Con đường mòn dẫn lối vào vùng lõi rừng Quốc gia trên xã đảo Việt Hải. (Ảnh: ChiLê/Vietnam+)
Trước mắt tôi, một ngày mùa đông nhiều nắng ở làng Việt Hải, từng tốp hàng chục lượt khách du lịch nước ngoài đạp xe từ bến đò vào khám phá cuộc sống bình dị của người dân xã đảo bằng sự háo hức, thích thú.
Resort “treo” trong rừng...
Tuy là xã đảo nhưng lại làm nông nghiệp và vẫn giữ được những nét độc đáo của nông thôn Việt Nam nên khách nước ngoài đến đây tỏ ra rất thích thú với việc được tận mắt nhìn người dân gieo mạ, trồng hoa màu và một số hoạt động nuôi trồng mang tính cộng đồng khác.
Thêm vào đó, do giáp với vịnh Lan Hạ của Vịnh Hạ Long nên các tour tuyến từ Vịnh Hạ Long qua Cát Bà sẽ đi qua trung gian là Việt Hải, mở ra cơ hội đón khách cho xã đảo này.
Nhưng thực tế hiện nay, khách đến với Việt Hải vẫn đơn thuần là thăm quan chứ địa phương hầu như chưa có dịch vụ nào cho họ sử dụng. Một số dịch vụ nếu có còn rất sơ sài, là một khu nghỉ dưỡng nhỏ và mấy hàng quán nước ven đường, vài khu nhà nghỉ của người dân.
Dù những nhu cầu thiết yếu nhất như điện, nước đã có thể đảm bảo song người dân vẫn phục vụ khách bằng cơ sở vật chất sẵn có của gia đình thôi chứ chưa có vốn đầu tư xây dựng, mở rộng thêm.
Trước đây, trên xã đảo từng có một dự án resort khởi công từ năm 2002 (dự án Ninh Tiếp), với lối đi là con đường mòn và mất khoảng 20 phút để từ ngoài làng vào đây. Nhưng do nằm trong khu vực vùng lõi rừng quốc gia và vướng một số quy định, thủ tục nên phải “treo” và từ đó tới giờ tất cả vẫn nằm im lìm, dở dang.
Đáng tiếc nhất là gần chục căn nhà được xây dựng trên địa thế khá đắc địa với toàn bộ các khung nhà cổ chuyển trực tiếp từ tỉnh Hà Tây cũ và Vĩnh Phúc vượt biển, vượt rừng về tận đây nay bỏ không, phải chịu cảnh giãi nắng dầm mưa hàng chục năm trời. Được quy hoạch, xây dựng công phu, khu resort vẫn quyết bám trụ đủ thấy tâm huyết và tiền của gia chủ bỏ ra lớn thế nào.
Một góc resort Ninh Tiếp. (Ảnh: ChiLê/Vietnam+)
“Cửa” riêng cho Việt Hải
Đặt câu hỏi với ông Chủ tịch xã Việt Hải Nguyễn Văn Lợi, rằng trong tương lai, chính quyền xã có chung tay với người dân làm du lịch không hay vẫn để những người nông dân tự loay hoay phát triển du lịch cho địa phương thì vị cán bộ này cho hay: “Trong chương trình phát triển kinh tế địa phương, theo Nghị quyết Đại hội của chi bộ xã và quy hoạch phát triển nông thôn mới xã Việt Hải cũng đã quy hoạch và dành ra một số khu vực để phát triển dịch vụ du lịch, đặc biệt là tập trung phát triển du lịch sinh thái.”
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khiến Việt Hải gần như “lực bất tòng tâm” trong việc thay đổi diện mạo du lịch sinh thái cộng đồng trên xã đảo, như ông Lợi cho biết là do ngân sách xã đang phải phụ thuộc hoàn toàn cũng như nhận trợ cấp hoàn toàn của huyện Cát Hải.
Mặc dù rất muốn nhưng “xã hiện chưa có cơ chế riêng để dành cho phát triển du lịch,” ông Lợi thừa nhận và khẳng định địa phương này cũng có định hướng nhưng chủ yếu vẫn phải dựa vào điều kiện tự nhiên là chính.
Để thu hút khách, phát triển du lịch bền vững vị lãnh đạo xã cam kết, trước mắt sẽ cố gắng giữ những nét truyền thống của địa phương, tập trung vào cải tạo cảnh quan, môi trường; quy hoạch quỹ đất dành cho phát triển du lịch sinh thái...
Cũng trong năm nay, thành phố Hải Phòng đã phê duyệt dự án nâng cấp, sửa chữa những tàu vận tải nối từ Cát Bà ra Việt Hải với chất lượng tàu tốt hơn, to hơn, công suất lớn hơn, tăng tần suất các chuyến đi giữa Cát Bà-Việt Hải nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con trên đảo cũng như khách du lịch.
Và dù làm du lịch tự phát nhưng chính quyền huyện Cát Hải cũng đã tổ chức những lớp tập huấn nghiệp vụ cho các hộ dân trên đảo làm du lịch cộng đồng như: kỹ năng giao tiếp du lịch, hướng dẫn viên du lịch...; hỗ trợ cho bà con vay vốn thông qua ngân hàng chính sách xã hội.
Đặc biệt, huyện Cát Hải có quy định không cho khách nước ngoài nghỉ qua đêm trên đảo nhưng riêng xã đảo Việt Hải huyện đã xin được một cơ chế riêng để cho người nước ngoài được nghỉ qua đêm.
Nhà cổ trong khu resort. (Ảnh: ChiLê/Vietnam+)
Chia sẻ về “cas” khó là dự án Ninh Tiếp (có vốn đầu tư nước ngoài) trên đảo, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải, ông Đào Văn Ninh giải thích: “Xã Việt Hải nói riêng và huyện Cát Bà nói chung chịu ảnh hưởng của Nghị định 161, liên quan tới quy chế về biên giới biển đảo, với hạn chế là không cho người nước ngoài đầu tư.”
Tuy nhiên, cũng theo ông Ninh, sau một thời gian dài chờ đợi, cuối cùng xã đảo Việt Hải đã xin được cơ chế riêng cho phép huy động đa dạng các nguồn vốn đầu tư kinh doanh, trong đó đặc biệt là vốn có “yếu tố nước ngoài.”
Theo đó, sắp tới đây, khi quyết định này chính thức có hiệu lực, phía nhà đầu tư dự án Ninh Tiếp sẽ có “cửa” hoạt động và như thế sau bao năm nằm im phơi sương cả dãy nhà cổ sẽ hồi sinh, cựa mình “sống” dậy giữa vùng lõi rừng quốc gia Cát Bà, mang đến diện mạo mới cho du lịch Việt Hải./.
Theo Chilê - Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]