiểm tra phát hiện, xử lý, ngăn chặn những hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đối với sức khỏe người tiêu dùng; nâng cao nhận thức của nhân dân để mỗi cá nhân trở thành 'người tiêu dùng thông thái' trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, sử dụng thực phẩm hợp lý và lành mạnh.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]