Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, thừa nhận đường sắt đang bị sự cạnh tranh gay gắt với hàng không giá rẻ. Vé máy bay chặng Hà Nội – Đà Nẵng chỉ có 600.000 đồng/chiều, trong khi giá vé đường sắt khoảng 700.000 đồng/vé giường nằm.
Sáu tháng đầu năm 2016, trong khi vận chuyển hành khách nội địa qua đường hàng không tăng trưởng cao thì đường sắt lại tăng trưởng thấp, thậm chí không đạt chỉ tiêu. Điều này cho thấy hàng không đã hút lượng hành khách đi tàu và ô tô.
Trong 6 tháng đầu năm, bức tranh vận tải của ngành hàng không và đường sắt hoàn toàn trái ngược nhau. Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, thị trường vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam trong nửa đầu năm đạt 25 triệu hành khách, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó tính riêng thị trường hành khách nội địa tăng đến 33% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường hàng không nội địa tăng trưởng cao là do các hãng hàng không Việt Nam liên tục mở thêm các đường bay nội địa, đặc biệt là hai hãng Vietjet Air và Jetstar Pacific.
Chương trình giảm giá vé được đưa ra liên tục nên hành khách thường chọn di chuyển bằng máy bay.
Vietjet trong 6 tháng đầu năm đã mở thêm một số đường bay từ Hải Phòng đi ba địa điểm là Phú Quốc, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột; đường bay Thanh Hóa – Nha Trang... Còn Jetstar Pacific đã mở một số đường bay mới như Huế - Nha Trang; Hà Nội – Chu Lai; Hà Nội – Quy Nhơn...
Song song với việc mở các đường bay mới, các hãng cũng tăng thêm các chuyến bay vào dịp hè, đặc biệt là dịp cao điểm tháng 6. Cụ thể, Vietjet đã tăng cường hơn 5.700 chuyến bay, cung ứng thêm hơn 1 triệu vé máy bay cho người dân. Còn Vietnam Airlines đã tăng thêm 2.115 chuyến bay một chiều, tương ứng hơn 662.000 ghế, nâng tổng tải cung ứng trên mạng đường bay nội địa của hãng lên hơn 3,5 triệu ghế, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước.
Hơn nữa, sự cạnh tranh gay gắt giữa các hãng dẫn đến nhiều chương trình giảm giá vé được đưa ra liên tục nên hành khách thường chọn di chuyển bằng máy bay.
Trong khi hàng không có sự tăng trưởng về lượng hành khách nội địa thì lượng hành khách đi tàu ngày càng giảm khiến doanh thu vận tải của ngành đường sắt trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1.954 tỉ đồng, bằng 77,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Giải thích về sự sụt giảm này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, do sự cố sập cầu Ghềnh làm đứt mạch đường sắt Bắc – Nam ngay trước đợt nghỉ lễ 30.4 và mùa du lịch hè cuối tháng 5 và 6. Theo thống kê của VNR, thiệt hại do sự cố cầu Ghềnh là 535 tỉ đồng.
Một nguyên nhân nữa là do ảnh hưởng vụ cá chết hàng loạt tại các tỉnh Bắc Trung bộ khiến lượng khách du lịch đến các điểm này giảm hẳn. Trong đó, lượng khách đoàn đặt vé đi các chuyến tàu từ Sài Gòn đến Đà Nẵng, Huế, Đồng Hới vào dịp hè giảm mạnh so với các năm trước.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của VNR diễn ra hôm 16.7, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, thừa nhận đường sắt đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng không giá rẻ. Bà dẫn chứng vé máy bay chặng Hà Nội – Đà Nẵng chỉ có 600.000 đồng/chiều, trong khi giá vé đường sắt khoảng 700.000 đồng/vé giường nằm. Nếu ngành đường sắt giảm giá vé nữa thì sẽ lỗ nên không thể giảm giá thêm.
Không thể phủ nhận từ năm 2015 đến nay, ngành đường sắt đã có nhiều sự thay đổi như cải tiến cách bán vé, đưa thêm các toa tàu mới vào phục vụ, đổi mới cung cách phục vụ... thế nhưng, với hành khách những thay đổi đó là chưa đủ. Nếu không muốn tụt lại quá xa, ngành đường sắt phải tạo ra được nhiều sản phẩm mới, giá rẻ, ít nhất là phải bằng hoặc thấp hơn giá vé máy bay giá rẻ thì mới hy vọng giữ được thị phần.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]