Những TCTD được mua bắt buộc có thể được Chính phủ cấp thêm vốn để bổ sung vốn điều lệ, được Chính phủ cho vay dài hạn với lãi suất 0%, được vay tái cấp vốn của NHNN với lãi suất 0%...
Với định hướng tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2016-2020, NHNN vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo Luật tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu, trong đó đáng chú ý là các biện pháp hỗ trợ cho các TCTD yếu kém.
Trong giai đoạn triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015”, NHNN đã thực hiện mua 0 đồng 3 ngân hàng, khuyến khích các TCTD tự nguyện hợp nhất và sát nhập, kết quả là đã giảm được khoảng 22 TCTD. Tuy nhiên, việc thiếu vắng các cơ chế hỗ trợ cũng như khuôn khổ pháp lý của việc xử lý TCTD yếu kém còn chưa hoàn thiện nên việc phục hồi và củng cố hoạt động của các TCTD này gặp rất nhiều khó khăn, trong khi cũng chưa có quy định nào trao quyền cho NHNN thực hiện quyền yêu cầu giải thể bắt buộc đối với TCTD yếu kém không có khả năng phục hồi.
Luật hóa các phương án xử lý TCTD yếu kém
Theo điều 15 của dự thảo luật thì có 3 chủ trương xử lý TCTD yếu kém, bao gồm phục hồi, xử lý pháp nhân hoặc mua bắt buộc đối với TCTD yếu kém. Theo đó, những TCTD nào được xác định cho phục hồi sẽ phải xây dựng phương án phục hồi khả thi, trong đó việc tăng thêm vốn điều lệ có thể xem là điều kiện rất quan trọng. Theo phát biểu gần đây của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng thì nguồn vốn đóng góp vào để tái cơ cấu các TCTD phải là “tiền tươi thóc thật”, có thể từ các cổ đông hiện hữu hoặc từ các cổ đông mới là các tổ chức, cá nhân trong nước cũng như nước ngoài. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của dòng tiền này xem có đủ điều kiện để thực hiện góp vốn, tăng vốn cho các TCTD.
Điều 21 cũng quy định rõ nếu hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi mà TCTD được KSĐB không phục hồi được hoặc NHNN xét thấy đơn vị không có khả năng phục hồi, thì sẽ xem xét thực hiện phương án xử lý pháp nhân hoặc mua bắt buộc. Điều 24 cũng quy định các hình thức xử lý pháp nhân bao gồm sáp nhập, hợp nhất, bán toàn bộ vốn điều lệ, giải thể và phá sản. Quy định sáp nhập, hợp nhất thì không có gì mới khi trước đây đã có hàng loạt TCTD được xử lý theo phương án này, tuy nhiên chủ trương cho giải thế, phá sản là một bước đột phá mới của nhà điều hành, cho thấy sự quyết liệt trong việc xử lý các tổ chức yếu kém và ứng với những phát biểu của một số quan chức chính phủ gần đây.
Với trường hợp mua bắt buộc, điều 28 xác định một số điều kiện cụ thể như: TCTD được đánh giá không có khả năng phục hồi, là ngân hàng thương mại, việc mua bắt buộc để tránh ảnh hưởng an toàn hoạt động của hệ thống; giá trị thực của vốn điều lệ nhỏ hơn 0 đồng; có TCTD đề xuất mua; TCTD được chỉ định phải có phương án khả thi. Với việc NHNN mua 0 đồng 3 TCTD yếu kém trước đây gây ra một số tranh cãi thì việc luật hóa hình thức xử lý mua bắt buộc theo dự thảo luật này đã chính thức hợp pháp hóa phương án trên.
Mở rộng và hợp thức hóa cơ chế hỗ trợ ngân hàng yếu kém
Điều 19 quy định các biện pháp hỗ trợ thực trạng hoạt động, theo đó đối với các TCTD yếu kém đang trong thời gian bị KSĐB thì cho phép không phải tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định, mà chỉ cần tuân theo phương án phục hồi đã được phê duyệt. Ngoài ra, việc tính toán, xác định các giới hạn, tỷ lệ này sẽ tính trên vốn điều lệ hoặc số vốn điều lệ được góp thêm vào.
Rõ ràng đây là những biện pháp hỗ trợ rất thiết thực cho các đơn vị này, vì đa số các TCTD yếu kém thường không đủ năng lực tài chính để đáp ứng theo các tiêu chuẩn, tỷ lệ an toàn của cơ quan điều hành. Trong khi việc tính toán dựa trên vốn điều lệ thay vì là vốn tự có theo quy định cũng giúp các tỷ lệ này cao hơn, vì hầu hết các TCTD yếu kém bị lỗ lũy kế do đó thường làm giảm vốn tự có rất lớn.
Đối với các biện pháp hỗ trợ tài chính thì cho phép các TCTD yếu kém được phép bán nợ xấu không đủ điều kiện hoặc nợ xấu có TSBĐ đang bị kê biên theo quy định pháp luật cho VAMC. Các tổ chức này cũng có thể vay tái cấp vốn, vay đặc biệt của NHNN theo phương án phục hồi đã được phê duyệt, đặc biệt với những TCTD được mua bắt buộc có thể được Chính phủ cấp thêm vốn để bổ sung vốn điều lệ, được Chính phủ cho vay dài hạn với lãi suất 0%, được vay tái cấp vốn của NHNN với lãi suất 0%; được vay đặc biệt NHNN với lãi suất 0%; được nhận tiền gửi hoặc vay của TCTD hỗ trợ với mức lãi suất ưu đãi trong thời gian thực hiện phương án phục hồi.
Không những được hỗ trợ nguồn vốn đầu vào với lãi suất ưu đãi, các TCTD được mua bắt buộc còn được hỗ trợ giải ngân vốn đầu ra theo hình thức mua nợ, trái phiếu doanh nghiệp của TCTD hỗ trợ đang được phân loại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn theo quy định của NHNN. Rõ ràng với biện pháp hỗ trợ cả nguồn vốn đầu vào và đảm bảo nguồn vốn đầu ra với một biên độ lãi suất cố định sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phục hồi của những TCTD được mua bắt buộc, giúp các TCTD này sớm có lãi trở lại và trở nên hấp dẫn hơn, khi đó NHNN có thể bán lại cho các nhà đầu tư quan tâm cả trong nước lẫn ngoài nước.
Ngoài ra, các TCTD yếu kém có thể được miễn hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, được hạch toán dần vào chi phí đối với phần chênh lệch giữa giá bán nợ và giá trị ghi sổ của khoản nợ. Đối với TCTD được xử lý dưới hình thức sáp nhập, hợp nhất, bán toàn bộ vốn điều lệ còn được miễn các loại thuế, phí về chuyển nhượng tài sản trong quá trình sáp nhập, hợp nhất, bán vốn.
Thật ra những biện pháp hỗ trợ trên một phần cũng đã có nằm rải rác tại một số quy định, quyết định của Chính phủ và NHNN. Như việc giảm dự trữ bắt buộc thì theo quy định Điều 10 của Thông tư số 23/2015/TT-NHNN ban hành ngày 04/12/2015, đối với TCTD đang bị KSĐB hoặc đang thực hiện phương án cơ cấu lại có thể được NHNN xem xét giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đến mức tối thiểu 0%.
Đối với việc cho vay tái cấp vốn, theo Thông tư số 18/2015/TT-NHNN cũng đã quy định rõ việc cho vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu VAMC , trong đó theo Quyết định số 2358/QĐ-TTg năm 2013 thì lãi suất vay thấp hơn lãi suất tái cấp vốn 2%. Đối với cho vay đặc biệt thì Thông tư số 06/2012/TT-NHNN cũng đã quy định về cho vay đặc biệt đối với TCTD, tuy nhiên lãi suất cho vay đặc biệt do Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng trường hợp cụ thể.
Đối với việc trích lập dự phòng rủi ro thì Điều 15a theo Thông tư số 08/2016/TT-NHNN đã cho phép các TCTD đang thực hiện phương án cơ cấu lại gia hạn thời hạn của TPĐB, từ đó giãn thời gian trích lập dự phòng rủi ro cho TPĐB, tránh tình trạng trích lập dẫn đến lỗ tài chính trong năm. Ngoài ra, Nghị định số 18/2016/NĐ-CP cũng đã cho phép TCTD được phân bổ dần vào chi phí hoạt động phần chênh lệch giữa giá trị ghi sổ trừ đi giá trị mua bán của khoản nợ được mua theo giá trị thị trường và giá trị khoản dự phòng rủi ro đã trích cho chính khoản nợ được mua bán, nếu như TCTD đang bị lỗ hoặc khi thực hiện việc phân bổ ngay phần chênh lệch này sẽ dẫn đến bị lỗ.
Như vậy, dự thảo luật đã gom tất cả các biện pháp hỗ trợ từ một số văn bản luật khác và đề xuất thêm một số giải pháp hỗ trợ mới. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu những nguồn vốn hỗ trợ với lãi suất ưu đãi từ Chính phủ, NHNN hay Bảo hiểm tiền gửi như trên có được đưa vào để tính toán các tỷ lệ an toàn thanh khoản, các tỷ lệ dư nợ cho vay/ nguồn vốn huy động hay như tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Vì vốn dĩ khi một TCTD được xác định là yếu kém thì lượng tiền gửi từ khách hàng sẽ bị suy giảm đáng kể, do đó gần như không thể đáp ứng được tất cả các chỉ tiêu trên nếu như chỉ được sử dụng nguồn vốn huy động từ khách hàng để tính toán.
Đặc biệt với những TCTD được mua bắt buộc có thể được Chính phủ cấp thêm vốn để bổ sung vốn điều lệ, được Chính phủ cho vay dài hạn với lãi suất 0%, được vay tái cấp vốn của NHNN với lãi suất 0%; được vay đặc biệt NHNN với lãi suất 0%; được nhận tiền gửi hoặc vay của TCTD hỗ trợ với mức lãi suất ưu đãi trong thời gian thực hiện phương án phục hồi. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]