"Thay đổi thói quen tiền mặt, đất nước phát triển nhanh hơn" là lời phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại diễn đàn. Trên thực tế triển khai, thời gian qua, phía Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực phối hợp chặt chẽ với với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính trong việc thúc đẩy phát triển thanh toán điện tử. Hiện ngành thuế đã ký thỏa thuận với 43 ngân hàng để cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử.
Đến cuối tháng 11 đã có 92% doanh nghiệp kê khai thuế điện tử, nhưng nộp thuế điện tử vẫn ở mức rất thấp. Thanh toán điện tử vẫn ở mức khiêm tốn so với các phương thức thanh toán khác, chủ yếu vẫn là tiền mặt.
Đề cập đến 3 yếu tố nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử là niềm tin, sự thuận tiện và thói quen, bà Nguyễn Tú Anh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chuyển mạch Tài chính Quốc gia Việt Nam - Công ty được Ngân hàng Nhà nước giao nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống bán lẻ điện tử trên toàn Việt Nam cho biết:
"Niềm tin và sự thuận tiện là trách nhiệm của ngành ngân hàng khi cung cấp hạ tầng thanh toán điện tử. Tôi nghĩ người dân sẽ chỉ thực hiện khi tin tưởng vào các giao dịch đó. Đối với những giao dịch điện tử quá khó khăn, phức tạp, trải qua nhiều lớp xác thực thì thật sự khó tạo được thói quen cho khách hàng muốn sử dụng dịch vụ".
"Ngành ngân hàng trong những năm vừa qua rất nỗ lực để đưa ra những sản phẩm dịch vụ thanh toán điện tử trên rất nhiều kênh giao dịch như ATM, Internet Banking, Mobile Banking. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng không có sự đồng nhất, mô hình chuẩn nên việc tạo dựng thói quen sử dụng thanh toán điện tử vẫn còn khó khăn đối với người dân. Trong kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước, sắp tới sẽ chuẩn hóa mô hình giao dịch điện tử trên tất cả các kênh. Từ đó, tạo dựng thói quen sử dụng thanh toán điện tử thay cho những giao dịch bằng tiền mặt", bà Tú Anh nói thêm.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]