Khu vực trước chợ Bến Thành và đường Lê Lợi nằm trong phương án xây dựng trung tâm thương mại ngầm dưới lòng đất
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, trong năm nay sẽ triển khai thi công nhà ga trung tâm Bến Thành (Q.1), đồng thời xây dựng một trung tâm thương mại - phố đi bộ ngầm bên dưới đường Lê Lợi.
Sau khi hoàn thành sẽ là “phố mua sắm dưới lòng đất” có quy mô lớn nhất tại TP.HCM sau này.
Cả nhà ga và trung tâm thương mại là hạng mục quan trọng nhất của dự án tuyến metro số 1 - Bến Thành (Q.1) - Suối Tiên (Q.9).
Bên dưới mặt đất 3m
Trong quá trình xây dựng gói thầu 1a - nhà ga trung tâm Bến Thành sẽ kết hợp triển khai thi công xây dựng trung tâm thương mại ngầm trong lòng đất đoạn từ công viên 23-9, đường Lê Lợi đến Nhà hát TP dài khoảng 700m, rộng 60m (lộ giới đường Lê Lợi) và nằm cách mặt đất khoảng 3m.
Tăng tốc tuyến metro số 1
* Gói thầu số 1a: Xây dựng nhà ga trung tâm Bến Thành và tuyến đường ngầm nhà ga này đến ga Nhà hát TP (khởi công trong năm 2015).
* Gói thầu số 1b: Xây dựng nhà ga Nhà hát TP và tuyến đi ngầm đến nhà ga Ba Son, đã khởi công tháng 7-2014.
* Gói thầu số 2: Xây dựng tuyến metro trên cao dài 17,1km, đã khởi công tháng 8-2012.
* Gói thầu số 3: Lắp đặt đầu máy toa xe. Bắt đầu thực hiện hợp đồng từ tháng 8-2013 (từ ngày 15-3 đến 16-4-2015 trưng bày mô hình đầu máy toa xe để người dân TP.HCM góp ý).
* Gói thầu số 4: Lắp đặt hệ thống công nghệ thông tin cho văn phòng công ty vận hành và bảo dưỡng, dự kiến triển khai vào năm 2017.
Ông Bùi Xuân Cường - trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM - cho biết nơi đây sẽ là một trung tâm thương mại có quy mô lớn nhất TP đặt ngầm trong lòng đất.
Đồng thời, trung tâm thương mại này cũng được coi là phố đi bộ lớn nhất trong lòng đất vì được kết nối với đường đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1) sắp đưa vào hoạt động trong dịp lễ 30-4-2015.
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP, công trình xây dựng trung tâm thương mại dưới mặt đất có diện tích 44.720m2, trong đó bố trí các cửa hàng buôn bán, dịch vụ và cơ sở hậu cần nằm ở hai bên tầng hầm có diện tích khoảng 22.600m2, phần ở giữa tầng hầm là lối đi công cộng - phố đi bộ có diện tích hơn 22.120m2.
Trung tâm thương mại trong lòng đất này sẽ mở các lối lên xuống để kết nối với chợ Bến Thành, các cao ốc và cửa hàng, trung tâm mua sắm ở hai bên đường Lê Lợi.
Như vậy, hành khách từ các tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương (Q.12), tuyến metro số 3a Bến Thành - bến xe Miền Tây (Q.Bình Tân) và tuyến metro số 4 Thạnh Xuân (Q.12) - đường Nguyễn Văn Linh (Q.7) khi đến ga trung tâm Bến Thành có thể vào phố đi bộ trung tâm mua sắm tầng ngầm, đến Nhà hát TP và sau đó dạo bộ quảng trường Nguyễn Huệ.
Không ảnh hưởng giải tỏa và cây xanh
Việc thi công trung tâm thương mại ngầm ra sao? Trả lời câu hỏi này, ông Bùi Xuân Cường cho biết biện pháp thi công là đào hở (đào từ trên xuống) trên đường Lê Lợi, trong đó đoạn đào sâu nhất là 26,8m để bố trí tuyến metro số 2, các tầng ở giữa bố trí tuyến metro số 1 và số 2 ở độ sâu 13,4-16m và tầng trên cùng bố trí trung tâm thương mại ngầm nằm cách mặt đất khoảng 3m.
Để không gây ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại và buôn bán ở hai bên đường, trong giai đoạn 1 đào một nửa mặt đường và đến giai đoạn 2 sẽ thi công tiếp phần còn lại. Trong quá trình thi công sẽ tổ chức phân luồng giao thông.
Liệu có ảnh hưởng đến giải tỏa? Theo ông Bùi Xuân Cường, ở công trình xây dựng gói thầu 1a và trung tâm thương mại không ảnh hưởng đến giải tỏa và cây xanh trên vỉa hè. Bởi vì toàn bộ mặt bằng đào ngầm trên đường Lê Lợi dài 540m nằm trong phạm vi lộ giới, sử dụng mặt bằng công viên 23-9 và mặt bằng phía trước chợ Bến Thành. Riêng các dự án xây dựng các tuyến metro khác kết nối về nhà ga trung tâm Bến Thành sẽ được tính toán cụ thể sau.
Nhiều người lo ngại tình trạng ngập nước ở TP sẽ không bảo đảm sự an toàn của trung tâm thương mại ngầm này? Theo ông Bùi Xuân Cường, thiết kế xây dựng nhà ga trung tâm Bến Thành và trung tâm thương mại ngầm do một đơn vị tư vấn Nhật Bản thực hiện, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ vốn thiết kế.
Trong đó, đơn vị tư vấn thiết kế đã tính toán đầy đủ trong việc xây dựng công trình chống ngập nước và chống động đất. “Đơn vị tư vấn thiết kế cũng tính toán bố trí hệ thống thông gió, chiếu sáng bảo đảm công trình trung tâm thương mại an toàn tuyệt đối” - ông Cường khẳng định.
Liên quan đến nguồn vốn đầu tư vào trung tâm thương mại, ông Bùi Xuân Cường cho biết tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỉ đồng. UBND TP.HCM đã giao cho các sở, ngành đề xuất cơ chế kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (Nhà nước hợp tác với tư nhân) để chọn các nhà đầu tư có năng lực.
Trong đó, Nhà nước sẽ có cơ chế chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư như lãi suất vay ngân hàng, quyền sử dụng đất... Các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia khai thác trung tâm thương mại này.
Trước đó, đã có một nhà đầu tư Nhật đề nghị với Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đầu tư xây dựng trung tâm thương mại ngầm theo hình thức PPP, trong đó Nhà nước góp 70% và nhà đầu tư góp 30%. Tuy nhiên đây mới là nhà đầu tư duy nhất và phương án tài chính cũng chưa rõ.
Nhà ga kết nối nhiều tuyến metro
Theo ông Bùi Xuân Cường, trung tâm thương mại ngầm là một hạng mục nằm trong công trình xây dựng nhà ga trung tâm Bến Thành thuộc gói thầu 1a “Xây dựng đoạn ngầm từ nhà ga Bến Thành (phía trước công viên 23-9 và chợ Bến Thành) đến nhà ga Nhà hát TP”. Đây là gói thầu cuối cùng của dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7km.
Do đây là nhà ga trung tâm nên các cơ quan chức năng đã mất rất nhiều thời gian bàn bạc về thiết kế nhằm đáp ứng yêu cầu kết nối các tuyến metro khác, hạn chế thấp nhất các bất cập do thi công không đồng bộ.
Cụ thể nhà ga trung tâm Bến Thành được xây dựng có độ sâu 26,8m, dưới lòng đất gồm bốn cấu phần chính: tầng B1 là tầng thương mại ngầm nằm cách mặt đất khoảng 3m; tầng B2 là ke ga (nơi khách đi hoặc đến) trong đó xây dựng tuyến metro số 1 nằm song song với ke ga tuyến metro số 4; tầng B3 là tầng trung chuyển khách và tầng B4 là ke ga tuyến metro số 2 cách mặt đất 26,8m. Như vậy, hành khách từ nhà ga trung tâm Bến Thành có thể chọn các hướng đi về các cửa ngõ TP hoặc đến bến xe Miền Tây, bến xe Suối Tiên (sau này sẽ dời bến xe Miền Đông về đây).
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP, tiến độ xây dựng công trình nhà ga trung tâm Bến Thành được chia làm hai giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1 2015-2018 xây dựng hoàn chỉnh nhà ga và đoạn đi ngầm bên đưới đường Lê Lợi của tuyến metro số 1, xây dựng phần kết cấu ngầm của tuyến metro số 2 và tuyến metro số 4 trong phạm vi nhà ga trung tâm. Giai đoạn 2 2018-2023 xây dựng hoàn chỉnh phần còn lại của nhà ga đường sắt tuyến đô thị số 2 và tuyến metro số 4 và xây dựng khu thương mại ngầm.
Mua sắm không lo nắng, mưa
Theo ông Lê Quốc Bình - tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM - CII, việc xây dựng trung tâm thương mại trong lòng đất gắn liền với nhà ga metro ở trung tâm TP.HCM sẽ tạo điều kiện hấp dẫn hành khách đi metro và đi mua sắm.
Bởi vì ở nhiều nước trên thế giới đều xây dựng nhà ga metro ngầm ở trung tâm TP kết nối với trung tâm thương mại nhằm tạo sự hấp dẫn cho hành khách. Với quy mô đầu tư khoảng 7.000 tỉ đồng xây dựng trung tâm thương mại là số vốn khá lớn.
Do đó, khi TP có cơ chế, chính sách đầu tư theo hình thức PPP và theo quy định sẽ đấu thầu, CII sẽ tính toán hiệu quả đầu tư vốn xây dựng trung tâm thương mại này.
Không chỉ trung tâm thương mại ở nhà ga trung tâm, tuyến metro số 1, có đoạn đi ngầm dài 2,6km cũng đang được một số nhà đầu tư quan tâm. Hiện nay Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) cùng hợp tác với Samco để nghiên cứu phát triển những dự án xung quanh ga Suối Tiên.
Trong chuyến đến làm việc tại TP.HCM đầu tháng 3-2015, công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại VN Katsuro Nagai cho rằng những dự án ngầm nên được triển khai song song với công trình khu vực nhà ga trung tâm Bến Thành, đảm bảo mang lại hiệu quả kinh tế cũng như không để ảnh hưởng đến vấn đề môi trường.
Theo nhà quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng, việc phát triển các công trình, dịch vụ trung tâm thương mại ngầm tốt cho cả người dân lẫn nhà đầu tư. Các trung tâm thương mại ngầm này thu hút khách đến tham quan, mua sắm nên tạo ra một lượng người đáng kể sử dụng hệ thống metro.
Mặt khác, chính sự sôi động các dịch vụ xung quanh bến tàu điện ngầm làm cho khu vực nhà ga an toàn hơn. Nếu việc xây dựng trung tâm thương mại dưới lòng đất được đầu tư một cách khoa học, bài bản sẽ tạo ra sự thuận tiện cho người dân trong việc đi mua sắm và do đó khuyến khích họ sử dụng metro.
Ở các nước, trung tâm thương mại dưới lòng đất nối liền các ga tàu điện ngầm còn thu hút một lượng khách du lịch đáng kể đến trải nghiệm và mua sắm.
Không chỉ tiết kiệm được thời gian di chuyển, mua sắm ở đây còn không bị ảnh hưởng bởi thời tiết nắng, mưa nên sôi động không kém các trung tâm thương mại truyền thống trên mặt đất.
Người mua sắm có thể tìm thấy tất cả các thứ từ quần áo, giày dép đến đồ gia dụng, thậm chí những điểm tham quan văn hóa, trung tâm giải trí...
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]