5 ngày sau khi hàng trăm tài xế tập trung phản đối Uber, Grab, sự việc có phần lắng xuống. Một số tài xế cho biết đã bị tắt app, cô lập không hoạt động được. Phía Grab cũng gửi thư điện tử cảnh báo, xem xét ngưng hợp đồng vĩnh viễn với các tài xế phản đối, các trường hợp xúi giục phản đối, vì cho đây là hành vi vi phạm quy tắc ứng xử.
Hãng không hồi âm, tài xế tiếp tục đấu tranh
Nhiều tài xế đã trở lại công việc bình thường. Nếu đi một cuốc xe nào đó của Uber, Grab, đặt câu hỏi về vụ việc phản đối hãng, nhiều tài xế coi đó không phải là chuyện của mình.
Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi về vấn đề chiết khấu, sự thua thiệt trong quan hệ đối tác với Uber, Grab, nhiều tài xế thừa nhận có thấy bóng dáng mình trong đó.
Ở một hướng khác, một nhóm khoảng 200 tài xế vẫn tiếp tục kiên trì “đấu tranh” với hãng. Hình thức đấu tranh được lựa chọn vẫn là yêu cầu đối thoại và đàm phán để đạt được một số thỏa thuận. Tuy nhiên, cuộc đối thoại dự kiến vào ngày 18/1 mà Grab đã cam kết với tài xế trước đó không diễn ra, tài xế không nhận được hồi âm từ hãng.
Hiện nhóm này tiếp tục thực hiện đấu tranh chủ yếu trên các trang mạng xã hội, kêu gọi giới tài xế đồng lòng để đạt được thỏa thuận giữa hai bên.
Chiều 19/1, trao đổi với Zing.vn, một tài xế xin được giấu tên, chia sẻ thêm về mục đích đấu tranh với hãng. Anh là một trong 5 người được mời vào trụ sở Grab để đối thoại ngày 15/1. Anh cho biết những ngày qua, bản thân bị cô lập vì nhiều người không ủng hộ việc đấu tranh.
"Ngay trong những người cùng tham gia phản đối trước đây cũng quay lại phản ứng tôi vì cho rằng làm ảnh hưởng đến công việc của họ. Rồi các diễn đàn, hội nhóm cũng khóa tài khoản, xóa những thông tin, chia sẻ của tôi về các kiến nghị, yêu cầu Uber, Grab giảm chiết khấu. Tôi không được chia sẻ dù đang đấu tranh vì quyền lợi của chung các tài xế", anh nói.
Hiện tại anh đang tạm dừng công việc chạy Grab. Anh cùng một số đồng nghiệp có gửi một bản kiến nghị dài gần 10 trang để yêu cầu cả Uber, Grab điều chỉnh một số vấn đề. Anh tóm lược 4 yêu cầu chính mà nhóm đã gửi các hãng.
Theo đó, yêu cầu Grab, Uber hạ mức chiết khấu xuống 15%, áp dụng mức chiết khấu đồng đều trong số tất cả các tài xế. Ngoài ra, Grab, Uber cũng cần giải thích rõ ràng về cách tính thuế, số tiền đóng thuế sau mỗi chuyến đi. Các hãng cũng cần xác lập lại hợp đồng với đối tác, để quy định rõ ràng quyền lợi và trách nhiệm giữa các bên.
Nhóm cũng yêu cầu các hãng cần lắng nghe tài xế, đặc biệt xem xét là việc khi có bất cứ một phản hồi tiêu cực nào của khách hàng là khóa tài khoản của tài xế mà không báo lý do. Điều này gây cho tài xế nhiều khó khăn và không công bằng.
Về thời gian tiến hành đối thoại, anh cho biết bản thân cũng không chắc chắn, bởi vẫn chưa tìm được tiếng nói chung với Uber, Grab. Các hãng đã không hề có bất cứ phản hồi gì với tài xế vào hiện tại.
Hợp tác xã vận tải cũng thừa nhận mức chiết khấu gây bức xúc
Cũng liên quan đến việc tài xế Uber, Grab kéo đến trụ sở hãng để phản đối, anh Nguyễn Xuân Sơn, đại diện hợp tác xã Hợp Nhất, đơn vị đang có khoảng 6.000 xe tại Hà Nội và TP.HCM tham gia chạy xe hợp đồng điện tử, có những chia sẻ với Zing.vn.
Theo anh Sơn, tỷ lệ chiết khấu mà các hãng áp dụng với tài xế không công bằng. Nhiều lái xe bị thu chiết khấu cao, khó có thu nhập đảm bảo để trả nợ tiền mua xe. Đây là những mâu thuẫn lớn nhất, dẫn đến sự việc trên.
Anh Sơn nhắc lại vào thời điểm tháng 6/2017, Uber nâng chiết khấu với tài xế gia nhập từ thời điểm đó là 25%. Tiếp sau đó, tháng 10/2017, Grab cũng làm tương tự. Mục đích được các hãng này giải thích là hạn chế số phương tiện gia tăng thêm vào hãng.
Các hợp tác xã cho rằng hành động phản đối của tài xế là tự phát nhưng xuất phát từ tỷ lệ chiết khấu cao và không công bằng. Ảnh: Duy Anh.
Như vậy, cùng một hãng nhưng tài xế lại chạy theo các mức chiết khấu khác nhau. Những tài xế chịu mức 20% có vẻ “dễ thở” hơn và không có nhiều ý kiến phản đối. Tuy nhiên, với những tài xế chịu mức 25% trở lên là một áp lực lớn và đa phần tài xế bức xúc, dẫn tới biểu tình phản đối hãng là những tài xế chịu mức chiết khấu 25%.
“Họ vừa phải chạy kiếm thu nhập, vừa phải có tiền trả nợ mua xe, vừa phải trả chiết khấu cao cho hãng. Tính cả phần thu thêm thuế thì đến gần 30% khiến nhiều anh em bức xúc”, anh Sơn phân tích.
Tuy nhiên, lãnh đạo hợp tác xã này phủ nhận việc tài xế tham gia biểu tình bị khóa tài khoản vĩnh viễn.
“Tôi cho rằng Uber, Grab đều đã giải thích khá rõ ràng. Khi tài xế đến với hãng, họ có nhấn mạnh mức chiết khấu cao. Nếu tài xế chấp nhận thì làm, không chấp nhận thì từ chối. Qua đây chúng tôi thấy nhiều anh em không tính toán kỹ lợi ích kinh tế khi tham gia chạy xe”, anh Sơn nói thêm.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc hợp tác xã Toàn Cầu, đơn vị cũng có hàng nghìn xe chạy cho Uber, Grab, cho rằng đã đề xuất việc giảm trừ gia cảnh cho các tài xế để có mức chiết khấu “dễ chịu hơn”.
Ông Tuấn cũng nói sẽ có văn bản gửi Uber, Grab để yêu cầu đối thoại, cũng như đòi hỏi những quyền lợi chính đáng cho đội ngũ tài xế. Vị này cũng từ chối chuyện tài xế bị khóa tài khoản do biểu tình. "Chỉ có những tài xế vi phạm quy định về dịch vụ, tác nghiệp của hãng mới bị khóa vĩnh viễn", ông Tuấn nói.
Nhiều mức chiết khấu là chuyện bình thường
Ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch hiệp hội vận tải Hà Nội, tiếp tục cho rằng những mâu thuẫn ngày càng lên cao giữa tài xế Uber, Grab dẫn đến những cuộc biểu tình như thời gần đây là tất yếu. Ông cũng chỉ ra vấn đề người lao động khó có sự gắn kết ở loại hình vận tải mới này, do đó không tìm được tiếng nói chung với các hãng.
Để giải quyết những mâu thuẫn hiện nay, ông Liên đề xuất cần có bàn tay của Nhà nước trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý. Cơ chế chính sách cũng làm rõ hơn về mối quan hệ đối tác, tạo cơ sở pháp lý để tài xế và hãng ràng buộc trách nhiệm, làm rõ quyền lợi các bên.
Không phản hồi yêu cầu đối thoại của tài xế, Grab gửi cho đối tác thông báo ngưng hợp tác với các tài xế được cho là gây náo loạn trụ sở.
Ông Trần Bằng Việt, Chủ tịch Liên đoàn các nhà lãnh đạo và doanh nhân trẻ toàn cầu (JCI) tại Việt Nam, lại nhấn mạnh mối quan hệ tài xế và hãng không phải là câu chuyện của người lao động với ông chủ.
“Không nên có khái niệm người lao động trong mô hình của họ. Bản thân người lái xe là đối tác của hãng, ăn chia với nhau trên tỷ lệ hoa hồng, doanh thu”, ông Việt nói.
Về việc có nhiều mức chiết khấu khác nhau, ông Việt cho rằng đó là chuyện bình thường trên thị trường.
“Chính sách thay đổi theo thời gian, tồn tại nhiều mức chiết khấu khác nhau cho các đại lý khác nhau, đối tác khác nhau là chuyện bình thường. Doanh nghiệp họ ký hợp đồng với đối tác vào trước, người vào sau với tỷ lệ khác nhau là chuyện bình thường. Nếu phản đối, thì chuyện phụ cấp theo thâm niên hiện nay cũng bị mang ra mổ xe”, ông Việt nói.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Khắc Giang, Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), lại nói nếu không có hợp đồng lao động thì nên có một phương án, công cụ chính sách nào đó đảm bảo quyền lợi của tài xế.
Ông đề xuất có thể yêu cầu trích một phần lợi nhuận của Grab, Uber tính theo từng cuốc xe, hoặc doanh thu hàng tuần, hàng tháng để cho vào quỹ thất nghiệp, quỹ bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Về mặt lâu dài, chuyên gia này đề xuất cần có tổ chức đại diện cho những người freelancer (người làm việc tự do). Điều này giúp họ có tổ chức đại diện quyền lợi cho mình khi xảy ra vấn đề như kiện tụng, hoặc khi gặp vấn đề với hãng. Tổ chức đó cũng đảm bảo tiếng nói của tài xế được bảo vệ trong đàm phán chính sách, đàm phán các hoạt động liên quan đến quyền lợi của mình.