Đã từ lâu Lê Đông Khê nổi tiếng ngọt thơm được biết đến là đặc sản Cao Bằng lừng danh khắp chốn. Lê Đông Khê được xem làm sản vật quý của núi rừng là niềm tự hào của người dân Cao Bằng.
Đông Khê là một địa danh gắn liền với một chiến thắng vang dội của quân và dân ta thời kháng chiến chống Pháp năm 1950 (Chiến dịch biên giới Đông Khê, Cao Bằng - 1950 ). Vùng đất này có điều kiện thời tiết vô cùng thích hợp cho một loại cây trồng cho quả ngọt mát, thơm ngon để trở thành đặc sản trái cây nổi tiếng của tỉnh Cao Bằng. Đó là quả lê. Đã từ lâu Lê Đông Khê nổi tiếng ngọt thơm được biết đến là đặc sản Cao Bằng lừng danh khắp chốn. Lê Đông Khê được xem làm sản vật quý của núi rừng là niềm tự hào của người dân Cao Bằng.
Đặc sản núi rừng: Lê Đông Khê Cao Bằng
Lê Đông Khê là cây ăn quả dài ngày. Nếu nắm chắc kỹ thuật trồng và chăm bón, sau khi trồng khoảng 6 - 7 năm, cây lê bắt đầu bói quả. Tuổi khai thác của giống lê Đông Khê rất cao, kéo dài tới vài chục năm, thậm chí trồng ở vùng đất tốt có thể cho hoạch hàng trăm năm. Theo thống kê, tổng diện tích lê tại Cao Bằng hiện nay là 131,81ha, trong đó có 82,24ha cho thu hoạch với năng suất 3,18 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 260 tấn.
Tại Cao Bằng, cây lê được trồng chủ yếu ở các huyện Thạch An, Trà Lĩnh, Bảo Lạc, Nguyên Bình, Hà Quảng… Trong đó Lê Đông Khê được trồng ở Thạch An là nổi tiếng nhất. Nó là loại lê ngon nhất trong các loại lê ở Cao Bằng. Hiện nay, huyện Thạch An có gần 10 ha lê giống địa phương, tương đương với khoảng 4.000 cây được trồng chủ yếu ở xã Lê Lai và thị trấn Đông Khê. Tuy nhiên, tỷ lệ cho quả và chất lượng chỉ chiếm khoảng 70% tổng số cây; 30% còn lại mới được gây giống hoặc cây đã già, thoái hóa, không ra quả.
Lê Đông Khê có vị ngọt, thơm và chát đặc trưng. Quả lê to, khi ăn cảm nhận vị ngọt thanh mềm nhưng lại giòn. Quả Lê chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, có lợi cho tiêu hóa và sức khỏe. Năm 2012, Lê Đông Khê lọt vào top 50 trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam do Tổ chức kỷ lục Việt Nam bình chọn. Vào khoảng tháng 6-7 âm lịch là mùa lê Đông Khê thu hoạch. Khắp Đông Khê tràn ngập mùi thơm quyến rũ của lê. Người dân Đông Khê vui mừng vì loại quả quý của họ được thị trường ưa chuộng. Đến vụ lê không có đủ để bán. Lái buôn tới tận vườn để thu mua. Giá thu mua bình quân khoảng 50 nghìn - 70 nghìn đồng/kg. Những quả đẹp, có trọng lượng từ 0,4 kg trở lên có thể bán với giá từ 90 nghìn - 100 nghìn đồng/kg, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Nhận thấy những ưu thế nổi trội của Lê Đông Khê ở Cao Bằng, tuy nhiên diện tích năng suất lại còn thấp, cây lại đang trong tình trạng thoái hóa, chính quyền và người dân nơi đây đang nỗ lực để bảo tồn và phát triển đặc sản trái cây quý này.
Để bảo tồn, gìn giữ và từng bước nâng cao sản lượng, chất lượng của sản phẩm lê Cao Bằng, Sở Khoa học và Công nghệ Cao Bằng đã ký hợp đồng nghiên cứu, thực hiện nhiều đề tài, dự án, như dự án “Phục tráng, bảo tồn và phát triển cây lê huyện Trà Lĩnh”. Đặc biệt, để hạn chế nguy cơ thoái hóa và mai một giống cây có chất lượng, năm 2014 Sở Khoa học và Công nghệ đã ký hợp đồng nghiên cứu thực hiện đề tài “Khai thác và sử dụng nguồn gene lê Đông Khê, lê Bảo Lạc, lê Nguyên Bình” với Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau quả Gia Lâm thuộc Viên Nghiên cứu Rau quả Trung ương.
Qua 2 năm triển khai, đến nay đề tài đã điều tra, đánh giá về thực trạng sản xuất giống, kỹ thuật canh tác, biện pháp thâm canh, qua đó nâng cao năng suất, phẩm chất lê. Sản phẩm lê Cao Bằng đã trở thành một trong những đặc sản địa phương, có thế mạnh và tiềm năng cạnh tranh trong nền nông nghiệp của tỉnh.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]