Khách thăm quan, mua sắm tại làng lụa Vạn Phúc. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)
Đánh giá về thực trạng hoạt động du lịch làng nghề tại Việt Nam, ông Lê Văn Hùng (Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng nhìn chung loại hình du lịch làng nghề Việt Nam còn mang tính tự phát, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có.
Văn hóa cũng như cơ cấu làng nghề bị biến đổi mạnh bởi quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Nhiều bất cập làm hạn chế sự phát triển du lịch làng nghề như hạ tầng giao thông đến điểm làng nghề còn thiếu, trong khi đó chất lượng phục vụ du khách còn yếu.
Bên cạnh đó, đời sống của nghệ nhân còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo và ít đầu tư nên sản phẩm du lịch còn sơ sài, thậm chí nhiều người không giữ được nghề... Mặt khác, trong công tác quản lý, các ban, ngành tại địa phương thiếu sự phối hợp trong xây dựng, quy hoạch phát triển du lịch làng nghề.
Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu đều khẳng định các làng nghề truyền thống ở Việt Nam là nguồn tài nguyên, tiềm năng để phát triển du lịch, do làng nghề truyền thống chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, giúp tăng trưởng cho ngành du lịch, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm, địa điểm du lịch, níu chân du khách lâu hơn, đồng thời giúp các làng nghề phát triển bền vững.
Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp phát triển du lịch làng nghề trong thời gian tới, tập trung vào việc xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề; đồng thời đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các dịch vụ phục vụ du khách, đào tạo kỹ năng làm du lịch cho người dân làng nghề; chú trọng gắn kết giữa làng nghề và các công ty du lịch, quảng bá du lịch. Đặc biệt, để phát triển du lịch làng nghề bền vững, cần quan tâm đến vấn đề môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất…
Để du lịch làng nghề ngày càng thu hút du khách, trước hết cần chú trọng bảo tồn các giá trị đặc sắc và có chính sách để hoạt động tại các làng nghề ngày càng hiệu quả. Cụ thể, cần phân loại những ngành nghề truyền thống có khả năng tồn tại, phát triển và những ngành có nguy cơ mai một, để có chính sách phù hợp; lựa chọn sản phẩm đặc trưng để đầu tư phát triển các làng nghề truyền thống có sản phẩm xuất khẩu thu ngoại tệ cao.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách ổn định lâu dài đối với các vùng nguyên liệu có sẵn và tiếp tục quy hoạch các vùng nguyên liệu mới tại địa phương để đáp ứng nhu cầu của các làng nghề; đầu tư cho việc đào tạo nguồn nhân lực cho các làng nghề, trong đó vai trò của nghệ nhân cũng như cộng đồng cần được phát huy trong việc dạy nghề, truyền nghề tại các làng nghề.
Các đại biểu thống nhất với nhận định để du lịch làng nghề ở Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng, đòi hỏi sự nỗ lực và chung tay của các cấp chính quyền, các ngành chức năng, các công ty du lịch và bản thân người dân ở mỗi làng nghề.
Hiện nay, cả nước có khoảng 3.000 làng nghề thủ công, trong đó có 400 làng nghề truyền thống, với 53 nhóm nghề làm ra khoảng 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau./.
Theo Thu Hòai - Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]