Uber Việt Nam mới đây đã ra thông báo kể từ ngày 20/1/2018, Uber tại Hà Nội sẽ áp dụng chính sách quản lý chất lượng bao gồm tỷ lệ nhận chuyến và hủy chuyến. Việc đối tác lái xe không nhận chuyến hay hủy chuyến nhiều dẫn đến trải nghiệm không tốt cho khách hàng.
"Nhằm cải thiện và đảm bảo chất lượng ở thành phố Hà Nội, các đối tác hãy chấp nhận các yêu cầu gọi xe khi trực tuyến và hoàn thành tất cả các chuyến đi đã nhận", phía Uber Việt Nam nêu rõ đồng thời cảnh báo việc để trôi tín hiệu yêu cầu chuyến đi có thể khiến tài khoản của lái xe tạm thời bị vô hiệu hóa.
Nhiều tài xế Uber điêu đứng khi thu nhập bị hạn chế, nhiều tuyến phố cấm không thể hoạt động
Liên quan đến khuyến cáo mới nhất vừa được Uber Việt Nam đưa ra, theo tìm hiểu của PV, giữa bối cảnh giới tài xế đang đề nghị giảm chiết khấu (từ 25-28% xuống còn 15% để chia sẻ khó khăn khi Hà Nội cấm hoạt động tại 13 phố giờ cao điểm - PV) chưa được phản hồi, thì việc Uber ra thêm yêu cầu “hãy chấp nhận các yêu cầu gọi xe” càng gây thêm khó khăn, bức xúc cho cộng đồng tài xế.
“Nếu khách đang ở tuyến phố cấm trong giờ cao điểm, chúng tôi không thể vào đón, phải hủy chuyến thì chúng tôi cũng bị ảnh hưởng hay sao? Uber thừa hiểu điều này nhưng lại ra thêm quy định vô lý như vậy”, anh Huy, một tài xế Uber bức xúc.
Anh Tuấn, một tài xế chạy dịch vụ Uber được 6 tháng nay cho rằng khuyến cáo của Uber cũng chung chung, không nêu rõ tỷ lệ hủy chuyến bao nhiêu % thì khóa tài khoản, khiến tài xế khó xử lý các tình huống do khách quan tác động như khách đang ở tuyến phố bị cấm trong giờ cao điểm, hoặc khi đến nơi đón mới biết khách sẽ đi vào tuyến phố cấm, khách gọi xe ở cách xa vài km khi đường tắc...
“Thực tế từ sau hôm 11/1/2018, tôi đã gặp phải những hành khách đặt xe đi vào tuyến phố cấm, khi đó không còn cách nào khác là đành phải từ chối chở. Đó là chưa kể có những chuyến tôi phải đi đường vòng để tránh phố cấm, tốn xăng xe, đường đông đúc mệt mỏi mà thu nhập không được bao nhiêu”, một tài xế nói.
Chung quan điểm, rất nhiều tài xế trên các trang mạng xã hội của cộng đồng Uber, Grab trong nước cho hay với hàng loạt khó khăn đang gặp phải, việc Uber Việt Nam ra thêm khuyến cáo “nắn gân” này thể hiện hãng không chia sẻ với hoàn cảnh của cánh tài xế, khiến họ khó khăn chồng chất, nguy cơ vỡ nợ đang hiển hiện trước mắt.
"Nếu vi phạm quy định như Uber đề ra, nguy cơ sẽ có rất nhiều người bị khóa tài khoản, mất việc làm trong khi tiền nợ ngân hàng mua xe, tiền lo trang trải cho cuộc sống gia đình vẫn phải lo hàng ngày", anh Tuấn, người đang chạy chiếc Hyundai i10 trả góp ngân hàng 5 năm nói.
Trước việc khó khăn chồng chất như vậy, nhiều tài xế đang phải đi vay tiền mua xe cho hay họ đã nhìn thấy nguy cơ mất việc, vỡ nợ ngay trước mắt. Không ít người tính chuyện chỉ chạy cố qua Tết "kiếm cho con nồi bánh chưng" rồi bán xe trả nợ ngân hàng, tìm công việc khác vì chạy Uber, Grab không hề đem lại thu nhập cao như họ lầm tưởng.
Đến thời điểm hiện nay, phía Uber Việt Nam vẫn chưa có buổi đối thoại chính thức với cộng đồng tài xế đối tác liên quan đến đề nghị giảm chiết khấu.
Trong khi đó, hôm 18/1, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết việc thí điểm cấm Uber, GrabTaxi giờ cao điểm tại 13 tuyến phố tại Hà Nội được thực hiện trong 1 tháng, từ 11/1 đến 11/2/2018. Trong 10 ngày đầu, cảnh sát giao thông chỉ nhắc nhở những lái xe vi phạm, tuy nhiên sau 10 ngày sẽ tiến hành xử phạt.
Cũng đáng chú ý, trước khi gửi khuyến cáo đến đối tượng tài xế đối tác, phía Uber Việt Nam cũng đã gửi đến hành khách về việc kể từ ngày 11/1/2018, Sở GTVT Hà Nội ra quyết định thí điểm hạn chế lưu thông xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi tại một số khu vực trong thành phố.
Để đảm bảo trải nghiệm đặt xe được suôn sẻ đối với cả hành khách và đối tác tài xế (áp dụng cho các dòng sản phẩm UberX, UberBLACK, UberSUV), Uber hi vọng mọi người sẽ tránh đặt điểm đón tại những cung đường và khung giờ nói trên hoặc di chuyển đến điểm đón hợp lý gần nhất, nhằm hỗ trợ và đảm bảo cho các đối tác tài xế Uber có thể tuân thủ đúng luật định của thành phố Hà Nội.
|