Ngay từ đầu năm mới, nhiều cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh thời trang trên địa bàn TP.HCM đã thông báo giảm giá bán. Một số thương hiệu mới mùng 6 Tết đã thông báo giảm giá 50%, tặng quà, lì xì đầu năm hấp dẫn.
Mùng 5 Tết, một thương hiệu thời trang Việt kinh doanh hàng thời trang cho cả người lớn và trẻ em đã thông báo chương trình ưu đãi đến khách hàng giảm giá, lì xì, tặng quà. Tuy nhiên, tại các cửa hàng của hệ thống này trong ngày mở cửa đầu năm mới, các sản phẩm giảm giá rất hiếm, phần lớn là hàng lỗi mốt, hết size.
Nhân viên tư vấn khách nên mua hàng nguyên giá để được nhân lì xì với hóa đơn 499.000 đồng nhận voucher quà tặng lên đến 200.000 đồng.
Gần đây tại TP.HCM, các cửa hàng thời trang mở bán rất sớm sau Tết, có nơi mùng 3 Tết đã khai trương và mở cửa liên tục sau đó. Nhiều cửa hàng vừa mở cửa bán lại đã trưng bảng giảm giá đến 50%.
Không phải ngẫu nhiên các nhà sản xuất, kinh doanh thực hiện giảm giá sản phẩm mà tất cả đều nằm trong kế hoạch xả hàng tồn, đẩy mạnh doanh số thu hồi vốn của nhà sản xuất. Quần áo thời trang giảm giá phần nhiều vẫn là lỗi mốt, hết size. Ảnh: H.Yên
Thực tế hầu hết hàng thời trang giảm giá sau Tết là hàng đã hết mốt, hết size. Một số ít mặt hàng mới cũng áp dụng giảm giá nhưng mức giảm chỉ 5-10%.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên thái Bình Dương, đơn vị đang nắm giữ 30% thương hiệu thời trang nổi tiếng của thế giới ở Việt Nam, với khoảng 70% thị phần, cho biết người dùng phải hiểu quy luật của hàng thời trang thì mới mua đúng hàng giảm giá thật, tức là hàng tốt giá rẻ. Tất nhiên, hàng sale off thì không phải là hàng mới, hợp mốt hoàn toàn.
Theo ông Hạnh Nguyễn, với nhà sản xuất và cả đơn vị phân phối, bán lẻ thời trang, để kinh doanh thành công thì mọi cửa hàng phải thoả mãn nhóm khách “tín đồ hàng hiệu”. Họ là những người thích đi đầu về xu thế, mua hàng mới sớm nhất và không quan tâm nhiều đến giảm giá.
Tức là khi có một bộ sưu tập mới vừa được tung ra, nhóm tín đồ này sẽ vung tiền mua ngay để sở hữu sớm nhất sản phẩm mới. Nếu bán được 30-40% hàng mới cho nhóm này thì coi như thành công.
Sau 3-6 tháng sau, các cửa hàng sẽ tiến hành giảm 10-20% những mặt hàng này để bán cho những người yêu thích nhưng không “máu” như các tín đồ. Đợt bán này chính là để các công ty thu hồi vốn, đồng thời mở rộng nhóm khách hàng tiềm năng có thể trở thành tín đồ.
Và tiếp sau đợt bán thứ 2 này, hàng còn lại sẽ “tham gia” đợt giảm thứ 3. Đó chính là những đợt giảm lên đến 30-40%, thậm chí 50-70%. Giảm giá sâu nhưng các sản phẩm thực tế đã lỗi mốt, vì “vòng đời” có khi đã lên đến cả năm, và nhà sản xuất đã tung ra thêm một vài bộ sưu tập khác. Người mua cũng không nhiều sự chọn lựa vì hết size phù hợp.
Nhiều cửa hàng trưng bảng giảm giá quanh năm nhưng vẫn khó thu hút khách
Tại thời điểm hàng trăm người tiêu dùng Việt xếp hàng dài chờ mua hàng thời trang Zara khi thương hiệu này vừa có mặt tại Việt Nam, ông Bùi Văn Tiến, Tổng giám đốc Công ty May Việt Tiến "nhắc nhỏ" người tiêu dùng cẩn trọng với lựa chọn, kẻo mua hàng tồn kho của Zara. Cần tránh tâm lý cứ thấy rẻ là mua, trong khi chưa chắc hàng ngoại giá rẻ đã tốt hơn hàng Việt.Ngoài ra, hàng này cũng sẽ tham gia trong các dịp giảm giá tri ân khách hàng, dịp mua sắm đặc biệt của các thị trường. Trong các đợt giảm giá này, nhiều món hàng bạc triệu thậm chí chỉ còn một hai trăm ngàn, nhưng không dễ mua.
"Chẳng có nhà sản xuất nào tự nhiên giảm giá. Tất cả đều nằm trong tính toán, xử lý hàng tồn của họ", ông Tiến nói.
Chị Thảo, một đầu mối chuyên nhận đặt mua hàng hiệu giảm giá ở Mỹ, Nhật về Việt Nam, cho biết hàng giảm giá đúng nghĩa không thể nào “giảm quanh năm, lúc nào cũng treo bảng khuyến mãi 50-70%” mà chỉ giảm theo dịp. Người tiêu dùng nào hiểu về thời trang và hiểu đúng quy luật giảm giá của các hãng thì mới mua đúng hàng rẻ thật.
Dễ nhận thấy là những đợt giảm giá của các hãng thời trang nước ngoài tại Việt Nam gần đây luôn thu hút lượng khách lớn đến mua sắm. Ví dụ: Trong ngày Back Friday, khách Việt phải xếp hàng, chen mua hàng các hãng thời trang nước ngoài từ quần áo, giày dép, túi da, tư trang … Trong khi các mặt hàng Việt khác, hàng không rõ xuất xứ bán tại nhiều cửa hàng dù giảm giá quanh năm nhưng vắng bóng khách.
Điều khác biệt giữa các hãng sản xuất khi giảm giá đó là: Sản phẩm có thương hiệu, hàng hiệu rất đắt, nhưng chất lượng đúng với đồng tiền người tiêu dùng bỏ ra. Việc giảm giá khách hàng được kiểm chứng giá niêm yết trên sản phẩm và khi mua được khấu trừ trực tiếp.
Với các sản phẩm giảm giá của Việt Nam, nhất là loại hàng không rõ xuất xứ, thì nhiều mặt hàng không được niêm yết trước mà được phát ra từ nhân viên bán hàng. Nhiều cửa hàng giảm giá chủ yếu đẩy mạnh bán ra những hàng tồn kho, hàng hết size...
Việc kinh doanh thời trang dù ở phân khúc nào cũng luôn khốc liệt, chi phí lớn, cạnh tranh dữ dội giữa các nhà phân phối, bán lẻ, từng cửa hàng... Các thương hiệu lớn hay cửa nhỏ đều phải có chính sách giá phù hợp để đảm bảo có lời mà vẫn giữ được khách, không dễ giảm giá, khuyến mãi ở mức 50-70% quanh năm.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]