Việc xử lý nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đang có chiều hướng tích cực với những bước đi cụ thể, rõ ràng hơn.
Trong đó phải kể đến đề xuất xây dựng Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) và xử lý nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có nêu một số cơ chế riêng cho VAMC và các ngân hàng thương mại trong quá trình xử lý nợ xấu. Một số nội dung cụ thể như: Nếu người giữ tài sản không giao tài sản đảm bảo thì cho phép VAMC/TCTD được thực hiện quyền thu giữ tài sản đảm bảo trong trường hợp VAMC/TCTD và chủ tài sản đã có thỏa thuận về việc thu giữ tài sản trong hợp đồng bảo đảm tài sản, thay vì yêu cầu Tòa án giải quyết như đã quy định tại Bộ luật Dân sự 2015; cho phép VAMC/bên mua nợ của TCTD và VAMC được nhận thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; bãi bỏ quy định yêu cầu người được thi hành án phải nộp phí thi hành án nhằm giảm chi phí xử lý nợ xấu.
Đồng thời, các TCTD cũng đã chủ động hơn trong việc tự xử lý nợ xấu, điển hình như Vietcombank đã nhận về hết nợ xấu đã bán cho VAMC và VietinBank đặt mục tiêu tương tự trong năm 2017.
Nhìn lại các năm trước, trong số nợ xấu đã được xử lý từ năm 2012 - 2015 (khoảng 500 nghìn tỷ đồng), chủ yếu các TCTD tự xử lý (chiếm 55,4%), số còn lại là bán cho VAMC. Theo NHNN, tính đến 31/12/2016, nợ còn phải xử lý tại VAMC khoảng 190.000 tỷ đồng; nợ tồn đọng tại khâu thi hành án tính đến 30/9/2016 là khoảng 58.998 tỷ đồng. Trong năm 2017, VAMC đặt mục tiêu xử lý 33 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]