Xuất khẩu thịt lợn là một trong những nội dung quan trọng của ngành nông nghiệp. Sau 20 năm nỗ lực, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có sức sản xuất lợn lớn. Trong tổng số 4 triệu con lợn nái, Việt Nam cũng đã sở hữu những cặp gen tốt nhất với 55% được sản xuất quy mô tập trung.
Vậy tại sao 1 ngành tăng trưởng nhanh như vậy nhưng lại ẩn chứa đầy rủi ro? Đỉnh điểm là tháng 4 vừa qua, nông dân Việt Nam tập trung giải cứu lợn và họ phải chịu thiệt thòi rất lớn. Phát biểu tại "Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu thịt lợn Việt Nam", ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong 3 khâu của ngành hàng bao gồm khâu tổ chức sản xuất, khâu chế biến và khâu tiêu thụ, ngành lợn mới làm được khâu sản xuất. Hai khâu "yết hầu" còn lại Việt Nam đang rất yếu. Cả nước có khoảng hơn 2.000 lò mổ nhưng đa số là thủ công. Kết cấu tiêu thụ con lợn chủ yếu ở chợ truyền thống nên khó có thể thích ứng với xu thế thị trường.
Cả nước có khoảng 4 triệu tấn lợn hơi nhưng xuất khẩu 1 năm chỉ đạt hơn 20.000 tấn.
Bộ trưởng cho rằng để ngành lợn phát triển bền vững, hiệu quả thì cần phải cơ cấu lại. Theo đó, ngành chăn nuôi, chế biến lợn cần từng bước thực hiện theo mô hình chuỗi ở 3 cấp độ: Đối với những doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn cần phải tập trung vào xuất khẩu lợn. Ở quy mô vừa, các doanh nghiệp tập trung nhu cầu thịt lợn trong nước. Ở cấp độ thứ 3, bộ đang cùng các tỉnh, các ngành, địa phương tập trung phát triển con giống đặc sản Việt Nam, gắn với chuyển đổi sang sử dụng thức ăn hữu cơ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh rằng vấn đề kiểm soát bệnh dịch lở mồm long móng vẫn còn nhức nhối do diễn biến bệnh phức tạp và phát tán nhanh.
Nhu cầu tiêu dùng thịt lợn trên thế giới đang tăng. Đặc biệt là những nước xung quanh Việt Nam có tiềm năng tiêu thụ thịt rất lớn như Hàn Quốc là 0,6 triệu tấn và Nhật Bản là 1,6 triệu tấn và đang có xu hướng gia tăng. Thế nhưng, Việt Nam vẫn chưa thể xuất khẩu thịt lợn sang thị trường Hàn Quốc do chưa được Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) công nhận sạch bệnh lở mồm long móng nên chưa đủ điều kiện để nước này tiến hành đánh giá rủi ro nhập khẩu đối với thịt lợn.
Tuy nhiên, qua những gì Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bày tỏ sự lạc quan về khả năng Việt Nam có thể đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của các thị trường khó tính như Nhật Bản và Hàn Quốc. Tất cả sẽ phụ thuộc vào hành động quyết liệt từ 3 cấp. Cấp đầu tiên là cấp chính phủ, cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Bộ Công Thương vào cuộc tổ chức chỉ đạo an toàn dịch bệnh, thủ tục xuất khẩu. Cấp thứ 2 là nhóm doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải là hạt nhân cùng bà con nông dân kết hợp trong việc sản xuất và đảm bảo đầu ra cho thịt lợn. Cấp thứ 3 là hộ nông dân và hợp tác xã cùng thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp nhằm sớm đưa mặt hàng đang gặp khó khăn này sang thị trường nước ngoài.
Sau diễn đàn, Bộ trưởng yêu cầu rà soát 5 tỉnh Đông Nam Bộ, các tỉnh đồng bằng sông Hồng, rà soát các chương trình an toàn dịch bệnh. Đồng thời Bộ chỉ đạo cơ quan thú y quyết liệt trao đổi thủ tục hành chính thú y với các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm cập nhật tình hình tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]