Câu hỏi mà ĐB Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) đặt ra trong phần ý kiến của mình tại phiên thảo luận tại hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước 2013 chiều 28/5, cũng là mối băn khoăn chung của đa số các ĐBQH.
Dự toán thấp, chi tăng vọt
Theo báo cáo Chính phủ về quyết toán NSNN 2013, dự toán thu NSNN 816.000 tỷ đồng, nhưng con số quyết toán lên tới 828.348 tỷ đồng, tăng 1,5% (tương đương 12.348 tỷ đồng) so với dự toán, chủ yếu do tăng thu từ dầu thô và tăng thu tiền sử dụng đất. Về chi NSNN, theo dự toán chi NSNN là 978.000 tỷ đồng, song thực tế quyết toán là 1.088.153 tỷ đồng, tăng 11,3% (tương đương 110.153 tỷ đồng) so với dự toán. Đặc biệt, bội chi NSNN “vượt rào” tới trên 41.000 tỷ đồng, chiếm 6,3%GDP…
“Đành phải ủng hộ vì thực sự không ủng hộ cũng không biết làm thế nào…”- ĐB Trần Du Lịch đã phải thốt lên như vậy ngay khi mở đầu phần phát biểu của mình. Ông Lịch đặt câu hỏi: “dự toán và thực tế lệch nhau quá lớn, chúng ta thực hiện dự toán thế nào đây? Phải chăng có tình trạng khi dự toán thì thấp để được thông qua, rồi đến khi tiêu lại vượt lên. Kỷ cương ngân sách ở chỗ nào?”. Câu hỏi mà vị Phó trưởng đoàn TP. Hồ Chí Minh nêu ra cũng là “nỗi niềm” chung của các vị ĐBQH khi nhìn vào con số quyết toán ngân sách, đặc biệt là bội chi ngân sách 2013.
Nhìn vào con số thu ngân sách 2013 tới 6,3%GDP, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, báo cáo nói tăng thu, nhưng thực chất là hụt thu, vì chủ yếu chúng ta tăng thu do giá dầu và thu cấp quyền sử dụng đất. Ngòai ra, chuyện chuyển giá, tiêu cực cũng gây nên tình hình thất thu ngân sách.
Song điều ĐB Hùng lo lắng nhất vẫn là con số chi và bội chi ngân sách 2013, khi những con số này đã vượt quá xa so với nghị quyết và dự toán của Quốc hội. Theo Nghị quyết của Quốc hội “duyệt” mức bội chi năm 2013 là 4,8%GDP, nhưng sau điều chỉnh lên 5,3%GDP và cuối cùng “chốt” quyết toán lại là 6,3% GDP. “Đây là cả vấn đề băn khoăn với các ĐBQH. Cơ sở pháp lý, danh mục chi cụ thể, chất lượng sử dụng tiền từ bội chi này ra sao…. lại chưa được báo cáo của Chính phủ làm rõ”- ông nói và đề nghị, Chính phủ cần có báo cáo thêm để các ĐB không còn “lăn tăn thêm nữa trước khi bấm nút thông qua quyết toán”.
“Đã chi rồi thì biết làm sao…”
ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) thắc mắc, chi, bội ngân sách vượt số “khủng”, nhưng thực tế có những khoản đã công bố, bố trí rồi, có tiền mà không chi được hoặc chi không đạt dự toán như chính sách với người có công, khoản chi cho giáo dục, khoa học công nghệ… trong khi chi cho đầu tư phát triển lại vượt tới 55,5%.
“Cần có giải trình rõ ràng vì sao những khoản đã bố trí chi mà không chi được, có tiền mà không tiêu được, trong lúc có những khoản đã chi rồi hoặc không trong dự kiến cứ vọt lên…” – Phó trưởng đoàn Thanh Hóa bức xúc.
Vẫn trong tâm trạng “đã chi rồi thì biết làm sao”, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) đồng tình với nhiều ý kiến ĐBQH đưa ra phải có chính sách ngăn chặn chuyện “kỷ cương ngân sách không nghiêm”.
“Đã tới lúc phải áp dụng chính sách quyết liệt để chấm dứt tình trạng vượt chi. Dự toán đã đưa ra rồi, ngành, địa phương nào muốn tăng cũng dứt khoát không đồng ý thì mới được. Đau cũng phải cắt, cũng phải làm mới dừng được nợ công và bội chi…”- ĐB Lê Nam thẳng thắn nói.
Cũng đặt vấn đề về kỷ cương ngân sách song ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lại nêu ra “kẽ hở” trong sự phối hợp giữa các ngành kế hoạch, tài chính trong xây dựng kế hoạch dự toán, quyết toán ngân sách. “Xây dựng dự toán mà tới khi quyết toán chỉ tiêu nào cũng tăng tới 33% thì phải xem lại kỷ luật chi ngân sách”- ông dứt khoát.
Theo ông, vấn đề điều hành thu chi, cấp kinh phí phải xem xét lại. Với cách làm hiện nay đã tái diễn tình trạng “làm rồi thì không được quyết toán, còn chưa làm đã được “xí chỗ”.
“Phải xem lại sự phối hợp giữa ngành kế hoạch, đầu tư và tài chính trong chi, chuyển nguồn. Đằng nào thì cũng chi rồi, nhưng phải rút kinh nghiệm cho các năm sau” – ông nói.
Khắc phục chuyện kỷ cương ngân sách không nghiêm, không còn cách nào khác theo ĐB Trần Du Lịch, Ủy ban Tài chính ngân sách với tư cách “người gác cổng” cho Quốc hội trong chuyện giám sát thu, chi ngân sách phải chỉ ra cho được những “địa chỉ” địa phương vi phạm thu, chi ngân sách và kiên quyết không đưa vào danh sách duyệt chi ngân sách năm sau những địa phương này để răn đe.
“Quốc hội khi thông qua dự toán ngân sách cần phải có quy định “cứng” để tránh tình trạng quyết dự toán rồi, nhưng chi tiêu vẫn vượt lên và tới khi quyết toán thì “sự đã rồi”. Không thể để cứ tăng thu, tăng chi theo kiểu “nước lên thuyền lên” thì không còn kỷ cương ngân sách gì nữa” – ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Ông cũng đề nghị Quốc hội, nếu như giữa dự toán ngân sách thông qua cuối năm cho năm sau, nhưng tới giữa năm điều chỉnh ngân sách thì Quốc hội phải điều chỉnh ngân sách đi theo, tránh tình trạng chuyện đã rồi như vừa qua. Ngoài ra, những hạn chế về kỷ cương ngân sách cũng cần được luật hóa chi tiết trong Luật ngân sách Nhà nước (sửa đổi).
“Đau xót vì cán bộ thuế sai phạm…”
Giải trình thêm trước Quốc hội về chuyện thu chi và mức bội chi ngân sách tăng cao năm 2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, có tình trạng thất thu ngân sách. Bộ Tài chính đã báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoản hụt thu này và được chấp thuận xử lý cấp bù. Nhưng điều quan trọng hơn, theo “tư lệnh” ngành tài chính là qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều trường hợp gian lận thuế, trong đó có sự bao che, “bắt tay” của cán bộ thuế, điển hình nhất là vụ việc ở Lâm Đồng, An Giang…
“Rất đau xót là hàng loạt cán bộ thuế bị “dính” và bắt hàng loạt. Nhưng không còn cách nào khác, chúng tôi vẫn phải xử lý rất nghiêm số cán bộ này, không chỉ theo quy định kỷ luật nội bộ ngành mà cán bộ nào vi phạm pháp luật thì vẫn phải xử lý nghiêm”- Bộ trưởng Dũng chia sẻ.
Cũng có mặt tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã nói “thêm cho rõ” về một số khoản thu ngân sách 2013, trong đó có khoản tăng đầu tư trở lại từ lãi dầu khí nước chủ nhà được chia cho Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam…
Trước thắc mắc của ĐBQH về “địa chỉ’ địa phương vi phạm kỷ cương ngân sách, ông Hiển cho biết, "địa chỉ" đã dược công khai trong báo cáo kiểm toán ngân sách gửi tới các ĐBQH. Còn chuyện kỷ luật hành chính, theo tinh thần của Hiến pháp 2013 và Luật ngân sách Nhà nước (sửa đổi), tới đây những khoản chi nào không có dự toán dứt khoát sẽ bị “siết” lại.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]