Trên hòn đảo nhỏ ngoài khơi Trung Quốc, một công ty sản xuất ra một loại sản phẩm được sử dụng trên toàn cầu, cho vô vàn đồ dùng đa dạng, từ máy tính cho đến máy giặt, từ ô tô cho đến điện thoại.
Và đó chính là Đài Loan (Trung Quốc). Nỗi lo về căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc khiến nền kinh tế thế giới nín thở. Đó là vì hoạt động kinh tế trị giá hàng nghìn tỷ USD lại gắn liền với một công ty: Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới.
Những người theo dõi ngành này cho rằng những căng thẳng giữa hai quốc gia hàng đầu thế giới có thể kéo nền kinh tế toàn cầu đi xuống. Thực tế là không có công ty sản xuất chip nào tiên tiến và có thể làm với số lượng lớn như TSMC. Nếu TSMC đóng cửa, việc sản xuất mọi thứ từ ô tô đến iPhone có thể bị đình trệ.
Mặc dù TSMC có thể không phải là một cái tên quá quen thuộc, nhưng chắc hẳn ai cũng sở hữu một món đồ có sử dụng chip của công ty này.
TSMC hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chip theo hợp đồng, nghĩa là công ty không tự thiết kế chip riêng. Thay vào đó, TSMC sản xuất chúng cho các công ty khác. Công ty chiếm hơn một nửa thị trường chất bán dẫn toàn cầu. Khi nói đến bộ vi xử lý tiên tiến, con số này lên tới 90%. Ngay cả con chip tốt nhất của nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu Trung Quốc SMIC cũng được cho là đi sau TSMC hơn 5 năm.
TSMC coi Apple là khách hàng lớn nhất của họ. Công ty cung cấp cho gã khổng lồ công nghệ tại California những con chip năng lượng cho iPhone. Trên thực tế, hầu hết khoảng 1,4 tỷ bộ xử lý điện thoại thông minh trên thế giới đều do TSMC sản xuất. Theo WSJ, khoảng 60% chip các nhà sản xuất ô tô sử dụng là do TSMC cung cấp.
Chất bán dẫn của TSMC cũng được sử dụng trong hệ thống máy tính hiệu suất cao. Chúng có thể nhanh chóng xử lý hàng loạt dữ liệu và dẫn đường cho tên lửa. Vì thế, TSMC được đánh giá cao trong mắt các tổ chức chính phủ.
Theo cố vấn cấp cao William Alan Reinsch tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, khi TSMC phát triển để dẫn đầu ngành, công ty sẽ tự động trở thành độc quyền.
Ông nói rằng chính vì đây là lĩnh vực công nghệ cực kỳ phức tạp và đắt đỏ, không phải ai cũng sẵn sàng nhảy vào cuộc chơi, bỏ ra hàng tỷ USD để xây dựng nhà máy. Không ai có thể quyết định một sớm một chiều.
Một con chip được kiểm tra tại phòng thí nghiệm Đài Loan. Ảnh: RT
Ngành công nghiệp chất bán dẫn bắt nguồn từ Mỹ, vì phần lớn nghiên cứu và phát triển được thực hiện trên đất Mỹ. Các công ty ở các quốc gia khác được cấp phép dùng công nghệ mà Mỹ phát triển.
Nhà phân tích Dylan Patel của công ty tư vấn và nghiên cứu chất bán dẫn SemiAnalysis đã chỉ ra một ví dụ. Công ty ASML của Hà Lan là một trong những công ty sản xuất chip cao cấp, nhưng một trong những công nghệ được biết đến nhiều nhất lại được phát minh tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Mỹ.
Theo ông Reinsch, trong hơn 30 năm qua, các nhà sản xuất ở các nước phát triển đã kết luận rằng việc thuê đơn vị bên ngoài sản xuất chip là tốt nhất. Chính cách tiếp cận này đã dẫn đến sự phát triển của nhà sản xuất chip như TSMC và giảm sản lượng chip trên đất Mỹ.
Theo báo cáo năm 2021 của Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn, năm 1990, Mỹ sản xuất 37% nguồn cung chip cho thế giới. Hiện tại, Mỹ chỉ chiếm 12% sản lượng chip toàn cầu.
Nhưng đại dịch Covid-19 và xung đột tại Ukraine đã minh chứng cho việc phụ thuộc quá nhiều vào một số quốc gia có thể làm đảo lộn chuỗi cung ứng khi xảy ra gián đoạn. Chính vì lý do này mà nhiều tập đoàn của Mỹ đang tìm cách chuyển các hoạt động sản xuất về nước, làm cho chuỗi cung ứng linh hoạt hơn.
Mỹ hiện đang thực hiện một số giải pháp để giảm sự phụ thuộc vào TSMC. Vào tháng 7, Quốc hội đã thông qua Đạo luật CHIPS, bao gồm 53 tỷ USD trợ cấp và giảm thuế để thúc đẩy sản xuất chip trong nước.
Một số công ty bắt đầu bổ sung các cơ sở tại Mỹ. Intel đang xây dựng hai nhà máy trị giá 20 tỷ USD ở Ohio. Micron cam kết chi tới 100 tỷ USD cho một nhà máy sản xuất chip khổng lồ ở ngoại ô New York. Samsung cũng đang xây dựng một nhà máy trị giá 17 tỷ USD tại Texas. Chính TSMC cũng đang xây dựng một nhà máy trị giá 12 tỷ USD tại Arizona.
TSMC cũng đang xây dựng một cơ sở mới tại Nhật Bản, nơi sẽ sản xuất chip kém tiên tiến hơn cho ngành công nghiệp ô tô. WSJ đưa tin rằng các quan chức Nhật Bản ra hiệu rằng họ muốn TSMC mở rộng sự hiện diện của họ bằng cách bổ sung năng lực sản xuất chip tiên tiến.
Song, những nhà máy kể trên có thể sẽ phải mất nhiều năm để xây dựng và đi vào hoạt động. Chưa kể Mỹ còn thiếu lực lượng lao động lành nghề để tăng cường sản xuất. Đây cũng là vấn đề mà các công ty toàn cầu trong ngành này phải đối mặt.
TSMC vẫn sẽ là lựa chọn “bổ, rẻ” cho các doanh nghiệp. Ở thời điểm hiện tại, chip do TSMC sản xuất là tiên tiến nhất. Các chip do Intel sản xuất tại Mỹ "sẽ không phức tạp" bằng chip sản xuất tại Đài Loan.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]