Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm sữa giảm giá tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Ngoài 6 công ty đã đăng ký giá với Bộ Tài chính, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện quản lý giá đối với 12 công ty sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sữa đóng trên địa bàn thành phố.
Các công ty phải gửi biểu mẫu giá tối đa lên Sở Tài chính thành phố gồm công ty trách nhiệm hữu hạn dinh dưỡng thực phẩm Eneright, Liên doanh đầu tư quốc tế KLF, Sữa Sức sống Việt Nam, Thương mại Vạn An, Xuất nhập khẩu Thuận Phát, Xuất nhập khẩu HP Việt Nam, Mạnh Cầm, Dinh dưỡng Nutricare, Hoàng Dương, Dược phẩm Việt Nam, Dairy Goat, Sản xuất và Thương mại Bảo Quang cùng các công ty sản xuất, nhập khẩu sữa khác đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Từ ngày 11/6-6/7, thành phố thực hiện quản lý giá bán buôn tối đa đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất sữa, nhập khẩu sữa có trụ sở chính trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Từ ngày 7/7, Sở Tài chính sẽ ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện đăng ký giá, kê khai giá đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa trên địa bàn thành phố Hà Nội, xong trước ngày 20/7.
Tất cả các tổ chức, cá nhân kinh doanh sữa có quyền quyết định giá (ngoài những tổ chức, cá nhân phải đăng ký giá, kê khai giá tại Bộ Tài chính, Sở Tài chính) có trụ sở chính trên địa bàn quận, huyện, thị xã nào sẽ thực hiện đăng ký giá, kê khai giá tại Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã đó.
Sở Tài chính, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thanh kiểm tra việc chấp hành các quy định quản lý Nhà nước về giá sữa đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa trên địa bàn.
Việc quản lý giá sữa trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm minh bạch thị trường, minh bạch giá bán các sản phẩm sữa, giảm giá bán các sản phẩm sữa đang lưu thông trên địa bàn thành phố, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Ngày 20/6, Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh chính thức công bố mức giá bán buôn tối đa và giá bán lẻ tối đa đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đã thực hiện đăng ký. Các đơn vị trên địa bàn thành phố xác định và niêm yết giá bán lẻ sản phẩm trên thị trường không vượt quá mức giá đã công bố kể từ ngày 21/6.
Trong công bố của Sở Tài chính thành phố, có giá bán lẻ tối đa của 11 đơn vị gồm Công ty Vinamilk, Hoàng Khang, Danone Việt Nam, Dinh dưỡng Wellcare, Tân Úc Việt, Hùng Phương, Hoàng Trung Kha, Nam Dương, Thực phẩm Hanco, Mai Phú Thành, Humana Việt Nam, với 175 dòng sản phẩm.
Bên cạnh đó, giá bán lẻ tối đa của bốn đơn vị đăng ký giá tại Bộ Tài chính gồm Công ty TNHH Frieslandcampina Việt Nam, Nestle Việt Nam, Tiên Tiến và Dinh dưỡng 3A Việt Nam, với 141 dòng sản phẩm cũng được công bố trong dịp này.
Ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng Ban Vật giá, Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trên địa bàn thành phố có 13 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nhưng chỉ mới công bố giá bán buôn tối đa và giá bán lẻ tối đa của 11 đơn vị.
Riêng hai đơn vị còn lại, trong đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hương Thủy có thông báo ngưng nhập và kinh doanh dòng sữa thuộc danh mục có trong Quyết định số 1079/QĐ-BTC ngày 20/5/2014 của Bộ Tài chính nên đươc loại khỏi diện phải công bố giá.
Còn Công ty trách nhiệm sản xuất Kim Yến, do hồ sơ và quá trình đăng ký chưa đúng với yêu cầu, đồng thời chưa thống nhất về giá nên đang khẩn trương hoàn thiện mọi thủ tục để thực hiện công bố trong thời gian sớm nhất.
Sau khi công bố giá bán buôn tối đa và giá bán lẻ tối đa đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Sở Tài chính thành phố sẽ có công văn gửi đến các đơn vị liên quan, đặt biệt là Ủy ban Nhân dân quận huyện, Chi cục Quản lý thị trường… nhằm phối hợp kiểm tra, giám sát việc triển khai giá mới của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]