Nghi lễ ''linh tinh tình phộc''. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Trò Trám là lễ hội độc đáo có một không hai tôn vinh tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp, hiện đang được người dân ở đây trân trọng gìn giữ.
Ngay từ chập tối ngày 11, các trò đi cày, cấy, câu cá, đánh lờ, dệt lụa, cung bông, thợ mộc, mua Xuân-bán Xuân và dạy học được trình diễn tại sân miếu Trò.
Chính người dân Tứ Xã tham gia diễn trò "Tứ dân chi nghiệp," còn gọi là "bách nghệ khôi hài" - màn kịch dân gian vui nhộn khắc họa bốn nghề chính trong đời sống (sỹ, nông, công, thương).
Những "nghệ sỹ" nông dân say sưa diễn những câu hát độc đáo vui nhộn cùng những làn điệu dân ca riêng biệt của vùng đất Tổ.
Chẳng hạn như khi diễn trò, trai gái hát đối đáp nhau những ca từ đầy ẩn ý, vui nhộn như:
''Người ta đi cấy lấy công
Tôi nay đi cấy lấy ông chủ nhà''
''Công anh đắp đập be bờ
Đừng cho người khác vác lờ đến đơm''
''Người ta câu diếc câu rô
Tôi nay câu lấy một cô không chồng
Có chồng thì thả mồi ra
Chưa chồng thì cặp thì tha lấy mồi…''
Khoảnh khắc thiêng liêng và cũng là linh hồn của Trò Trám chính là "lễ mật." Lễ mật diễn ra vào nửa đêm 11, rạng sáng 12 tháng Giêng. Đây là giờ lành, là thời điểm giao hòa giữa trời và đất.
Sau lễ tế (bắt đầu vào lúc 23 giờ) do các cụ cao tuổi trong làng thực hiện đến đúng 0 giờ ngày 12 tháng Giêng, cụ thủ từ miếu Trò thắp hương và rước nõ-nường thờ trong miếu Trò trao cho đôi nam nữ đã được chọn từ trước, là cặp vợ chồng có gia đình hòa thuận, nếp sống lành mạnh.)
Nõ-nường là cặp sinh thực khí có từ thời Hùng Vương - hai vật tượng trưng cho giới tính nam và nữ (làm bằng gỗ, sơn màu đỏ), được những người dân ở Tứ Xã coi là linh vật, được cất giữ cẩn thận trên khám thờ của ngôi miếu và chỉ lấy ra một lần duy nhất trong năm, vào đúng đêm "linh tinh tình phộc."
Lúc này, đèn, nến trong và ngoài miếu đều tắt, cụ chủ tế hô "linh tinh tình phộc," hai nhân vật chính là nam cởi trần đóng khố cầm nõ, nữ mặc váy đeo yếm đào cầm nường làm các thao tác tượng trưng hoạt động tính giao.
Ba lần đâm trúng sẽ có mùa màng tươi tốt, bội thu; hai lần trúng năm nay sẽ được mùa; một lần trúng là làm ăn kém…
Trong đêm tối, chủ tế nghe "cạch" đủ ba tiếng, đèn sáng lại. Phút ấy gọi là phút "thiêng," "dập" chiêng trống để mừng và kính cáo với thần linh, thiên địa biết "lễ mật" đã thành công.
Xưa kia, sau ba câu khẩu lệnh, chủ tế sẽ tô hô to "tháo khoán." Mọi người hò reo, nam nữ đuổi bắt nhau. Và đêm ấy là đêm của tình yêu. Thanh niên, nam nữ được tự do tâm tình, cởi mở tấm lòng... Những đứa trẻ sinh ra từ đêm "Linh tinh tình phộc" được làng trọng thưởng.
Ngày nay, lễ hội không còn tục "tháo khoán," chỉ là hò reo vui vẻ nhưng tín ngưỡng phồn thực vẫn được tôn vinh và trở thành linh thiêng, chứa đựng ý niệm tốt đẹp, nguyện vọng tha thiết nghìn đời của cư dân nông nghiệp.
Sang ngày 12 tháng Giêng là lễ rước lúa "thần" cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Những bông lúa thu hoạch từ vụ trước thờ trong miếu được rước đến đền Xa Lộc, nơi thờ vị tướng thời Trần có tên là Phùng Lân Hổ, sau đó tiếp tục rước xung quanh làng.
Trong khi rước lúa trên đường làng, các trò diễn tiếp tục được thực hiện tạo không khí nhộn khắp cả làng. Cuối cùng là lễ cúng thập bái thực hiện tại miếu Trò để kết thúc hội.
Ông Nguyễn Hồng Toàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tứ Xã cho biết lễ hội Trò Trám là sinh hoạt tinh thần của người dân Tứ Xã cổ và được lưu giữ đến ngày nay. Trò Trám phản ánh ước nguyện sinh tồn, vạn vật được sinh sôi nảy nở, xã hội phồn vinh của cư dân nông nghiệp.
Nói về tích miếu Trò, các cụ cao niên trong xã Tứ Xã kể lại, tương truyền miếu Trò thờ nữ thần bản thổ Ngô Thị Thanh là con gái lạc hầu Ngô Quang Điện (tướng của triều Hùng) có công chiêu dân lập ấp, dạy dân cày cấy, trồng dâu, nuôi tằm… Cha được phong thờ ở chùa Vân Cáp, con gái thờ ở miếu Trò.
Tương truyền hàng năm, bà Ngô Thị Thanh làm ra hội Trò để khuyến khích lao động và vận động thu hút thêm người về xóm (trò "Tứ dân chi nghiệp"). Bà được nhân dân ở đây tôn làm nữ thần, sau khi bà chết nhân dân lập miếu và hàng năm ngày 11 và 12 tháng giêng (âm lịch) tại sân miếu Trò, nhân dân vẫn diễn lại để tưởng nhớ công ơn bà.
Đây còn là ngôi miếu cổ nhất ở mảnh đất Tứ Xã cổ thờ linh vật nõ-nường của tín ngưỡng phồn thực - tín ngưỡng khởi nguyên và sơ khai của các tộc người trên Trái đất, trong đó có dân tộc Việt./.
Theo Vũ Bắc - Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]