Một góc thành phố Vũng Tàu. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Tuấn Minh cho biết từ năm 2009 về trước, tốc độ tăng trưởng của địa phương không dưới hai con số nhưng 5 năm vừa qua Bà Rịa-Vũng Tàu hết sức khó khăn.
Tuy nhiên, năm qua tỉnh đã lấy lại tốc độ tăng trưởng ở mức 6,73%, cao hơn so với hai năm liền kề trước đó mặc dù sự chuyển động vẫn còn chậm.
Đáng chú ý, xuất khẩu vẫn là điểm sáng với con số xuất khẩu dầu khí đạt gần 3 tỷ USD, tốc độ tăng 37%. Đây cũng là tín hiệu tốt giúp tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Bà Rịa-Vũng Tàu có dấu hiệu tăng mạnh trở lại, cùng đó, số vốn trong doanh nghiệp cũng tăng đáng kể.
Từ thực tế của địa phương, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh quy hoạch xây dựng tốt chính là yếu tố thu hút các nhà đầu tư vào địa phương bởi nó đóng vai trò trụ cột với tầm nhìn dài hạn. Vũng Tàu là đô thị được quy hoạch đẹp, được nghiên cứu để hình thành các khu vực phát triển, quản lý theo quy hoạch và kế hoạch.
Theo báo cáo của tỉnh, hiện Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức lập và phê duyệt khoảng 417 đồ án quy hoạch xây dựng, trong đó có một đồ án quy hoạch vùng tỉnh, 12 đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị, 49 đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000 các khu trung tâm đô thị, khu dân cư, du lịch, công nghiệp...
Về cơ bản, các đồ án quy hoạch được duyệt đều có chất lượng tốt, đảm bảo đáp ứng những yêu cầu phát triển đồng bộ và toàn diện.
Theo bà Trần Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kiến trúc-Quy hoạch, nhận xét với con số gần 500 đồ án quy hoạch, Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước với nhiều quy hoạch phân khu rất tốt; tỷ lệ phủ kín quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu tới 70%.
Thẳng thắn trao đổi, Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Tuấn Minh cho rằng điểm nghẽn của Bà Rịa-Vũng Tàu là hệ thống giao thông kết nối giữa cảng Thị Vải-Cái Mép với nhóm cảng biển số 5 phía Nam Việt Nam do không triển khai thông suốt được tinh thần Nghị quyết 53 của Chính phủ.
Cảng nước sâu tự nhiên độ sâu trung bình 17-18m, dự định xây dựng để di chuyển tất cả các cảng Thành phố Hồ Chí Minh ra. Nhiều nhà đầu tư đã vào đầu tư rất lớn về bến cảng, cầu cảng nhưng gặp khó khăn do triển khai chậm. Cùng đó, đường cũng không được kết nối, vì vậy rất khó khi kêu gọi đầu tư.
Hệ thống hạ tầng của Việt Nam cũng còn đang rất thiếu đồng bộ, là điểm nghẽn của quá trình phát triển - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thừa nhận.
Kết nối hạ tầng giao thông khu vực cảng là hậu cần của nền kinh tế nhưng nếu không đầu tư tập trung thì sẽ lãng phí, không hiệu quả.
"Hiện chúng ta đang đầu tư theo bề rộng, năm 2014 cả nước dành 1,2 triệu tỷ đồng cho phần việc này. Nếu bố trí đúng chỗ thì phát huy hiệu quả tốt, làm cho ICOR tăng lên. Đây là bài toán rất khó đang cần giải quyết," Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng phân tích./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]