Tuy nhiên, chừng nào chưa hạ giá thật sự, những căn hộ này khó lòng được người dân để mắt tới.
Mang dự án vào sân bay
Tại nhà chờ lên máy bay ở sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) có hẳn một mô hình dự án BĐS với đầy đủ thông tin sản phẩm của Cty Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang. Có lẽ đơn vị này nhận biết khách đi máy bay tức là hạng có tiền. Tuy nhiên, theo quan sát của PV, không nhiều quan tâm tới mô hình đặt trong hộp kính ngay vị trí có nhiều người qua lại.
Giới đầu tư BĐS Hà Nội thời gian gần đây bất ngờ với chiêu rao vặt của dự án thuộc hàng cao cấp tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Dự án nằm trong quần thể kết hợp với trung tâm mua sắm, bệnh viện, trường học. “Chào bán căn diện tích khoảng 50m2, giá 1,7 tỷ với những khuyến mãi, như miễn phí dịch vụ 10 năm; tặng suất học bổng, gói chăm sóc sức khỏe... rất hấp dẫn. Tuy nhiên, mật độ chung cư đang là vấn đề”, anh Nguyễn Minh (Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) nói.
Nhiều dự án cao cấp tại TP HCM lại có cách tiếp thị khá độc chiêu. Đình đám nhất trong việc liên kết với người nổi tiếng có Novaland Group. Đơn vị này thông tin ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng quyết định bỏ vốn vào BĐS với 2 căn hộ. Chưa hết, sau Mr Đàm lại đến ca sĩ Lam Trường mua căn hộ Tropic Graden tại quận 2. “Mờ xi” Bình Minh và ca sỹ Mỹ Linh trở thành khách hàng dự án Tropic Garden, The Prince Residence (Quận 2, TPHCM). Mới đây, ca sĩ Bằng Kiều đã mua cùng lúc 2 căn nhà tại chung cư Lexington được Novaland đầu tư.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho biết, việc mượn người nổi tiếng quảng bá cho dự án giúp hình ảnh của doanh nghiệp được truyền tải thông qua quan hệ cộng đồng và dễ gây dựng lại lòng tin.
Tuy nhiên, ông Châu thừa nhận, dù quảng cáo “độc” thế nào vẫn khó tránh thực tế phũ phàng: “90% tồn kho BĐS nằm ở phân khúc cao cấp. Khó sôi động bởi dân đầu cơ mua đi bán lại nhiều và lệch pha cung cầu trên thị trường BĐS”, ông Châu nói.
Ế quyết không hạ giá
Dự án văn phòng và nhà ở Euro Window (Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội) bàn giao nhà từ đầu năm 2013, nhưng nay vẫn thưa thớt người ở. Đại diện chủ đầu tư cho biết, hiện đã bàn giao nhà cho 1/3 khách hàng.
Nằm tại vị trí “vàng” trên đường Trần Duy Hưng, nhưng các căn hộ vẫn khó được thị trường hấp thụ bởi giá bán trên 30 triệu đồng/m2. Để sở hữu căn hộ diện tích nhỏ nhất (70m2) tại đây, khách hàng phải bỏ ra hơn 2 tỷ đồng; trong khi tòa nhà bị nhiều khách hàng chê không có ban công.
“Căn hộ diện tích lớn khó bán vì giá cao. Người có nhu cầu thực và dân đầu tư khó xuống tiền với mức giá trên 3 tỷ đồng/căn hộ”, anh Nguyễn Minh, nhân viên Sàn BĐS 24h nói.
Cũng nằm trong tình trạng trên, nhiều chung cư cao cấp ở Hà Nội thưa thớt người ở, như: Dự án Mardarin Hòa Phát (Đông Nam Trần Duy Hưng), Mulberry Lane (Văn Khê, Hà Đông), Indochina Plaza (XuânThủy, Cầu Giấy)... với giá giao động từ 31 - 35 triệu đồng/m2. Các căn hộ không bán được tập trung ở diện tích trên 100m2. Tuy nhiên, đề cập đến vấn đề giảm giá, nhiều sàn giao dịch lắc đầu.
Ngoài ra, những dự án đang thi công vẫn “neo” giá cao, như: Dự án Thăng Long number 1 (Đại Lộ Thăng Long, Hà Nội), Golden land (Nguyễn Trãi, Hà Nội), Starcity (Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội)...
Một giám đốc kinh doanh BĐS Hà Nội phân tích, sở dĩ thời điểm này dù ế, nhưng chủ đầu tư quyết không hạ giá vì sợ mất hình ảnh.
“Chủ đầu tư đã gắn mác chung cư cao cấp nên không dễ dàng hạ giá. Thay vào đó, họ tung chiêu khuyến mãi, như: Tặng xe máy, nội thất, chuyến du lịch nước ngoài... Chung cư cao cấp đang dư thừa nguồn cung. Để hấp thụ hết hàng tồn và những dự án đang dở dang, mất ít nhất 10 năm nữa”, vị giám đốc này nói.
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]