Sau một thời gian dài gần như đứng ngoài cuộc, từ đầu tuần này, những ngân hàng lớn nhất trong hệ thống đồng loạt tăng lãi suất huy động. Theo biểu lãi suất mới, tất cả các kỳ hạn đều tăng 0,3-0,5%.
Ngân hàng lớn bị dồn vào chân tường
Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn tăng thêm 0,3-0,5%/năm. Cụ thể, mức cao nhất là 6,2%/năm. Các kỳ hạn 24-60 tháng đã lên 6,5%/năm sau một năm không đổi. Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động VND cũng đã tăng lên 6,5%/năm.
Trong khi đó, tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), lãi suất huy động VND các kỳ hạn dài được niêm yết đến 7,2%, tăng 0,4% so với mức 6,8%/năm trước đó. Với các kỳ hạn ngắn, lãi suất của BIDV cũng cao hơn hẳn so với nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác.
Như với kỳ hạn 3 tháng, BIDV áp 5,5%/năm, trong khi Sacombank, Eximbank chỉ 5-5,3%/năm. Mức này cũng đang được Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) áp với kỳ hạn 3-5 tháng (với khách hàng cá nhân). Các kỳ hạn 12-36 tháng có lãi suất 6,8-7%.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, một trong những lý do tăng lãi suất huy động hiện nay là do ngân hàng đang khan vốn. Ảnh: N.Ý
Thạc sĩ Bùi Quang Tín, giảng viên Đại học Ngân hàng lý giải, lãi suất huy động tăng thời điểm này có nhiều lý do. Một trong các lý do cơ bản là dự thảo sửa đổi Thông tư 36, trong đó có nội dung đưa tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% giảm về 40%. Nếu đưa về mức 40% thì các ngân hàng sẽ rất căng thẳng. Tỷ lệ cho vay của ngân hàng hiện đã sát 40% rồi. Nếu áp dụng mức này nghĩa là ngân hàng không còn vốn cho vay, buộc phải tăng lãi huy động lên để tăng nguồn vốn, đảm bảo các gói tín dụng trong kế hoạch kinh doanh của họ được thực hiện.
Lý do thứ 2 ông Tín cho là nguyên nhân chính, đó là các ngân hàng lớn đang bị “dồn vào chân tường” bởi sự cạnh tranh của các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ.
“Thị trường đang chứng kiến cuộc đua khẳng định vị thế của các ngân hàng tốp dưới, họ bắt đầu mạnh lên và hút khách hàng. Nói gì thì nói, cái lợi đầu tiên khách hàng thấy là số lãi suất họ nhận cao hơn, còn dịch vụ tốt hay không thì chưa tính tới”, ông Tín nói.
Một nguyên nhân nữa là cuộc đổ bộ của các ngân hàng nước ngoài vào thị trường Việt Nam cũng đẩy các ngân hàng vào thế cạnh tranh.
Phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho thấy, quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống 40% đang gây lo ngại về khả năng lãi suất huy động bước vào cuộc đua mới, đặc biệt là các kỳ hạn dài.
Dù việc tăng lãi suất tại các ngân hàng mới chỉ ở mức 0,3-0,5%, chưa phá vỡ mặt bằng chung trên thị trường, nhưng điều thấy rõ của cuộc đua tăng lãi suất huy động lúc này là cạnh tranh của các ngân hàng.
Theo ông Tín, nếu nhìn kỹ thì nguồn vốn trên thị trường không căng thẳng. Ngân hàng Nhà nước đang điều tiết khá tốt dòng vốn, bằng cách tăng cường đưa vốn ra và hút vào qua thị trường mở, nên khó có chuyện tăng nóng vì khan vốn. Và với thị phần rộng của các ngân hàng lớn, sức ép cạnh tranh với khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã lớn hơn.
Lãi suất cho vay sẽ tăng thêm khoảng 2%
Thị trường đang chứng kiến cuộc đua tăng lãi suất huy động, nhưng với mức tăng dưới 0,5% như hiện nay sẽ chưa đủ để tăng lãi suất cho vay. Ngân hàng vẫn đang cố gắng giữ lãi cho vay ra quanh mức trung bình 10%/năm.
Cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi của nhiều nhà băng bắt đầu vào giai đoạn nóng. Ảnh minh họa: Anh Tuấn.
“Họ phải giữ khách hàng chứ. Và họ tính toán bù bằng nhiều cách, trong đó có tiết giảm đến mức thấp nhất các chi phí vận hành hệ thống, tăng bán sản phẩm chéo và cũng có thể tăng một chút các phí dịch vụ để bù đắp, chứ không thể tăng lãi suất cho vay thời điểm này", ông Tín phân tích.
Tuy nhiên theo ông Tín, với tình hình này thì lãi suất cho vay năm nay sẽ tăng khoảng 2% nữa. Mức tăng rơi vào khoảng quý IV.
Chị Thu Vân, khách vay vốn mua nhà tại chi nhánh một ngân hàng thương mại cổ phần ở đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức, TP HCM, cho biết, nếu phân tích khoản vay chị vừa ký với ngân hàng này, lãi suất đã lên 11,5%. Ngân hàng đưa ra 2 cách trả. Cách 1 là trả cố định một số tiền thì lãi suất là 7,99%. Cách 2 áp dụng lãi suất thả nổi, chị sẽ chịu lãi 11,55%/năm. Sau khi tính toán, chị thấy cả 2 cách đều đưa đến mức lãi khoảng 11,54%/năm, không còn quanh mức 10% như giữa cuối 2015.
Bình luận về câu chuyện tăng lãi suất, chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng, lãi suất tăng 1-2% không phải là ý chí của ngân hàng, mà là hệ quả của chuyện các công ty bất động sản đã dựa vào vốn ngân hàng quá nhiều. Ngân hàng cũng đã cho vay quá "hăng" trong năm 2015 từ nguồn vốn ngắn hạn và có hạn, nên có thể lâm vào cảnh kẹt vốn, phải tăng lãi suất cả 2 đầu lên. Đó là quá trình của sự phát triển mà không tổ chức vốn giữa ngân hàng và các tổ chức khác.
"Việc tăng lãi suất, ở góc độ người vay thì họ đang lầm tưởng ngân hàng muốn lợi nhiều. Nhưng thực tế không phải, đó là hệ quả của quá trình tổ chức vốn dựa quá nhiều vào ngân hàng", ông Hiển nói.
“Ở thời điểm hiện tại, lãi suất 10-11%, tôi tính toán là doanh nghiệp sẽ có lãi 3-5%, còn động lực cho họ sản xuất. Nhưng nếu lãi tăng lên thêm 1-2% nữa thì rất khó, doanh nghiệp sẽ tính toán kỹ chuyện vay vốn để sản xuất kinh doanh", ông Bùi Quang Tín. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]