Đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
Năm nay, tỉnh An Giang tập trung thực hiện kế hoạch khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về du lịch, tạo bước đột phá phát triển toàn diện, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch... để phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Tỉnh phấn đấu đón 5,8 triệu khách du lịch trong năm nay, tăng 2% so năm trước.
Tỉnh An Giang tập trung phát triển các loại hình du lịch đặc trưng của tỉnh như du lịch tâm linh, trong đó An Giang sẽ đầu tư phát triển Khu du lịch núi Cấm và núi Sam với miếu Bà Chúa Xứ; tổ chức Lễ hội cấp quốc gia vía Bà Chúa Xứ núi Sam với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao truyền thống (đua bò và các trò chơi dân gian ...).
Tỉnh xây dựng Khu vui chơi giải trí tổng hợp Châu Đốc để thu hút và lưu giữ du khách; phát triển du lịch tham quan, nghỉ dưỡng ở Khu du lịch núi Cấm và Khu du lịch lòng hồ - núi Sập; đầu tư cơ sở hạ tầng và mời gọi đầu tư các dịch vụ du lịch, chú trọng các khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, trong đó khai thác lợi thế độ cao, khí hậu của núi Cấm để đầu tư đưa Khu du lịch núi Cấm trở thành một "Đà Lạt" tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Loại hình du lịch sinh thái, sông nước với Khu rừng tràm Trà Sư được hình thành và phát triển các loại hình du lịch sinh thái, thiên nhiên. Tỉnh sẽ tổ chức các dịch vụ du lịch phù hợp nhưng không phá vỡ cảnh quan môi trường; mở rộng vùng đệm bên ngoài rừng tràm Trà Sư để phát triển các loại hình du lịch sinh thái truyền thống vùng sông nước Cửu Long như dỡ chà, bắt cá, câu cá, tham quan rừng tràm bằng xuồng ba lá, tắc ráng..., chế biến các món ăn dân dã.
Tại Khu du lịch sinh thái búng Bình Thiên, tỉnh sẽ tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ vòng quanh búng Bình Thiên, cầu tàu phục vụ giải trí bơi thuyền, khôi phục làng nghề dệt của đồng bào dân tộc Chăm, hình thành câu lạc bộ bơi thuyền truyền thống, thuyền hiện đại và các môn thể thao dưới nước như mô tô nước, lướt ván... đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Riêng tại Cụm di tích và du lịch miệt vườn ở ba xã Cù Lao Giêng, huyện Chợ Mới (bao gồm ba xã Tấn Mỹ, Bình Phước Xuân, Mỹ Hiệp), tỉnh tiến hành xây dựng cầu tàu đón khách du lịch đường sông xã Tấn Mỹ và hình thành sản phẩm đặc thù của từng xã; khai thác các di tích như nhà thờ Cù Lao Giêng, Dòng tu Chúa Quan phòng, chùa Ông Đạo Nằm - xã Tấn Mỹ và du lịch miệt vườn - xã Bình Phước Xuân, xã Mỹ Hiệp, thu hút khách tham quan du lịch, hành hương.
Tỉnh An Giang chú trọng phát huy loại hình du lịch tham quan các di tích văn hóa, lịch sử như Di tích cấp quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, kết hợp tham quan, học tập về cuộc đời, thân thế sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng với các loại hình du lịch nông nghiệp, cộng đồng, sinh thái, các loại hình văn hóa truyền thống như đờn ca tài tử, văn hóa dân gian....
Loại hình du lịch tham quan cũng được tỉnh chú trọng đến các di tích như Di tích cấp quốc gia đặc biệt khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo, giúp du khách tham quan, nghiên cứu khảo cổ về văn hóa Óc Eo, Bảo tàng Văn hóa Óc Eo. Cùng Cụm di tích lịch sử như khu Nhà mồ Ba Chúc-Đồi Tức Dụp-căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc, huyện Tri Tôn.
Theo Vương Thoại Trung - vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]