Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch đã đưa ra nhiều ý tưởng, giải pháp để xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch quốc tế trong tương lai.
Thực hiện mục tiêu hướng tới xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố du lịch, thành phố sự kiện, những năm qua, ngành du lịch của thành phố này tăng trưởng nhanh, trở thành điểm đến lý tưởng với du khách trong và ngoài nước. Xét về mặt địa lý, Đà Nẵng có những thuận lợi rất lớn như có bãi biển đẹp, hệ sinh thái phong phú, đặc biệt là một thành phố có diện tích rừng tự nhiên Bà Nà – Núi Chúa và Sơn Trà lớn nhất cả nước. Hơn nữa, Đà Nẵng có cảng biển nước sâu Tiên Sa, có sân bay quốc tế và nằm trên trục hành lang kinh tế Đông – Tây nối với Lào, Thái Lan, Myanma… Ngoài ra, Đà Nẵng có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng và lại nằm trên con đường di sản miền Trung, nằm giữa các Di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn và cố đô Huế. Tuy nhiên, tại hội thảo, các đại biểu cho rằng Đà Nẵng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển kinh tế, xã hội.
Kiến trúc sư Robert Day, chuyên gia tư vấn quy hoạch du lịch; Phó chủ tịch, Giám đốc về quy hoạch Tập đoàn WATG (Hoa Kỳ), cho rằng: Để trở thành một điểm đến thật sự, bản thân ngành du lịch cũng cần phải hòa nhập với cấu trúc hạ tầng của thành phố, với ý nghĩa đơn thuần là một cấu phần vật chất khiến cho Đà Nẵng là một điểm đến du lịch. Trong tương lai, đó phải là một sự pha trộn giữa thành phố và bãi biển, giữa người dân địa phương và du khách, sự hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và nhân tạo. Và trong khi du lịch là ngành dịch vụ tạo ra khá nhiều công ăn việc làm thì các điểm đến du lịch không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn phải tiếp tục phát triển theo chiều hướng chất lượng để tăng tính cạnh tranh. Trong số luồng cư dân ồ ạt đến Đà Nẵng tìm cơ hội việc làm, sẽ kéo theo cả gia đình và các nhóm định cư mới. Vì vậy, thành phố cần phải ý thức được việc này nhằm chuẩn bị tăng cường bổ sung các hạ tầng tương quan như nhà ở, trường học, cơ sở y tế, đường sá giao thông…
KTS Robert Day cũng nhận định: Do diện tích đất rộng lớn của Đà Nẵng và định hướng tiềm năng dài hạn, nên để xác định quy mô ngành dịch vụ du lịch cho toàn bộ thành phố và vùng ven đô là một điều không hề dễ dàng. Điều cần làm là phát triển đa dạng các khu du lịch khác khác nhau trong thành phố để trước mắt phục vụ cho việc phân khúc thị trường. Hiển nhiên, tương lai không phải là tập trung phát triển một lĩnh vực - mà là nắm bắt nhiều phân khúc thị trường trong khi vẫn đảm bảo rằng làm hài lòng nhu cầu của từng nhóm khách trong mối tương quan phát triển cạnh tranh.
Ông PETER R. RYDER, Tổng giám đốc Tập đoàn Indochina Capital, đưa ra 6 giải pháp nhằm thúc đẩy nền du lịch của Đà Nẵng, như: Ứng dụng cách tiếp cận phát triển du lịch bền vững, gia tăng các chuyến bay quốc tế, đơn giản hóa thủ tục visa, tạo lập nhiều khu du lịch tiêu chuẩn quốc tế, đa dạng hóa thị trường mục tiêu và tập trung vào phát triển nguồn nhân lực.
Ông PETER R. RYDER cũng chỉ ra rằng, một yếu tố mà đang ảnh hưởng đến ngành hàng không và thu hút các nhà vận chuyển mới từ các điểm đến mới đó là phí tiếp đất sân bay hiện nay quá đắt. Chi phí cho một máy bay tiếp đất ở Đà Nẵng hiện tại đang gấp đôi các nơi khác, điều này ngăn cản các hãng hàng không bay đến Đà Nẵng vì họ không thể có lợi nhuận. Các hãng hàng không nên được khuyến khích bay vào Đà Nẵng, đặc biệt khi xem xét đến mức chi tiêu trung bình của một du khách tại Đà Nẵng là khoảng 500 đô la với thời gian lưu trú là 3 đêm, như vậy sẽ đem lại khoảng 100.000 đô la cho nền kinh tế thành phố mỗi khi có một chuyến bay quốc tế đáp xuống Đà Nẵng. Nếu chuyến bay này diễn ra hàng ngày, điều này sẽ đem lại thu nhập 30 triệu đô la hàng năm cho thành phố. Bên cạnh đó, thủ tục visa cũng là một trong những cản ngại. Để có visa tại nước ngoài chẳng hạn như Úc, Mỹ hoặc Anh, chi phí khoảng 100 đô la/người, nếu một gia đình bốn người sẽ chịu tổng chi phí là 400 đô la cho việc làm visa, con số đủ để họ du lịch đến Việt Nam. Vì vậy, để thu hút du khách đến với Đà Nẵng cần phải mở rộng đối tượng miễn visa cho nhiều quốc gia và cho phép sự lưu trú tối thiểu 15 ngày hoặc hơn cần được bàn luận từ VNAT đến MOFA và xóa bỏ yêu cầu về cấp phép visa như các nước Campuchia và Indonesia hiện nay làm.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng mong muốn: Nếu như tự suy nghĩ, tự mày mò thì mất rất nhiều thời gian, mất rất nhiều công sức và cũng có thể trả giá cho những sai lầm. Vì vậy Đà Nẵng chúng tôi cần đến bạn bè, các nhà quản lý, các chuyên gia, các học giả... giúp chúng tôi 1 lời khuyên, 1 ý tưởng để chúng tôi suy ngẫm, biến điều đó thành chính sách, biến điều đó thành hành động.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia Kinh tế, Trưởng nhóm tư vấn Vùng, cho biết: Nhiều luận điểm, kiến giải và những đề xuất, giải pháp mới mẻ, độc đáo, sáng tạo được đưa ra tại hội thảo và có thể sớm được áp dụng vào thực tiễn, phục vụ cho sự phát triển dịch vụ - du lịch của Đà Nẵng vươn lên tầm quốc tế. Đó là việc quy hoạch không gian du lịch – dịch vụ đa chiều, đa dạng; ứng dụng các phương pháp tiếp cận phát triển du lịch bền vững; phát triển Du lịch gắn kết với phát triển kinh tế, xã hội môi trường hiện tại và tương lai; đáp ứng nhu cầu của du khách, nhà kinh doanh, môi trường và cả cộng đồng; đa dạng hóa thị trường mục tiêu trong thu hút khách; tập trung vào phát triển nguồn nhân lực... Những ý đóng góp tại hội thảo cũng như trong thời gian tới sẽ được Đà Nẵng nghiên cứu kỹ lưỡng và triển khai trong thực tế, với mục tiêu biến Đà Nẵng trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, thành trung tâm dịch vụ - du lịch mang tầm quốc tế.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]