Ngày 5/4, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard&Poor’s (S&P) công bố nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn cho Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên sau 9 năm (kể từ lần giữ nguyên hạng mức vào tháng 12/2010) S&P mới có quyết định thăng hạng này, mà trước đó các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s và Fitch Ratings đã lần lượt nâng lên trong năm 2018.
Như vậy, cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm danh tiếng trên thế giới đều đã cùng ghi nhận quá trình nỗ lực lâu dài của Việt Nam, trong đó có đóng góp của việc điều hành chính sách tiền tệ.
“Bồ thóc quốc gia” và tính thị trường
Thăng hạng tín nhiệm, lợi ích rõ ràng và cụ thể.
Từ trong năm 2018, Việt Nam đã phải đối diện thực tế: các khoản vay nước ngoài bắt đầu giảm dần ưu đãi, chuyển sang thị trường hơn và lãi suất - chi phí cao hơn.
Với hạng mức tín nhiệm mới, được nâng lên, tới đây Chính phủ và doanh nghiệp khi ra khơi tìm vốn có điều kiện để tiếp cận lãi suất tốt hơn. Vì đây là một trong những yếu tố tham chiếu, góp phần định hình lãi suất cho vay.
Và thông thường, sau cấp quốc gia, đến lượt các ngân hàng thương mại và những doanh nghiệp lớn của Việt Nam có cơ hội để cùng cải thiện hạng mức tín nhiệm trong kỳ cập nhật mới. Hạng mức cải thiện, vị thế đối ngoại cải thiện, giao thương quốc tế thêm thuận lợi…
Thăng hạng tín nhiệm, Việt Nam nâng cấp “chứng nhận” giá trị trong hấp dẫn và thu hút đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Mà dòng chảy này đang cho xu hướng mạnh thêm trong quý 1/2019.
Có nhiều yếu tố tổng thể để tổ chức xếp hạng tín nhiệm khi đánh giá và quyết định, để nhà đầu tư nước ngoài rót vốn. Trong đó, họ cùng để mắt đến một nguồn lực - dự trữ ngoại hối quốc gia.
Nhiều năm trước, khi còn đảm nhận vị trí Phó thống đốc, ông Lê Minh Hưng từng trò chuyện hình ảnh với người viết rằng, dự trữ ngoại hối giống như bồ thóc trong nhà, khách đến chơi thường nhìn vào ngầm đánh giá. Nó vơi đầy phản ánh sức chủ động ứng phó khi thiên tai, hay những khi mưa không thuận gió không hòa.
Mục tiêu gia tăng nguồn lực “bồ thóc quốc gia” này luôn đặt ra trong điều hành chính sách tiền tệ. Và đến cuối quý 1/2019, ước tính quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt tới khoảng 65 tỷ USD, sau khi mua ròng thêm khoảng 6,5 tỷ USD chỉ trong vòng ba tháng đầu năm.
Tính chung, quy mô dự trữ ngoại hối đã tăng gấp đôi chỉ sau ba năm, gắn với một trong những điều kiện - mục tiêu là ổn định được tỷ giá. Ở đây, tính thị trường trong điều hành chính sách để ổn định được tỷ giá cũng thể hiện.
Tính thị trường trong điều hành và hiệu chỉnh chính sách tiền tệ cũng chính là một điểm ưu trong đánh giá S&P vừa công bố.
Hơn chục năm trước, thị trường từng thảng thốt và xáo trộn khi Ngân hàng Nhà nước sử dụng công cụ tín phiếu bắt buộc để hút 20.300 tỷ đồng về. Nay, nhà điều hành có thể cân hàng trăm nghìn tỷ tại một thời điểm một cách nhẹ nhàng, không xáo trộn, không áp đặt, không “bắt buộc” hệ thống phải theo mệnh lệnh hoặc dựng thêm hàng rào kỹ thuật cứng nào đó.
Thực tế, những năm gần đây, bằng công cụ tín phiếu thông thường và nghiệp vụ thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước gián tiếp cân đối lãi suất, tỷ giá và đặc biệt trung hòa được lượng tiền lớn đưa ra mua hàng chục tỷ USD, không gây áp lực lớn lên lạm phát.
Trong thực hiện mục tiêu ổn định tỷ giá, tính thị trường cũng thể hiện rõ hơn ở các nghiệp vụ, kỹ thuật lần đầu tiên được sử dụng và phát huy hiệu quả, nổi bật ở các sản phẩm mua - bán kỳ hạn. Và ngược lại, các biện pháp hành chính như kết hối, siết trạng thái ngoại tệ… trước đây đã không còn dụng đến.
Kiểm soát chặt đòn bẩy
Trở lại với đánh giá của S&P, một nội dung được chú ý là tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tín dụng cao của Việt Nam.
Trong quá trình làm việc với Ngân hàng Nhà nước, S&P từng nêu quan ngại về tỷ lệ tín dụng trên GDP, khi đã lên tới 130% và tương đối lớn so với các quốc gia khác. Song, xu thế tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đã chậm lại, được kiểm soát chặt chẽ và định hướng tiếp tục chặt chẽ.
Không phải kết năm 2018 Việt Nam mới tính ra mức độ tăng trưởng tín dụng chỉ 14% so với chỉ tiêu 16% dự kiến đưa ra đầu năm. Từ tháng 6/2018, Thống đốc Lê Minh Hưng đã đề cập đến mức độ kìm lại đó trong một lần trao đổi với báo giới.
Năm nay cũng vậy. Tín dụng tăng trưởng thấp hơn, kiểm soát chặt hơn là định hướng chủ động đưa ra đầu năm. Thậm chí, cơ chế giám sát, nắn dòng tín dụng có thể được tăng cường.
Một tuần trước thềm sự kiện S&P công bố kết quả xếp hạng, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chặt chẽ việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho mỗi thành viên, thậm chí giao thấp hẳn dưới sức một số trường hợp.
Ví dụ, với năng lực và kết quả xử lý nợ xấu tốt, Vietcombank đủ điều kiện để nâng mức tăng trưởng tín dụng cỡ 17 - 18%, nhưng chỉ được giao 15%; có trường hợp chỉ tiêu khoảng 30 - 40% phù hợp với riêng ngân hàng đó, nhưng chỉ giao khoảng 19 - 20%...
Hướng phát triển tín dụng cũng sẽ theo hướng tiếp tục tăng cường an toàn hệ thống. Theo đó, dự kiến Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét điều chỉnh hệ số rủi ro ở một số nhóm cho vay, cũng như tiếp tục xem xét giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Bên cạnh yêu cầu tăng cường an toàn hệ thống, cơ sở để xem xét kiểm soát chặt hơn trong những dự kiến trên là thực tiễn hoạt động đã có những cải thiện thuận lợi hơn.
Nhiều năm trước, cơ cấu vốn hệ thống lỏng lẻo và tiềm ẩn rủi ro khi tỷ trọng vốn trung dài hạn chỉ chiếm khoảng 10% tổng huy động. Đến nay, tỷ trọng tiền gửi trung dài hạn đã nâng lên khoảng 30%, tạo cơ cấu vốn bền vững hơn, mà theo đó nếu tiếp tục siết giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng sẽ không tạo quá nhiều áp lực.