Ngày 17.3, Thành ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Thành phố Hồ Chí Minh - 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập” nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2015). “40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, TPHCM đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực” - Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nói.
Đóng góp trên 1/3 tổng thu ngân sách nhà nước
Với vai trò đầu tàu, động lực, có sức hút và lan tỏa lớn của toàn vùng kinh tế trọng điểm phía nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, TPHCM ngày càng được khẳng định trong việc định hướng phát triển kinh tế, hội nhập ra thế giới. Ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND TPHCM - cho biết, chặng đường 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, TPHCM đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực. Tuy chỉ chiếm 0,6% về diện tích tự nhiên và 8,8% dân số cả nước nhưng đến năm 2014, TPHCM đóng góp 21,7% GDP cả nước, 30,3% tổng thu ngân sách nhà nước. Mức sống của người dân ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân của người dân TP năm 2014 đạt 5.131USD, bằng 2,5 lần so với bình quân đầu người cả nước.
Đánh giá về kinh tế TPHCM 40 năm phát triển và hội nhập quốc tế, GS-TS Vương Đình Huệ - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư - nhận định, thực tiễn sinh động của TPHCM cho thấy, để ổn định kinh tế vĩ mô, không nhất thiết phải có nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà DNNN phải hoạt động thật sự có hiệu quả và Nhà nước sử dụng đồng thời nhiều công cụ để điều tiết thị trường. Điển hình nhất là giai đoạn 2010 - 2013, TPHCM đã sử dụng cơ chế bình ổn thị trường, cơ chế hỗ trợ tín dụng, các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, tăng cường vào các cao điểm tiêu dùng, phát triển hệ thống bán lẻ với vai trò nòng cốt của DNNN, kinh tế tập thể… qua đó kiểm soát được tốc độ tăng giá trên địa bàn luôn thấp hơn tốc độ tăng giá trong nước, bằng 3/4 mức tăng CPI của cả nước.
“Bài học của TPHCM đó là vấn đề sản xuất kinh tế hàng hóa, phát triển nhiều thành phần kinh tế, bài học về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra môi trường cạnh tranh tự do và bình đẳng cho các thành phần kinh tế. Bài học về việc hỗ trợ phát triển DN, sử dụng các nguồn lực của Nhà nước, nâng cao hiệu quả DNNN và phát huy vai trò các công cụ của Nhà nước trong điều tiết phát triển nền kinh tế thị trường... Đó là những vấn đề chúng tôi hết sức quan tâm và chú trọng nghiên cứu không chỉ cho giai đoạn hiện nay, mà cho việc sắp tới thảo luận và hoàn thiện các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc” - ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Cùng với thành quả kinh tế, sau 40 năm, đời sống của nhân dân TPHCM không ngừng được cải thiện, an sinh xã hội luôn được đảm bảo. Thành phố cũng là nơi khởi xướng và thực hiện tốt các phong trào xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, chương trình bảo trợ bệnh nhân nghèo, chăm lo cho công nhân, người lao động… mang lại kết quả thiết thực, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đặc biệt, trong thời gian qua, cơ sở hạ tầng giao thông cũng được thành phố tập trung phát triển mạnh mẽ, mang lại một diện mạo mới.
Những thách thức về đổi mới mô hình, tái cơ cấu
Với yêu cầu cao là TPHCM cần nhanh chóng trở thành một đầu tàu toàn diện, mẫu mực của phía nam, các đại biểu thẳng thắn nhìn nhận, TPHCM vẫn còn một số vấn đề tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo quản lý điều hành, năng lực cạnh tranh chưa cao; những vấn đề nổi cộm còn gây bức xúc trong nhân dân. GS-TS Vương Đình Huệ cho rằng, trong giai đoạn tới, hai vấn đề chính đặt ra cho TPHCM đó là về lĩnh vực kinh tế, các DN, nền tảng kinh tế còn thiếu tính cạnh tranh, đang đối diện với thách thức trong quá trình hội nhập khu vực và thế giới.
Về lĩnh vực quản lý đô thị, thách thức lớn nhất là sự bất cập giữa trình độ phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trưởng kinh tế và yêu cầu cải thiện dân sinh. Đây là hai vấn đề mà Đảng bộ thành phố cần phải quan tâm hàng đầu và hoàn toàn có thể đặt kỳ vọng vào những quyết sách chung của Đảng và Nhà nước trong những năm tới về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nhận xét, TPHCM đang đứng trước những khó khăn thách thức cần phải có quyết tâm cao để vượt qua trên con đường phát triển nhanh, bền vững. Đó là quy hoạch và quản lý đô thị chưa xứng tầm với thành phố văn minh, hiện đại, hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh; hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh chưa cao; tiềm năng khoa học và công nghệ chưa được phát huy đúng mức; các tệ nạn xã hội và tội phạm diễn biến phức tạp; việc xây dựng hệ thống chính trị chưa ngang tầm với nhiệm vụ trong thời kỳ mới, chưa tiến hành đồng bộ với việc cải cách bộ máy hành chính, chống tiêu cực và tham nhũng.
“Với truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất, năng động, sáng tạo, đi trước về sau trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và sẽ đi trước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với sự lãnh đạo năng động, sáng tạo, nội bộ đoàn kết của lãnh đạo thành phố, tôi tin toàn Đảng bộ sẽ phát huy sức mạnh của nhân dân, xây dựng TPHCM thành một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình” - đồng chí Phan Văn Khải nhấn mạnh.
Theo Vietnamplus
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]