Đây là một trong những nghi thức quan trọng của Lễ hội Katê 2014. Với ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi và cầu mong cho sự hòa hợp lứa đôi, sự sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật, mặc dù trải qua nhiều năm tháng nhưng lễ hội Katê của đồng bào Chăm vẫn được tái hiện với rực rỡ màu sắc và âm thanh theo đúng nghi thức nguyên gốc vốn có của một nền văn hóa Chămpa bởi những nghệ nhân đến từ các làng Chăm trong tỉnh Bình Thuận.
Những nghi thức truyền thống trong phần Lễ như mở cửa tháp, tắm bệ thờ Linga-Yoni, cúng chính… đã thể hiện vẻ đẹp uy nghi của những đền, chùa và tháp Chăm.
Những điệu múa Biyên, Marai truyền thống của các thiếu nữ Chăm duyên dáng, uyển chuyển hòa quyện trong những trống Baranưng rộn ràng, tiếng réo rắt của kèn Saranai… giúp du khách có thể hình dung tổng quan về một nền văn hóa Chăm độc đáo.
Gắn kết chặt chẽ với phần Lễ là phần Hội với những trình diễn nghề dệt thổ cẩm, nghề nặn gốm bằng phương pháp thủ công và các trò chơi dân gian mang đậm sắc thái truyền thống của đồng bào Chăm như: thi đội nước, đánh trống Ghi năng, thi làm bánh Gừng…Các hoạt động này đã nên một điểm nhấn cho lễ hội Katê 2014.
Katê là một lễ hội dân gian đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Balamôn ở tỉnh Bình Thuận để tưởng nhớ đến các vị thần như Ppo Klaung Girai, Ppo Rome… Katê cũng là dịp để người Chăm từ khắp mọi miền đất nước trở về quê cha đất tổ để đoàn tụ cùng gia đình, bạn bè, dòng họ. Tết Katê diễn ra trong một không gian lớn, bắt đầu từ các đền, tháp đến làng, dòng họ và cuối cùng là gia đình.
Vào những ngày này, không khí tại các làng, thôn, xóm của người Chăm rất rộn rã. Nhà nhà đều sửa soạn tươm tất để đón Tết Katê, khắp thôn xóm nhộn nhịp với các trò chơi dân gian, giao lưu thể thao, văn nghệ giữa các chàng trai, thiếu nữ Chăm. Khi lễ hội ở làng kết thúc thì lễ Katê ở các dòng tộc, gia đình trong đồng bào Chăm mới được tổ chức.
Mọi thành viên trong gia đình đều có mặt đông đủ, quây quần bên nhau và cầu mong tổ tiên ông bà phù hộ cho con cháu gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.
Dịp này, Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm Bình Thuận tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa để phục vụ đồng bào Chăm và du khách vui Tết Katê. Trung tâm còn tổ chức chương trình giao lưu văn hóa, các hội thi văn hóa truyền thống Chăm như thi hòa tấu nhạc cụ dân tộc, thi nắn bánh Gừng, thi viết chữ Chăm truyền thống nhanh và đẹp…
Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho đồng bào Chăm đón Tết Tết Katê lành mạnh, tiết kiệm, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo cung cấp đủ điện, nước cho người dân và tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật tại các thôn, xã vùng đồng bào Chăm sinh sống.
Nhân dịp này, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Thuận cũng đến thăm, tặng quà và chúc Tết đồng bào người Chăm; thăm, chúc Tết tại các chùa, các chức sắc, các đối tượng chính sách, gia đình tiêu biểu...
Đồng bào Chăm là một dân tộc thiểu số cư trú lâu đời ở tỉnh Bình Thuận, với dân số trên 41.000 người. Đồng bào Chăm ở Bình Thuận có rất nhiều lễ hội mang đậm sắc thái riêng như lễ hội Ramưwan, lễ Rija Nưgar, lễ Chabun, đặc biệt là Lễ hội Katê.
Tại Ninh Thuận, trong 3 ngày từ 23-25/10, đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn đã tổ chức lễ hội Katê theo nghi lễ truyền thống. Lễ hội thu hút sự tham gia của hàng ngàn người dân địa phương và du khách.
Dịp này, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Thuận cùng các huyện, thành phố trong tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ đến thăm, tặng quà động viên các vị chức sắc, các gia đình chính sách và một số gia đình tiêu biểu tích cực tham gia công tác xã hội và thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.
Thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, nhiều năm qua các vùng đồng bào dân tộc Chăm trong tỉnh Ninh Thuận được các bộ, ngành Trung ương và tỉnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhiều công trình thủy lợi vừa và nhỏ, trạm bơm, hồ chứa nước; hệ thống giao thông nông thôn; điện lưới quốc gia phục vụ sản xuất, sinh hoạt; các trạm y tế, trường học được phủ kín tại 27/27 thôn người Chăm.
Đặc biệt, tại các làng nghề như Mỹ Nghiệp, Chung Mĩ, Bàu Trúc được Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ, xúc tiến thương mại gắn xây dựng điểm đến du lịch, bước đầu đã tạo ra cơ hội cho bà con sản xuất kinh doanh, tăng nguồn thu từ các sản phẩm làng nghề, giúp đời sống vật chất, tinh thần của bà con dân tộc Chăm ngày càng nâng lên./.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]