Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố kế hoạch bán vốn năm 2016. Trong năm 2015, SCIC đã bán vốn thành công tại 120 doanh nghiệp thu về 4.491 tỷ đồng trên giá vốn 1.682 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2015, SCIC còn nắm giữ vốn tại 197 doanh nghiệp với tổng các khoản đầu tư là 19.740 tỷ đồng.
2016 là năm mà cả thị trường chờ đợi các cuộc thoái vốn lịch sử tại 10 doanh nghiệp như Vinamilk, FPT Telecom, Bảo hiểm Bảo Minh, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, FPT, Công ty Xuất nhập khẩu Sa Giang, Công ty Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam, Công ty Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang, Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam, theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt từ tháng 10/2015.
Ước tính giá trị thoái vốn có thể lên tới 3,5 tỷ USD.
Ngay bản thân các doanh nghiệp trong diện thoái vốn cũng đã có nhiều chuẩn bị cho lộ trình này. Tiêu biểu như Vinamilk mới đây đã không giới hạn room ngoại, thực hiện các cuộc tiếp xúc nhà đầu tư ở nước ngoài…
Tuy nhiên, kế hoạch thoái vốn của SCIC trong năm 2016 đã khiến không ít các nhà đầu tư thất vọng bởi những doanh nghiệp mà họ thực sự chờ đợi thoái vốn như: Vinamilk, Bảo hiểm Bảo Minh, Nhựa Bình Minh, FPT Telecom…lại không xuất hiện.
Cụ thể, theo kế hoạch, năm 2016, SCIC sẽ tiến hành bán vốn ở 120 doanh nghiệp, trong đó Tập đoàn FPT và Công ty Xuất nhập khẩu Sa Giang được thoái vốn theo quyết định của Chính phủ từ tháng 10/2015.
Kế hoạch thoái vốn tại 10 doanh nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt tháng 10/2015.
SCIC hiện đang nắm giữ 6% vốn tại FPT, tương đương sở hữu 23,9 triệu cổ phiếu của doanh nghiệp này. Theo thị giá hiện nay của FPT (40.800 đồng/cổ phiếu), số tiền mà SCIC dự kiến thu về lên tới hơn 975 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số các doanh nghiệp lớn mà SCIC dự định sẽ bán vốn trong năm 2016 như Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng (Vinaconex), Nhiệt điện Quảng Ninh, Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh, Tổng công ty Cơ điện xây dựng, Nhiệt điện Hải Phòng, Công ty Nông sản Thực phẩm xuất khẩu Cần Thơ, Công ty Khoáng sản và Đầu tư Khánh Hoà,… Trong đó, có nhiều doanh nghiệp mà SCIC đã bán cổ phần năm 2015 nhưng bị ế.
Trở lại việc SCIC chưa vội buông vốn ở các doanh nghiệp như Vinamilk, Nhựa Bình Minh hay Bảo Minh…có thể là do đây đang là những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất của SCIC.
Nhiều nhà đầu tư gọi những doanh nghiệp này là “gà đẻ trứng vàng” hay “bò sữa” cho SCIC khi mỗi năm thu từ cổ tức lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Năm 2015, SCIC nhận về 5.062 tỷ đồng cổ tức, tăng 40% so với năm 2014.
Trong đó, riêng Vinamilk đã trả cho SCIC 2.705 tỷ đồng cổ tức. Năm 2014, con số này cũng ở mức 1.502 tỷ đồng. FPT Telecom cũng mang về nguồn cổ tức lớn. Danh sách cổ tức lớn còn có Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong…
Điều đáng nói là năm 2016, các “gà đẻ trứng vàng” lại lên kế hoạch chi trả cổ tức khủng bằng tiền. Cụ thể, Vinamilk, dự định trả cổ tức bằng tiền cao kỷ lục lên tới 60%, Nhựa Bình Minh bằng tiền tỷ lệ 45%, Nhựa Tiền Phong trả cổ tức 25% bằng tiền, FPT Telecom cổ tức bằng tiền 20% và 10% bằng cổ phiếu…
Với những “món tiền tươi thóc thật” này, SCIC đã đặt kế hoạch năm 2016 đạt doanh thu 12.528 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 8.414 tỷ đồng, trong đó lãi cổ tức là 4.428 tỷ đồng.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]