Du khách tham quan các di tích của Cố đô Huế.
Nếu du khách mua vé tham quan ba điểm (Hoàng Cung, lăng Khải Định, lăng Minh Mạng) sẽ được miễn vé tham quan các điểm di tích còn lại (bao gồm lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức và điện Hòn Chén); giảm 20% giá vé cho các đoàn tham quan các điểm di tích từ 10 người trở lên (mua 10 vé được giảm 2 vé); giảm 50% giá vé xem biểu diễn Nhã nhạc Huế tại Duyệt Thị Đường vào các suất ban ngày và buổi tối; miễn phí thuyết minh tại Đại Nội cho đoàn từ 20 khách trở lên; miễn vé tham quan di tích cho các đoàn sinh viên của các trường Đại học, Cao đẳng trong và ngoài tỉnh (có giấy giới thiệu của các trường); giảm 20% giá dịch vụ xe điện đưa đón tham quan khu vực Hoàng Cung; giảm 10%-20% giá các dịch vụ (hàng lưu niệm, giải khát,...) trong các điểm tham quan của khu di sản Huế.
Từ nay đến cuối năm, tỉnh Thừa Thiên-Huế tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; xúc tiến các hoạt động mời các đoàn Famtrip (tìm hiểu, làm quen, tiếp thị) từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đến khảo sát thị trường Huế và miền Trung; đồng thời chủ động tổ chức các Rowshow tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, miền Trung; tập trung mạnh vào việc khai thác thị trường khách mới là miền Tây Nam Bộ..., để bù vào sụt giảm do thị trường khách du lịch Đài Loan, Trung Quốc có nhiều biến động.
Ngành du lịch tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ, môi trường du lịch, triển khai các gói kích cầu thiết thực để thu hút khách du lịch. Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế thu hút du khách bằng các sản phẩm độc đáo; đưa dịch vụ mới "Ngự thuyền sông Hương" và "Lầu Tứ phương Vô sự" (Đại Nội, Huế) vào hoạt động.
Với hai dịch vụ này, du khách được thưởng thức ẩm thực, nghệ thuật diễn xướng theo phong cách cung đình, với mức giá ưu đãi đối với các doanh nghiệp lữ hành du lịch.
Ngoài khai thác các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp đang tích cực mở rộng các thị trường tiềm năng; đồng thời tập trung chuyển hướng sang khai thác thị trường Lào, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đặc biệt, tỉnh tập trung khai thác thị trường khách nội địa, các công ty đã tiến hành liên kết kích cầu các tour Huế-Đà Nẵng, Phan Thiết, Phú Quốc, Thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Bình…; tư vấn cho khách hàng đi du lịch trong nước và một số nước trong khu vực như Malaysia, Singapore hoặc Myanmar, Hàn Quốc...
Công ty khách sạn bờ sông Thanh Lịch áp dụng các chính sách kích cầu du lịch phù hợp, các chương trình khuyến mại hấp dẫn dành cho thị trường khách nội địa, tăng cường dịch vụ du lịch hội nghị, hội thảo; đẩy mạnh bán phòng nghỉ trên mạng Internet thông qua website của khách sạn và các hãng lữ hành trực tuyến trong nước và quốc tế.
Công ty Cổ phần du lịch Việt Nam-Hà Nội-chi nhánh Huế, cũng đang liên kết với một số công ty du lịch bạn, cũng như hãng hàng không để lên chương trình đi du lịch Việt Nam với giá kích cầu và bước đầu rất thành công, nhất là thị trường Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đi Huế-Đà Nẵng.
Năm 2014, tỉnh Thừa Thiên-Huế đặt mục tiêu đón 2,8-3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt từ 1,2-1,3 triệu lượt; doanh thu du lịch toàn ngành tăng 16-18%, đóng góp 54-55% GDP của tỉnh.
Trong 7 tháng đầu năm 2014, Thừa Thiên-Huế đón đạt gần 1,8 triệu lượt khách du lịch; trong đó có 650 ngàn lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch đạt hơn 1.626 tỷ đồng.
Khách du lịch tăng khá thời gian qua do đây là mùa cao điểm Hè, các tour du lịch gắn với tham quan các địa điểm thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế, các tour du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, du lịch sinh thái thu hút rất đông du khách khi đến Huế./.
Theo Vietnamplus
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]