Với thanh khoản dồi dào, các ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động đầu tư trong năm 2016, nhất là khi lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng quá thấp. Theo số liệu báo cáo tài chính của các ngân hàng, trái phiếu chính phủ là kênh đầu tư được ưa chọn nhất. Năm 2016 cũng chứng kiến hiện tượng các tổ chức tín dụng quay trở lại đầu tư trái phiếu lẫn nhau và đẩy mạnh mua lại, góp vốn vào các công ty tài chính cho vay tiêu dùng.
Ưu tiên trái phiếu chính phủ
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ năm 2016 của các ngân hàng công bố cho thấy, số dư đầu tư trái phiếu năm 2016 tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt là ở nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước. Cụ thể số dư chứng khoán đầu tư của Vietcombank là 130,6 nghìn tỷ đồng, tăng 23,2 nghìn tỷ đồng, tương đương 21,6%; của BIDV là 143,4 nghìn tỷ đồng, tăng 22,2 nghìn tỷ đồng, tương đương 18,4%; của Vietinbank là 133 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 12,1%.
Ở nhóm NHTM cổ phần, dẫn đầu là VPBank với số dư chứng khoán đầu tư cuối 2016 là 55,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 16%; theo sau là Ngân hàng Quân đội với 52,4 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 12,7%; của ACB là 42,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2 nghìn tỷ đồng, tương đương 11%. Ở nhóm tăng thấp hơn gồm có SHB là 18,8 nghìn tỷ đồng, tăng gần 1,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 8,6%; Eximbank là 20,2 nghìn tỷ đồng, tăng gần 1,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,6% và của VIB là 26,5 nghìn tỷ đồng, tăng 534 tỷ đồng, tương đương 2,1%.
Đối với Sacombank, mặc dù số dư chứng khoán đầu tư cuối năm 2016 lên đến hơn 65 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh 25,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 63,8%, tuy nhiên trong đó chủ yếu tăng ở chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn là 23,1 nghìn tỷ đồng, tương đương mức tăng 143,4%.
Trong cơ cấu chứng khoán đầu tư, trái phiếu chính phủ được nhóm các NHTM nhà nước ưu tiên lựa chọn. Với triển vọng kinh tế vĩ mô ổn định, năm 2016 chứng kiến các phiên trái phiếu chính phủ luôn hút hàng, mặc dù lãi suất ngày càng giảm thấp hơn trong khi kỳ hạn phát hành dài hơn. Như Vietcombank trong năm 2016 đã tăng đầu tư mạnh vào trái phiếu chính phủ với mức tăng 18.044 tỷ, bao gồm 6.948 tỷ ở chứng khoán sẵn sàng để bán và 11.096 tỷ ở chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn.
Trong tình hình hoạt động cho vay bị hạn chế rót vốn vào các dự án đầu tư BOT, BT, hệ số rủi ro đối với các khoản vay bất động sản tăng từ 150% lên 200%, hệ số CAR thấp thì nhóm NHTM nhà nước đã tích cực tối ưu hóa sử dụng vốn vào thị trường trái phiếu chính phủ, khi hệ số rủi ro đối với trái phiếu chính phủ là 0%. Theo cập nhật gần nhất của NHNN thì hệ số CAR của nhóm NHTM nhà nước vào cuối năm 2016 là 9,92%, tăng so với mức 9,42% vào cuối năm 2015, nhờ vào việc các ngân hàng tích cực tăng vốn cấp 2 và chuyển dịch tài sản sinh lời có hệ số rủi ro cao sang các tài sản có hệ số rủi ro thấp như trái phiếu chính phủ.
Hoạt động đầu tư vào các trái phiếu do các TCTD khác phát hành cũng được ưa thích do lãi suất cao hơn, trong khi rủi ro ở mức chấp nhận được, đặc biệt là đối với các ngân hàng TMCP. Số liệu cho thấy chứng khoán nợ do các TCTD khác trong nước phát hành của ngân hàng Quân đội tăng 5.133 tỷ đồng, của SHB tăng 2.468 tỷ đồng, của Vietcombank tăng 4.606 tỷ đồng, của Vpbank tăng 3.402 tỷ đồng (trong đó có 1.819 tỷ đồng trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh) và của VIB tăng gần 532 tỷ đồng.
Hoạt động góp vốn đầu tư dài hạn
Trong năm 2016 cũng chứng kiến một số ngân hàng tăng cường góp vốn, thành lập các công ty con hoặc mua lại các công ty tài chính để đẩy mạnh mảng cho vay tiêu dùng. Đơn cử như ngân hàng Quân đội trong năm 2016 đã cùng với tập đoàn Ageas và công ty bảo hiểm nhân thọ Muang Thai Life thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life với 61% cổ phần thuộc sở hữu của ngân hàng Quân đội trị giá 671 tỷ đồng; thành lập công ty MB Credit với vốn điều lệ 500 tỷ đồng để đẩy mạnh mảng cho vay tiêu dùng, khi trước đó cũng đã nhận sáp nhập công ty tài chính cổ phần sông Đà và nâng tỷ lệ sở hữu ở công ty bảo hiểm Quân đội (MIC) từ 49% lên 60%.
Số dư đầu tư vào công ty con của SHB cũng tăng thêm 2.204 tỷ do chuyển đổi Chi nhánh SHB Lào thành chi nhánh ngân hàng nước ngoài 100% vốn tại Lào, theo đó từ 15/01/2016 chi nhánh SHB Lào chính thức trở thành ngân hàng con của SHB Việt Nam. Ngoài ra gần đây, SHB cũng nhận sáp nhập Công ty Tài chính Vinaconex – Viettel (VVF) để thành lập công ty tài chính với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng và bắt đầu hoạt động từ năm 2017.
Tại VPBank, giá trị đầu tư vào công ty con cũng tăng thêm 1.290 tỷ đồng, do trong năm ngân hàng đã tăng vốn điều lệ thêm cho công ty tài chính của mình. Với tiềm năng tăng trưởng của hoạt động cho vay tiêu dùng, vào năm 2014 VPBank đã mua lại Công ty TNHH MTV Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam (CMF) của Tập đoàn Than – Khoáng sản (Vinacomin) và sau đó ngân hàng này dã chuyển toàn bộ hoạt động tín dụng tiêu dùng sang một pháp nhân độc lập mới là FE Credit vào tháng 02/2015.
Trong thời gian qua, khá nhiều ngân hàng cũng thành lập hoặc sáp nhập các công ty tài chính nhằm đẩy mạnh lĩnh vực tài chính cá nhân và cho vay tiêu dùng, như MSB FC của Maritime Bank, VCFC của Techcombank hay HD Saison của HDBank. Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua, cho vay tiêu dùng đang là mảng phát triển nhanh nhất trong ngành ngân hàng tại Việt Nam.
Với việc đẩy mạnh đầu tư vào các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, các ngân hàng không những được lợi về tăng trưởng dư nợ với lãi suất cao, mà còn có cơ hội bán lại cho các đối tác nước ngoài. Cụ thể vào cuối năm 2016 ngân hàng Quân đội đã ký hợp đồng chuyển nhượng 49% vốn công ty con MCredit cho Shinseu, một ngân hàng của Nhật Bản. Hay vào tháng 4/2015, HD Bank đã bán lại 49% cổ phần cho tập đoàn tài chính Credit Saison và HD Finance được đổi tên thành HD Saison. Và gần đây nhất cũng đã có một số đối tác nước ngoài muốn mua lại công ty tài chính của SHB.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]