Tóm tắt
- Chỉ tính riêng tại quận Tân Bình, trong cơn mưa trên, hầu hết các tuyến đường lớn trên địa bàn quận đều bị ngập nặng như đường Âu Cơ, Lũy Bán Bích, Đồng Đen, đặc biệt là các tuyến đường Bàu Cát 1 đến Bàu Cát 9 hầu như việc lưu thông đều bị ách tắc do ngập quá nặng.
- Theo Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM, chính quá trình phát triển đô thị nhanh đã làm thu hẹp và mất dần các thể tích chứa nước tự nhiên như ao hồ, kênh rạch và quá trình bê tông hóa đã làm giảm đáng kể diện tích thấm là nguyên nhân chính của tình trạng năm sau luôn ngập nặng hơn năm trước tại Tp.HCM.
Nhiều ý kiến từ phía các chuyên gia quy hoạch cho rằng nếu như Thành phố không có một chiến lược mang tính đột phá và những giải pháp thực thi đồng bộ thì với tốc độ biến đổi khí hậu ngày một phức tạp như hiện nay, trong tương lai không xa Tp.HCM sẽ dần chìm trong nước, không khác gì một thành phố Bangkok của Thái Lan.
Đâu đâu cũng ngập
Chỉ tính riêng tại quận Tân Bình, trong cơn mưa trên, hầu hết các tuyến đường lớn trên địa bàn quận đều bị ngập nặng như đường Âu Cơ, Lũy Bán Bích, Đồng Đen, đặc biệt là các tuyến đường Bàu Cát 1 đến Bàu Cát 9 hầu như việc lưu thông đều bị ách tắc do ngập quá nặng.
Theo quan sát của chúng tôi, dọc tuyến đường Lũy Bán Bích đang có một số dự án chung cư cao cấp đang được thi công dang dở, các cống thoát nước tại các công trình này hầu như đã không còn phát huy tác dụng, đây cũng là tình trạng dễ nhận thấy nhất tại các con đường khác.
Có mặt tại các tuyến đường chính như Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Xa lộ Hà Nội (đoạn quận 2) đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến cầu Sài Gòn … chúng ta dễ dàng chứng kiến cảnh tượng ùn tắc nghiêm trọng, nếu như không muốn nói là lưu thông hầu như bị tê liệt do tín hiệu đèn giao thông không hoặc động tại các giao lộ, nước ngập kéo dài. Người dân sống dọc hai bên đường tại các tuyến đường này phải liên tục làm “công tác” tát nước vì nước tràn sâu vào trong nhà.
Còn tại những con đường chính của các quận 3, 4, 6, 10, 12, Bình Tân, Phú Nhuận… người dân cũng phải trải qua cuộc sống thường xuyên bị ngập nước hàng chục năm qua. Mặc dù, thành phố đã công khai các chương trình, giải pháp xử lý ngập úng nhưng tình trạng năm sau ngập cao hơn năm trước vẫn liên tục tiếp diễn.
Điền hình như, tuyến đường đại lộ Võ Văn Kiệt, đoạn từ An Dương Vương đến rạch Cây bị trũng thấp cục bộ, đường Phạm Văn Đồng thường xuyên bị ứ đọng nước tại lề đường dành cho xe hai bánh khi xuất hiện triều cường hoặc mưa lớn. Hệ quả là nhiều người chạy xe hai bánh phải lấn sang phần đường dành cho xe ô tô và xe tải nặng, gây nguy hiểm cho tính mạng khi lưu thông trên đường.
Hình thành những khu vực khuyến khích đô thị hóa
Theo Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM, chính quá trình phát triển đô thị nhanh đã làm thu hẹp và mất dần các thể tích chứa nước tự nhiên như ao hồ, kênh rạch và quá trình bê tông hóa đã làm giảm đáng kể diện tích thấm là nguyên nhân chính của tình trạng năm sau luôn ngập nặng hơn năm trước tại Tp.HCM.
Một nguyên nhân khác, do tình hình kinh tế khó khăn trong những năm vừa qua nên nguồn ngân sách không đáp ứng đủ nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng các công trình chống ngập, trong khi đối với các dự án lớn đầu tư quy mô lớn vẫn còn phụ thuộc vào nguồn vốn ODA, các nhà đầu tư có năng lực tài chính bên ngoài. Mặc dù với phương châm kêu gọi xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực chống ngập, nhưng nhiều nhà đầu tư không mặn mà tham gia vì đây là lĩnh vực khó thu hồi vốn đầu tư.
Theo một nghiên cứu về giải pháp chống ngập cho Tp.HCM do Trung tâm Nghiên cứu và Quy hoạch môi trường đô thị - nông thôn thực hiện, trong qua trình kiểm soát phát triển đô thị đi đôi với chiến lược chống ngập lụt, thành phố cần thiết lập Khu vực khuyến khích đô thị hóa và Khu vực đô thị hóa có kiểm soát trên cơ sở xem xét các điều kiện đất đai như một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu, để từ đó mới có chiến lược đầu tư công trình, dự án chống ngập một cách hiệu quả và phù hợp với tình hình hiện nay.
Theo đó, Khu vực khuyến khích đô thị hóa là những khu vực có địa hình cao như khu đô thị trung tâm hiện hữu và hướng Bắc, Tây Bắc gắn với Củ Chi, Hóc Môn, dọc Quốc lộ 22 – trục xuyên Á nối với tỉnh Tây Ninh và Campuchia. Đây là những hướng phát triển kém hấp dẫn hơn các hướng khác, vì vậy cần có sự đầu tư đáng kể về mọi mặt, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông nhằm khuyến khích phát triển.
Khu vực đô thị hóa có kiểm soát là những khu vực địa hình thấp như hướng Đông Bắc gắn với Bình Dương và Đồng Nai; hướng Tây Nam dọc Quốc lộ 1 và hướng Nam, Đông Nam tiến ra biển gắn với Bình Chánh, Cần Giờ… Việc phát triển tại các khu vực này cần được thiết kế, quy hoạch một cách hết sức cẩn thận và mềm dẻo để loại bỏ những nguyên nhân gây ngập lụt.
Tp.HCM đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 69 dự án cấp bách chống ngập trong năm 2015. Trong đó, có 21 công trình đã thi công hoàn thành, 5 công trình đang được thi công và 43 dự án đang được hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]