Những ai yêu thích leo núi đều mong muốn được một lần chinh phục Pha Luông - nóc nhà Tây Tiến trong bài thơ của nhà thơ Quang Dũng: "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi". Đoàn chúng tôi với 6 thành viên bắt đầu hành trình chinh phục Pha Luông từ đồn biên phòng từ 8h.
Đường lên Pha Luông cũng là đường đồng bào miền núi thường vào rừng để tìm thức ăn, đưa trâu bò lên núi thồ hàng.
Chúng tôi băng qua những khu rừng rậm rạp đến mức khó khăn lắm mới có tia nắng mặt trời chiếu tới. Những con dốc nhỏ cứ nối nhau dài mãi.
Khác với đường leo các đỉnh núi khác như Fansipan, Tà Chì Nhù, Pu Si Lung là có đoạn leo cao có đoạn tụt dốc để phục hồi sức lực, Pha Luông hầu như chỉ có dốc.
Trên hành trình leo núi, sau khi vượt qua rừng trúc, chúng tôi lại đến tiếp một khu rừng nguyên sinh rộng lớn với hàng trăm cây cổ thụ đường kính thân cần 5-6 người ôm mới xuể.
Ở cao độ 1.700 m có một hang đá lớn thường, là nơi dừng chân nghỉ ngơi và tiếp thêm năng lượng của các đoàn leo núi.
Những dây leo lâu năm dài hàng chục mét thả từ trên đỉnh ngọn cây xuống sát mặt đất làm cho người chinh phục thích thú với màn đu dây giữa rừng.
Sau hành trình hơn 4 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã lên đỉnh núi Pha Luông. Bề mặt đỉnh núi là một khối đá phẳng khổng lồ nằm theo hướng xiên khoảng 20 độ, chia đôi biên giới Việt - Lào.
Những vách đá dựng thẳng đứng, hùng vĩ như được tạo dựng từ hàng chục nghìn phiến đá chồng lên nhau.
Đỉnh Pha Luông có độ cao gần 2.000 m so với mực nước biển, nằm cách Mộc Châu khoảng 40 km, thuộc xã Tân Xuân, Chiềng Xuân. Núi Pha Luông, hay còn gọi là Bờ Lung, (tiếng Thái là núi lớn) tiếp giáp biên giới Việt - Lào về phía đông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Từ đỉnh Pha Luông có thể nhìn rõ đường sườn núi phân chia biên giới. Phía Việt Nam vẫn còn nhiều rừng nguyên sinh so với phía Lào là đồi trọc.
Ngoài đỉnh Pha Luông, ở khu vực này còn có hàng trăm núi đá.
Chinh phục thành công Pha Luông là sự tự hào của tất cả thành viên trong đoàn, khi được tận mắt chứng kiến những hình ảnh tuyệt đẹp trong bài thơ "Tây Tiến" năm xưa.
Một điều thú vị khác là đường lên Pha Luông băng qua nhiều rừng phong. Vào mùa thay lá, cả khu rừng rực rỡ một màu quan san.
Trời đã về chiều, cả đoàn phải nhanh chân xuống núi trước khi trời tối mà trong lòng đầy tiếc nuối. Ai cũng mong một ngày không xa lại có dịp quay lại Pha Luông để được ngắm ngọn núi hùng vĩ trên tuyến biên giới Việt - Lào.
Theo DanViet
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]